Công chức “cắp ô” vì chưa quản chặt

Công chức sáng cắp ô đi, chiều cắp về là do phương pháp tổ chức, quản lý bộ máy công chức chưa chặt chẽ.

Đó là ý kiến của GS Tạ Ngọc Tấn Giám đốc Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh. GS Tấn đã có cuộc trao đổi với PV bên lề Lễ ký Biên bản thỏa thuận: "Dự án nâng cao năng lực của Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh trong đào tạo cán bộ lãnh đạo và công chức", chiều tối ngày 13/3, tại Hà Nội.

Ông Tạ Ngọc Tấn đồng tình với ý kiến của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, có tới 30% số công chức làm việc không hiệu quả. Họ làm việc theo kiểu "sáng cắp ô đi, tối cắp về".

Công chức “cắp ô” vì chưa quản chặt - 1

Lễ ký kết "Dự án nâng cao năng lực của Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh trong đào tạo cán bộ lãnh đạo và công chức"

Theo Giám đốc Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh, năng lực cán bộ công chức của chúng ta cũng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội, vì năng lực và phương pháp tổ chức bộ máy công chức của nước ta chưa chặt chẽ.

Để giải quyết vấn đề này, cần xác định lại nhiệm vụ, chức năng của từng cán bộ công chức để bố trí công việc hợp lý. Từ đó củng cố và hoàn thiện bộ máy công chức.

GS Tạ Ngọc Tấn nói: “Để tăng năng suất lao động công chức, cần kết hợp nhiều khía cạnh khác nhau trên cơ sở kiểm tra giám sát từng nhiệm vụ và công việc của từng người. Bản thân mỗi cán bộ công chức cần phấn đấu, đẩy mạnh hơn nữa hiệu quả làm việc để đáp ứng yêu cầu xã hội”.

Nhà nước cũng cần hoàn thiện hệ thống pháp lý, quy chế về quản lý chặt chẽ đối với công chức. Bên cạnh đó, tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ nhận thức của cán bộ công chức.

Không chỉ công chức, Việt Nam cũng đang rất cần quan chức giỏi. Ông Tạ Ngọc Tấn nói: “Người lãnh đạo có tầm nhìn thời đại, tư duy khoa học, kỹ năng dẫn dắt, thuyết phục người dân. Có ý tưởng sáng tạo và bản lĩnh vượt khó, có đức, có tâm phục vụ nhân dân và đất nước. Đó là người lãnh đạo mà Việt Nam đang rất cần”.

Theo ông Tạ Ngọc Tấn, chiến lược phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam đến năm 2020, nhấn mạnh một trong những khâu đột phá là nhân lực chất lượng cao. Trong đó, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao cùng hệ thống lãnh đạo quản lý có vai trò đặc biệt quan trọng. Đó là yêu cầu của Nhà nước đặt ra cho Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh thông qua việc tổ chức các khóa học bồi dưỡng nguồn cho các cán bộ lãnh đạo cao cấp.

Nâng cao năng lực cán bộ công chức

Chiều 13/3, Dự án nâng cao năng lực của Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh trong đào tạo cán bộ lãnh đạo và công chức được ký kết giữa học viện này và Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA).

Dự án nhằm tăng cường năng lực cho cán bộ giảng dạy của Học viện trong việc thiết kế, quản lý và thực hiện chương trình bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo. Các học giả và chuyên gia đến từ Tổng cục Nhân sự Nhật Bản sẽ chia sẻ kinh nghiệm và kỹ năng xây dựng tài liệu, áp dụng quy trình quản lý đào tạo cũng như phố hợp giảng dạy cho các khóa học.

Một loạt các hội thảo, tọa đàm khoa học sẽ được tổ chức nhằm nâng cao chất lượng chương trình đào tạo. Dự án sẽ được triển khai từ tháng 5/2013 đến năm 2016.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Dương Tùng ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN