Cứ nắng nóng lại mất điện, tại sao?
Sự cố mất điện cục bộ trong mấy ngày vừa qua khi thời tiết nắng nóng lên đến 40 độ C khiến người dân bức xúc. Nhiều bạn đọc đặt câu hỏi chiêu cắt điện như vậy có phải là để tăng giá điện.
Miền Bắc và miền Trung vừa trải qua một đợt nắng nóng cao độ. Có những ngày, nhiệt độ lên tới trên dưới 40 độ C. Trong khi đó, độc giả liên tục phản ánh về tình trạng mất điện đột xuất khiến cuộc sống bị đảo lộn, đặc biệt là tại Thủ đô Hà Nội.
Ngày 17/5, Tổng công ty Điện lực Thành phố Hà Nội (EVN HANOI) đã gửi lời xin lỗi khách hàng về các sự cố mất điện trong những ngày nắng nóng vừa qua. Theo Tổng công ty Điện lực Hà Nội, ngành điện không có “chủ trương” cắt điện trong những ngày nắng nóng trên 36 độ C. Sự cố mất điện cục bộ trong mấy ngày vừa qua là do thời tiết nắng nóng khiến nhu cầu sử dụng điện tăng cao, hệ thống quá tải gây nhảy atomat.
Trước đó, vào đầu tháng 5, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, trong tháng 5 này, tổng nhu cầu điện toàn hệ thống vào khoảng 11,78 tỷ kWh, tăng 11,13% so với cùng kỳ 2012. EVN cam kết cung ứng đủ điện cho sản xuất và sinh hoạt trong tháng 5, trừ trường hợp quá bất thường về nhu cầu điện xảy ra.
Cách bảo dưỡng đường điện “có vấn đề”?
Trước lời giải thích của Tổng công ty Điện lực Hà Nội, độc giả có địa chỉ email nguyentuanthanh…@yahoo.com cho rằng không thể đổ lỗi do người dân dùng nhiều nên quá tải. Theo độc giả này, cần kiểm tra đánh giá dựa trên nhiều yếu tố: “- Khi làm dự toán hệ thống cung cấp điện anh dự toán như thế nào? Có tính đến yếu tố tương lai không hay chỉ khảo sát hiện thời? - Thi công có đúng với thiết kế không? Các khí cụ điện khác có đúng với thiết kế không? Hay lại dùng hàng kém chất lượng? - Công tác bảo trì bảo dưỡng thế nào?"
Trong khi đó, độc giả ở địa chỉ email tranhai…@gmai.com cho rằng cách duy tu bảo dưỡng có vấn đề: “Hằng năm cứ đến mùa nóng là quá tải, ngành điện phải lường trước được vấn đề này và có phương án rồi mới phải chứ? Tại sao lại sửa đường dây vào những ngày này?”
Còn độc giả ngan_ha…@yahoo.com thắc mắc: “Tại sao lúc chưa nắng nóng không chịu tu sửa mà cứ để đến khi có sự cố mới khắc phục?”. Theo độc giả này, lưới điện Hà Nội quá rách nát, thiếu an toàn. Rất nhiều vụ tai nạn điện và tai nạn giao thông do vướng vào dây điện đã xảy ra.
Quá nóng, ông Hải cũng không thể ngủ, đành ra ngoài đường hóng gió
Độc giả Trung Kiên (trungkien…@gmail.com) bức xúc: “Nào thì phá khu rừng này, ngăn con sông kia. Hàng trăm dự án thủy điện tàn phá môi trường, hàng trăm dự án nhiệt điện ô nhiễm môi trường nhưng mất điện vẫn hoàn mất điện. Chỉ khổ người phải chịu cảnh ‘nửa đêm thức giấc, hóng gió ngoài đường’.”
“Ngành điện nên đặt mình vào vị trí làm dịch vụ” là ý kiến của độc giả vietnamseaman…@gmail.com. Độc giả này viết: “Người dân có phải đi xin điện đâu, họ trả tiền đầy đủ mà. Lãnh đạo ngành điện phải xem lại cách thức phục vụ của mình, nên đặt mình vào vị trí làm dịch vụ, người dân là khách hàng. Khi khách hàng sử dụng dịch vụ của mình thì phải làm cho tốt. Đây chính là điểm tối của “bệnh” độc quyền. Năm nào đến mùa nóng cũng nghe ngành điện ca bài ca thiếu nhân lực, thiếu vật lực...”
Dấu hỏi về giá điện
Trước tình trạng điện lưới không ổn định, nhiều người đặt câu hỏi về giá điện.
Độc giả tại địa chỉ email Thedoan…@gmail.com viết: “Cứ mùa nóng nào điện bị cúp liên tục thì y như rằng sau đó là tăng giá điện. Chắc lần này cũng vậy. Sao việc nâng cấp đường dây và trạm biến áp không thực hiện vào mùa mát mẻ mà cứ đợi lúc nắng nóng nhất mới làm???”
Còn độc giả Hoang Minh Tuan (minh…@gmail.com) cho rằng ngành điện lực đã không thực hiện đúng hợp đồng với người dân: “Ngành điện lực không đảm bảo cấp điện cho khách hàng, dù chỉ là điện sinh hoạt. Vậy là không thực hiện đúng hợp đồng mua bán điện, có bị phạt không?”
Độc giả tên Tùng (toptrade…@yahoo.com) cho rằng không thể tăng giá điện khi chất lượng không được nâng lên. Độc giả này viết: “Nước mình lúc nào cũng công nghiệp hoá hiện đại hoá nhưng đến 2013 thì điện vẫn cứ... lúc có lúc không. Ngành điện lực thì đòi tăng giá điện nhưng... kiểu phục vụ như vậy mà vẫn cứ đòi tăng giá sao???"
Anh Hoan cùng hai con ngồi ngoài đường tránh nóng
Trước thắc mắc về chất lượng điện và giá điện, độc giả ở địa chỉ email cimientay…@yahoo.com cho rằng, người dân nên hiểu và thông cảm với ngành điện lực. “Các bạn đừng có suy nghĩ rằng ngành điện muốn tăng giá mà phải làm như vậy. Những công nhân ngành điện đâu có muốn nửa đêm phải đi làm. Ai chẳng muốn cho mọi người có được giấc ngủ ngon và bản thân họ cũng không phải vất vả, nhưng sự cố bất khả kháng nào ai muốn. Nên hiểu và thông cảm cho nhau còn hơn cứ ngồi mà trách móc.”
Trong khi đó, độc giả Đoàn Tuấn Anh (anhld…@gmail.com) lại cho rằng điện vẫn đang được sử dụng một cách lãng phí. Độc giả này góp ý: “Với tình hình nắng nóng hiện nay, điện sinh hoạt là vô cùng cần thiết, nhất là với các gia đình có cháu nhỏ. Nhưng tôi thấy đâu đó vẫn có tình trạng lãng phí điện thắp sáng. Đơn cử như cầu vượt Láng Hạ - đường Láng, thông thường tôi thấy cứ tầm 5h chiều là đã bật cả mấy dàn đèn từ đèn cao áp tới đèn trang trí. Khi tôi nêu thắc mắc với các đồng nghiệp của mình, họ nói không chỉ ở Láng Hạ, cầu vượt Xuân Thủy cũng vậy. Nên chăng, thành phố nên kiểm tra và lùi giờ bật điện tại các công trình này khoảng một giờ đồng hồ, như vậy sẽ tiết kiệm được điện phục vụ sinh hoạt của nhân dân.”