Cụm đường Độc Lập giữa nơi đáng sống

Sự kiện: Nhịp sống 24h

Ở Đà Nẵng, trục đường Hai Tháng Chín (2-9) và Cách mạng Tháng Tám nối liền tạo thành trục dọc bên bờ tây sông Hàn, cùng với đường 30 Tháng 4 (30-4) và Quảng trường 29 Tháng 3 (29-3) tạo thành một cụm đường độc lập. Sự xuất hiện của đường 2-9 trên bản đồ đã làm góp phần đổi thay bộ mặt đô thị Đà Nẵng.

Cú hích cho đô thị chuyển mình

Tuy mới xuất hiện trên bản đồ Đà Nẵng chỉ mới gần 30 năm, nhưng đường 2-9 hiện là một trong những con đường phát triển sầm uất nhất ở thành phố biển, là trục giao thông chính, kết nối quận Hải Châu và quận Cẩm Lệ cũng như huyện Hòa Vang. Ý nghĩa hơn, con đường này được hoàn thành và đặt tên vào đúng dịp kỷ niệm 50 năm Quốc khánh (2/9/1945 - 2/9/1995).

Theo tư liệu từ trang thông tin Đảng bộ TP Đà Nẵng, tuyến đường dài 4.500m và rộng 21m, nối từ đường Bạch Đằng ở trước Bảo tàng Điêu khắc Chăm đến đường Cách mạng Tháng Tám.

Trong ký ức của người Đà Nẵng, khu vực đường 2-9 trước đây chỉ là bãi đất ruộng, lau sậy mọc um tùm kéo dài từ đường Núi Thành ra đến bờ sông Hàn. Sinh sống trên đường Núi Thành, ông Nguyễn Văn Tấn (Trưởng Ban liên lạc Bộ đội Trường Sa TP Đà Nẵng) vẫn nhớ như in bãi đất mênh mông thẳng tắp phía trước nhà kéo dài ra đến bờ sông.

Thời điểm đó, trục đường chính để từ các tỉnh phía Nam vào Đà Nẵng là qua đường Núi Thành vốn kéo dài hết khu vực phường Hòa Cường (cũ) đến cầu Đò Xu. Đường Cách mạng Tháng Tám lúc đó cũng chỉ là con đường nhỏ, vẫn được dân địa phương gọi là đường Núi Thành nối dài. Đó cũng là tuyến đường nối trung tâm thành phố với huyện Hòa Vang. “Cách có mấy km thôi mà thời đó chừng như xa lắm”, ông Tấn nhớ lại.

Đường 2-9 sầm uất với nhiều công trình với thiết kế độc đáo, tạo nên nút giao giữa quá khứ và hiện tại trong lòng phố biển. Ảnh: Giang Thanh

Đường 2-9 sầm uất với nhiều công trình với thiết kế độc đáo, tạo nên nút giao giữa quá khứ và hiện tại trong lòng phố biển. Ảnh: Giang Thanh

Rồi đường 2-9 được mở. Đường Cách mạng Tháng Tám cũng được đầu tư nâng cấp thành đường rộng 21m với 4 làn xe, đặt tên đường theo Nghị quyết 07 của HĐND TP vào năm 1998, nối với đường 2-9 và đường Núi Thành ở Ngã ba Đò Xu chạy dài đến cầu vượt Hòa Cầm. Con đường Độc Lập được nối dài, kéo theo sự đổi thay của cả một vùng đất.

“Từ khi có đường 2-9 và sau đó là Cách mạng Tháng Tám, những khu dân cư sầm uất được hình thành dọc những tuyến đường này. Chỉ một thời gian ngắn, bộ mặt đô thị có những sự thay đổi rõ rệt”, ông Tấn cho biết.

Theo ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử TP Đà Nẵng, tên đường 2-9 và thời điểm đặt tên đường là cách mà người Đà Nẵng (khi đó còn là thành phố tỉnh lỵ của tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng) vinh danh một trong những sự kiện lịch sử của đất nước.

“Một giá trị lịch sử khác của đường 2-9 là đánh dấu bước chuyển rõ rệt trong quá trình đô thị hóa của thành phố ven sông Hàn, thể hiện sự thay đổi tư duy từ chỗ hầu như quay lưng với dòng sông đến chỗ hướng tầm nhìn ra phía bờ sông. Nói hầu như, bởi vì từ những ngày đầu thành lập Tourane/Đà Nẵng đã có đường Quai Courbet/Bạch Đằng được xem là mặt tiền của thành phố nhìn ra sông”, ông Tiếng chia sẻ.

Nút giao giữa quá khứ và hiện tại

Cùng với sự phát triển của con đường mang tên ngày Độc Lập ở Đà Nẵng, những tòa kiến trúc độc đáo, hiện đại cũng được xây dựng. Đó là công viên APEC với cánh buồm trắng trăm tấm tọa lạc cạnh bên Bảo tàng Điêu khắc Chăm. Đó là Cung thiếu nhi Đà Nẵng với thiết kế lấy ý tưởng từ trò chơi xếp hình Tangram độc đáo. Là Cung thể thao Tiên Sơn với tạo hình đĩa bay giữa lòng thành phố. Là Trung tâm Hội chợ Triển lãm thành phố với loạt sự kiện thương mại mang tầm cỡ quốc gia và khu vực.

Cùng với dãy nhà hàng tiệc cưới sầm uất khiến đường 2-9 được mệnh danh là “phố tiệc cưới”. Đó còn là công trình nút giao 3 tầng cầu vượt - hầm chui hiện đại ở giao lộ đường 2-9 và cầu Trần Thị Lý. Tất cả tạo nên điểm nhấn mang hơi thở thời đại cho cung đường này.

“Đường 2-9 được người Đà Nẵng đặt trong một quần thể những đường phố và công trình công cộng cũng mang những dấu ấn lịch sử trọng đại tương tự như đường Cách mạng Tháng Tám, đường 30-4, Quảng trường 29-3 và Đài Tưởng niệm Anh hùng Liệt sĩ thành phố. Chính điều đó đã làm cho khu vực này trở thành một địa điểm lịch sử - chính trị tôn nghiêm không thể thiếu của một thành phố giàu ký ức và đang từng ngày đổi mới như Đà Nẵng”, ông Bùi Văn Tiếng

Nhắc đến đường 2-9 ở Đà Nẵng, không thể không nhắc đến cụm Quảng trường 29-3 (được đặt tên theo ngày giải phóng QN-ĐN 29/3/1975) và Đài tưởng niệm Anh hùng Liệt sĩ thành phố đối diện nhau, được quy hoạch trở thành không gian công cộng, không gian văn hóa của địa phương. Phía sau lưng Quảng trường 29-3 chính là đường 30-4 (Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước) chạy ngang qua khu dân cư số 1 Nguyễn Tri Phương, được đặt tên vào năm 2006.

“Sự phát triển tuyến đường 2-9 và Cách mạng Tháng Tám đã tạo không gian để các di tích dọc tuyến đường này như Bảo tàng Điêu khắc Chăm, chùa An Long… trở thành những không gian công cộng, điểm đến lịch sử văn hóa thu hút người dân bản địa cũng như du khách thập phương”, ông Tiếng nói.

Nguồn: [Link nguồn]

Đường phố TP HCM rực rỡ cờ hoa mừng ngày thống nhất

Những ngày này, đường phố TP HCM rực đỏ cờ Tổ quốc và băng rôn, tranh ảnh cổ động... chào mừng 48 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975 - 30.4.2023)

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo GIANG THANH ([Tên nguồn])
Nhịp sống 24h Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN