Crimea sẽ làm suy yếu hải quân Nga?

Nếu bị cấm vận vì Crimea, hạm đội Thái Bình Dương của Nga sẽ bị suy yếu đáng kể.

Trong vòng 2 năm tới đây, Hạm đội Thái Bình Dương của hải quân Nga dự kiến sẽ tiếp nhận thêm 2 tàu đổ bộ tấn công cỡ lớn lớp Mistral do Pháp chế tạo. Những “quái vật” khổng lồ này sẽ tăng cường vị thế của hải quân Nga trên Thái Bình Dương và tham gia vào đại gia đình tàu boong phẳng có khả năng chở theo máy bay ở vùng biển này, trong đó có tàu Liêu Ninh của Trung Quốc, tàu đổ bộ Dokdo của Hàn Quốc, tàu Canberra của Úc và tàu Izumo của Nhật Bản.

Thế nhưng thương vụ mua bán tàu chiến đầy tiềm năng này nhiều khả năng sẽ khó trở thành hiện thực. Với việc Tổng thống Nga Vladimir Putin ký sắc lệnh công nhận Crimea là một quốc gia độc lập để dọn đường cho việc sáp nhập vùng đất này vào với Nga, Liên minh châu Âu (EU) đang xem xét một loạt các biện pháp cấm vận đối với Moscow.

Crimea sẽ làm suy yếu hải quân Nga? - 1

Tàu đổ bộ tấn công cỡ lớn lớp Mistral

Theo thuật ngữ quân sự, cú đòn nặng nề nhất mà EU có thể giáng vào Nga chính là hai tàu chiến lớp Mistral có tên gọi Vladivostok và Sevastopol với trọng tải lên tới 21.000 tấn và có khả năng chở theo 12 trực thăng vũ trang cùng nhiều tính năng hiện đại khác.

Việc người Nga đặt tên cho chiếc tàu chiến đổ bộ thứ hai trong đơn hàng này là Sevastopol, tên thủ phủ vùng Crimea, càng khiến cho EU khó chịu và khó có thể chấp nhận bàn giao đơn hàng cho Nga.

Nga dự định mua hai chiếc tàu đổ bộ cỡ lớn này nhằm khỏa lấp khoảng trống trên Thái Bình Dương từ sau khi Liên Xô sụp đổ và hai tàu sân bay lớp Kiev không còn hiện diện ở vùng biển này.

Khả năng đổ bộ của hai tàu lớp Mistral là đặc biệt quý giá trong các nước cờ chính trị trên Thái Bình Dương, bởi chúng có thể được sử dụng vào các chiến dịch hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thiên tai trong nhiều hoàn cảnh khác nhau, đồng thời thể hiện sự hiện diện của Nga trên vùng biển chiến lược này.

Thương vụ mua sắm tàu đổ bộ Mistral là một vấn đề gây tranh cãi ở Nga, bởi nước này phải chi ra rất nhiều tiền trong ngân sách quốc phòng hạn hẹp của mình cho một nhà thầu quân sự của Pháp. Một số chuyên gia phân tích của Nga còn lo ngại về các loại công nghệ được tích hợp trên tàu.

Crimea sẽ làm suy yếu hải quân Nga? - 2

Hạm đội Thái Bình Dương của Nga đang thiếu hẳn khả năng đổ bộ và tác chiến trên không

Tuy nhiên, với việc các hãng đóng tàu của Nga không thể đóng được những con tàu lớn đảm bảo chất lượng kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, tàu đổ bộ Mistral vẫn là cơ hội tốt nhất của Nga để tăng cường khả năng đổ bộ và tác chiến trên không cho các hạm đội đang ngày càng xuống cấp của mình.

Trong khi đó, người Pháp cũng có những mối lo ngại của họ. Mặc dù đơn hàng này mang lại cơ hội rất lớn cho ngành đóng tàu của Pháp, song một số đồng minh NATO của họ lại lo ngại rằng Nga có thể sử dụng những con tàu đó để chống lại NATO hoặc các quốc gia thân NATO.

Paris sẽ phải đối mặt với sức ép rất lớn từ các đồng minh trong vòng 6 tháng tới liên quan tới việc có nên chính thức chuyển giao 2 tàu đổ bộ Vladivostok và Sevastopol cho Nga hay không. Việc không chuyển giao hai con tàu này có thể hủy hoại nghiêm trọng quan hệ Nga-Pháp, trong khi việc thực hiện nghiêm chỉnh đơn hàng sẽ gây ra nhiều rắc rối với các đồng minh NATO.

Một giải pháp mà Pháp có thể nghĩ ra trong lúc này, đó chính là tìm kiếm một đối tác mua hàng mới, chẳng hạn như hải quân Brazil, mặc dù những thương vụ như thế này sẽ gặp rất nhiều trở ngại. Còn trước mắt, cả Pháp và Nga đều chưa tìm ra biện pháp nào khả dĩ để có thể giải quyết những bất đồng có thể làm tổn hại đến sức mạnh của hải quân Nga trên Thái Bình Dương.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Trí Dũng (Theo The Diplomat) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN