CMND có tên bố mẹ: Trái Công ước Quốc tế

Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật đã có văn bản gửi lãnh đạo Bộ Tư pháp để báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề nghị xem xét việc tiếp tục cấp CMND mẫu mới.

Như đã phản ánh, từ nay tới hết năm 2013, Tổng cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội - Bộ Công an sẽ tiếp tục thực hiện cấp CMND mới với phần ghi họ tên cha mẹ công dân tại TP Hà Nội và nhiều tỉnh phía Bắc. Tuy nhiên, hiện Bộ Tư pháp cũng đang nghiên cứu để có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề nghị xem xét lại quy định này.

CMND có tên bố mẹ: Trái Công ước Quốc tế - 1

Làm thủ tục cấp CMND mới ở Hà Nội. Ảnh: VOV Giao thông

Bộ Tư pháp sẵn sàng nhận khuyết điểm

Đại diện Bộ Tư pháp cho biết lãnh đạo bộ đã giao các cục, vụ chức năng nghiên cứu kỹ về tính hợp pháp, hợp lý của Nghị định 170/2007/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 05/1999/NĐ-CP về CMND. Nếu xét thấy việc thẩm định Nghị định 05 và sau đó là Nghị định 170 có sơ suất, để lọt quy định cho phép CMND ghi họ tên cha mẹ công dân thì Bộ Tư pháp sẽ không chối bỏ trách nhiệm của mình và sẵn sàng thừa nhận khuyết điểm với Chính phủ.

Điều 16 Công ước Quốc tế về quyền trẻ em viết: “Không trẻ em nào phải chịu sự can thiệp tùy tiện hay bất hợp pháp vào việc riêng tư, gia đình, nhà cửa hoặc thư tín cũng như những sự công kích bất hợp pháp vào danh dự và thanh danh của các em”.

Khoản 2 điều 759 Bộ Luật Dân sự quy định rõ: “Trong trường hợp điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác với quy định của bộ luật này thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó”.

“Tuy nhiên, quy định về việc này đã xuất hiện cách đây hơn chục năm nên cần phải xem xét thấu đáo. Quan điểm của Bộ Tư pháp là sớm có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị xem xét lại một quy định đang gây ra những phản ứng từ phía dư luận cũng như những người làm luật” - vị này nói.

Theo TS Lê Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp), sau khi nghiên cứu quy định cho phép đưa tên cha mẹ lên CMND, cục đã phát hiện điều này trái với Bộ Luật Dân sự và Công ước Quốc tế về quyền trẻ em mà Việt Nam đã ký tham gia từ năm 1989.

Hơn nữa, điều 38 Bộ Luật Dân sự 2005 về quyền bí mật đời tư thì người mẹ có quyền giữ kín thông tin về người cha và nếu thủ tục hành chính yêu cầu ghi tên cha mẹ đứa bé thì sẽ xâm phạm quyền bí mật đời tư được quy định tại điều này.

Không cần thiết

Luật gia Phạm Quốc Anh, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam, cho rằng việc đưa thêm họ tên cha mẹ lên CMND rõ ràng không cần thiết bởi từ trước tới nay, các thông tin trên CMND đã khá đầy đủ.

TS Lê Hồng Sơn cho rằng CMND mới có kích thước hợp chuẩn quốc tế và đã có các thông tin cơ bản về cá nhân, quê quán, dãy 12 số chỉ được cấp cho mỗi công dân một lần. Việc Chính phủ sớm ban hành một nghị định mới thay thế Nghị định 170/2007 sửa đổi, bổ sung Nghị định 05/1999 là rất cần thiết. Trong nghị định ấy phải có một chế định cụ thể quy định về hồ sơ mà công dân phải khai đầy đủ khi làm CMND (trong hồ sơ này, việc đưa họ, tên cha, mẹ của công dân đó là hết sức cần thiết). Hồ sơ lưu trữ do cơ quan có thẩm quyền quản lý liên quan trực tiếp đến mã vạch, số CMND của từng công dân sở hữu CMND để khi có việc, từ những thông tin trên CMND, cơ quan có thẩm quyền có thể truy về hồ sơ gốc của công dân đó tại ngân hàng hồ sơ.

“Điều cần thiết ở CMND mới là kỹ thuật in ấn, công nghệ hiện đại, bảo mật và bền đẹp hơn trước. Khi đi làm các thủ tục, kèm CMND, người dân vẫn phải xuất trình một số giấy tờ khác, công an đã có thể nắm rõ lý lịch tư pháp của họ thì đâu cần thiết phải đưa tên cha mẹ họ lên đó” - ông Quốc Anh bày tỏ.

TS Nguyễn Đình Lộc, nguyên bộ trưởng Bộ Tư pháp, cho rằng việc đưa tên cha mẹ lên CMND là không cần thiết và phải dừng ngay. Ông Lộc cho rằng Bộ Công an có lý khi nói rằng việc này sẽ giúp quản lý, xác định thông tin về công dân được nhanh, dễ dàng hơn. “CMND mới hiện đại như thế, việc xác định lý lịch của mỗi công dân đâu có khó.

Việc đưa nguồn gốc con người lên CMND rất dễ gây xúc động, tâm lý không tốt với nhiều người đã có cha mẹ mất từ lâu, thiếu cha, mẹ hoặc sinh ra đã không biết cha mẹ là ai. Dù Bộ Công an giải thích những trường hợp này có thể để trống nhưng thử hỏi khi ấy công dân sẽ cảm thấy tủi thân, xấu hổ ra sao khi đưa CMND ra cho người khác xem.

“Quan điểm của tôi là không thể thực hiện quy định này. Bây giờ vẫn đang trong thời gian thí điểm, tác động chưa nhiều tới đông đảo dư luận nhân dân nên Chính phủ vẫn có thể yêu cầu dừng lại như việc đã yêu cầu Bộ Công an hoãn xử phạt hành vi không sang tên đổi chủ phương tiện giao thông theo quy định vừa rồi”- TS Lê Hồng Sơn bày tỏ.

Thực hiện việc thu lệ phí CMND mới

Để triển khai thực hiện Thông tư số 155/2012/TT-BTC của Bộ Tài chính qui định về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng lệ phí CMND mới, Tổng cục Cảnh sát QLHC về TTATXH Bộ Công an đã có Công văn đề nghị Giám đốc CATP Hà Nội chỉ đạo các đơn vị liên quan triển khai thực hiện hướng dẫn tạm thời việc thu lệ phí CMND mới.

CMND có tên bố mẹ: Trái Công ước Quốc tế - 2

Cơ quan Công an tổ chức thu lệ phí CMND

Theo đó, trường hợp cấp mới là những công dân từ đủ 14 tuổi trở lên, lần đầu được cấp CMND 12 số. Trường hợp cấp đổi là những công dân đã được cấp CMND 12 số, do hết hạn sử dụng (15 năm), do hư hỏng nhưng vẫn đọc được các thông tin hoặc do có thay đổi thông tin trên CMND mà được cấp đổi sang CMND 12 số. Trường hợp cấp lại là những công dân đã được cấp CMND 12 số, nhưng bị mất. Trường hợp thu nhận ảnh trực tiếp là khi làm thủ tục cấp CMND, công dân sẽ được thu nhận ảnh chân dung qua máy ảnh kết nối với máy tính và in ảnh trực tiếp trên CMND. Trường hợp thu nhận ảnh gián tiếp là khi làm thủ tục cấp CMND, công dân mang ảnh chân dung của mình để dán vào tờ khai CMND hoặc cơ quan công an cấp CMND chụp ảnh, in ảnh dán vào tờ khai CMND để quét thu nhận, sau đó in trên CMND.

Các trường hợp được miễn lệ phí CMND gồm: Công dân là bố, mẹ, vợ, chồng, con dưới 18 tuổi của liệt sỹ; thương binh, bệnh binh, người hưởng chính sách như thương binh, con dưới 18 tuổi của thương binh; công dân thuộc các xã, thị trấn vùng cao theo quy định của Ủy ban Dân tộc; công dân thuộc hộ nghèo theo quy định của pháp luật; công dân dưới 18 tuổi, mồ côi cả cha lẫn mẹ, không nơi nương tựa; cấp đổi CMND mới do Nhà nước quy định thay đổi địa giới hành chính.

Trường hợp công dân thường trú tại các xã, thị trấn miền núi, các xã biên giới, các huyện đảo được giảm 50% lệ phí cấp CMND.

Cũng theo Công văn hướng dẫn của Tổng cục Cảnh sát QLHC về TTATXH, đơn vị thu lệ phí gồm Cục Cảnh sát QLHC về TTXH trực thuộc Tổng cục Cảnh sát QLHC về TTATXH - Bộ Công an; Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Công an các quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh. Cơ quan Công an thu lệ phí CMND có trách nhiệm niêm yết công khai mức thu lệ phí tại trụ sở cơ quan thu lệ phí. Khi thu tiền lệ phí, cơ quan Công an phải cấp cho người nộp tiền biên lai thu lệ phí do Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế) phát hành. Biên lai được quản lý, sử dụng theo quy định của Bộ Tài chính. Đăng ký, kê khai, nộp lệ phí với cơ quan Thuế địa phương nơi cơ quan thu đóng trụ sở chính; thực hiện thanh toán, quyết toán biên lai thu lệ phí và quyết toán thu, nộp tiền thu lệ phí với cơ quan trực tiếp quản lý theo qui định tại Thông tư số 63/2002/TT-BTC ngày 24-7-2002 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện các qui định pháp luật về phí và lệ phí, Thông tư số 45/2006/TT-BTC ngày 25-5-2006 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Thông tư số 63/2002/TT-BTC.

Theo Trung Hiếu (An ninh Thủ đô)

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Thế Kha (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN