Chuyện về một đôi “đũa lệch”

Sự kiện: Thời sự

Làm giáo viên cắm bản được 21 năm, cô giáo Lô Thị Tâm nghỉ hưu sớm ở tuổi 47, về mở một góc quán nhỏ ven đường để bán hàng. Bỗng một hôm chàng thanh niên bản bên sang hỏi “Có đồng ý làm vợ ta không?”. Sau phút bối rối, cô Tâm trả lời “Ưng ta thì lấy thôi”. Kể từ đó, “đôi đũa lệch” về chung một mái nhà.

Chuyện về một đôi “đũa lệch” - 1

Vợ chồng bà Tâm, ông Thoại hạnh phúc bên ngôi nhà nhỏ. Ảnh: Cảnh Huệ.

Chuyện động mường

Cách thành phố Vinh (Nghệ An) khoảng 200km, dọc theo tuyến quốc lộ 48, con đường về huyện biên giới Quế Phong bỗng nhiên như dài hơn khi sương mù chắn lối. Chiếc xe khách mò mẫm từng đoạn một, réo còi inh ỏi, đến giữa trưa chúng tôi mới tới được thị trấn Kim Sơn. Tiết trời mùa Đông phủ xuống làm cho mỗi bản làng trở nên giá lạnh, hắt hiu. 

Cơn mưa phùn cùng với gió rừng khiến khách bộ hành ai cũng rùng mình bởi thời tiết khắc nghiệt ở miền biên viễn. Đến đầu chiều, chúng tôi tìm đến ngôi nhà nhỏ nằm bên cạnh suối Nậm Giải, thuộc bản Cọ, xã Châu Kim. Hai anh em cùng đi cảm thấy háo hức bởi chúng tôi cũng hiếu kỳ về đám cưới chấn động bản làng cách đây 19 năm. Và không hiểu vì sao, họ có thể bỏ qua bao lời gièm pha, khoảng cách của tuổi tác để sống hạnh phúc tới tận bây giờ.

Dưới hiên nhà, một phụ nữ luống tuổi đang cặm cụi thái rau. Mái tóc bạc trắng, làn da nhăn nheo vì tuổi tác khiến bà trở nên già hơn tuổi. Mải mê với công việc, bà vẫn không biết có khách vào chơi. Cùng lúc, một người trung niên đẩy cổng vào sau, chiếc lưới vắt qua vai, tay cầm giỏ cá. 

Bất cứ ai gặp lần đầu cũng nghĩ đó là chị em hoặc là mẹ con chứ không thể nào tin họ là vợ chồng. Thấy chúng tôi đứng như trời trồng giữa sân, bà lên tiếng “đó là chồng ta”. Chẳng ngại ngùng, bà liền kể lại kỷ niệm đẹp nhất của cuộc đời. Giọng nói trong veo, rành mạch, bà như quay trở về với ngày xưa khi còn đang là cô giáo.

Thuở còn học sinh, Lô Thị Tâm (SN 1951) là một học sinh ngoan hiền, hiếu học. Hết lớp 7, Tâm được cán bộ vận động đi học tiếp lớp 7 + 2 tại trường Trung cấp sư phạm Tân Kỳ (Nghệ An), rồi trở thành cô giáo trẻ, năng động, đặc biệt là người nhiều chữ, học cao nhất xã. 

Tốt nghiệp năm 1973, cô giáo Tâm được tổ chức phân công về làm giáo viên cắm bản. Thời gian trôi qua, đến tuổi lấy chồng và cũng rất nhiều người dạm hỏi, nhưng chẳng hiểu sao, cô giáo xinh đẹp này vẫn chưa ưng ai.

 “Trong đầu tôi lúc ấy chỉ nghĩ làm việc mà nhà nước giao cho tốt còn chuyện lấy chồng thì đợi thêm vài năm nữa cũng có sao đâu. Rồi mấy năm sau, tôi quá 30 tuổi mới biết là mình ế chỏng vó rồi. Con gái dưới xuôi thì bình thường chứ trên núi, cái tuổi đó coi như gái già, chẳng ma nào thèm”, bà Tâm kể.

Chuyện về một đôi “đũa lệch” - 2

Êm đềm miền Tây Nghệ An. Ảnh: Quang Long.

Thời gian vô tình trôi qua, cuốn đi sắc xuân của thì con gái. Trong ánh mắt của dân bản, cô giáo Tâm đã an phận đơn thân, một mình sớm hôm đi về. Có nhiều người động viên “cô tìm tấm chồng cho bớt hiu quạnh”. 

Lúc đã 35 tuổi, có người dưới mạn Quỳ Châu lên hỏi về làm vợ. Biết tin này, nhiều người kéo đến xem mặt chú rể rồi có người bạn kéo cô ra sau nhà bảo “đồng ý đi”. Suy đi, nghĩ lại, câu trả lời của cô giáo là cái lắc đầu nguầy nguậy. “Chẳng biết ma xui, quỷ khiến gì, trong đầu tôi lúc đó nghĩ mình sẽ không lấy chồng, dành dụm làm cái nhà ở cho thoải mái thôi”, bà Tâm kể.

“Mọi người đều hỏi ta, điều ấy có thật không bởi cô Tâm hơn ta tận 20 tuổi đó, lấy về rồi có sống được với nhau lâu dài không? Ra khỏi nhà là lại nghe lời bàn tán, xì xào này nọ”. 

Anh Thoại

Năm 1994, cô giáo Tâm xin nghỉ hưu sớm rồi về mở một quán nhỏ bán hàng. Vui vẻ, hòa nhã, có nhiều chuyện hay để kể cho khách nghe. Chính vì thế quán tạp hóa nhỏ lại đông khách vãng lai, có thêm chàng thanh niên trẻ Vi Văn Thoại (SN 1971). Ghé quán thường xuyên nên chẳng biết từ bao giờ, Thoại lại đem lòng ưng cô giáo nhiều hơn mình 20 tuổi. 

Thoại chia sẻ: “Mỗi lần đến quán mua hàng, nói chuyện với cô giáo, tôi thấy ưng cô ấy lắm rồi. Suy nghĩ mãi, tôi liền đến hỏi cưới”. Hai người thông báo cho họ hàng, ai cũng ngã ngửa khi nghe chuyện xin cưới của Thoại. 

“Mọi người đều hỏi ta, điều ấy có thật không bởi cô Tâm hơn ta tận 20 tuổi đó, lấy về rồi có sống được với nhau lâu dài không? Ra khỏi nhà là lại nghe lời bàn tán, xì xào này nọ”, anh Thoại cho biết thêm. Sau đó ít ngày, gia đình cũng đồng ý “chúng nó ưng nhau thì cho cưới thôi”. Thế là đám cưới được tổ chức, hai họ được bữa say khướt bên vò rượu cần.

Chuyện về một đôi “đũa lệch” - 3

Ngôi nhà vợ chồng đũa lệch.

Cái kết đẹp của chuyện tình “đôi đũa lệch”

Bỏ qua sự gièm pha, bàn tán của dân bản, cặp vợ chồng son hạnh phúc trong ngôi nhà nhỏ. Niềm vui vỡ òa khi tháng sau, bà Tâm mang thai. “Chồng nó ngạc nhiên lắm, hắn cứ hỏi đi hỏi lại là có thật không? Khi thấy tôi gật đầu, hắn chạy đi khoe khắp nơi từ bản trên cho xuống làng dưới. Nhiều người đến hỏi thăm chúc mừng”, bà Tâm cười đắc ý. 

Được làm mẹ ở cái tuổi quá nửa đời người, cô giáo Tâm ngày nào giờ vui sướng hơn bao giờ hết. Khát khao tình mẫu tử thiêng liêng khó có thể diễn đạt thành lời. Những biến đổi của lần đầu tiên mang thai ở tuổi gần 50 khiến bà Tâm cứ ngỡ ngàng. 

Đứa trẻ lớn lên trong bụng mẹ, đếm đủ ngày đủ tháng đòi ra. Ngày sinh nở, do tuổi thai phụ đã cao nên khó sinh, các y bác sĩ ký giấy chuyển xuống bệnh viện tỉnh. Cơn đau xé đôi của người mẹ tan biến khi tiếng khóc đầu đời của bé gái xinh xắn.

Cũng kể từ niềm vui ấy, gánh nặng kinh tế gia đình đè nặng lên đôi vai vợ chồng bà Tâm. Gia đình nội ngoại cũng khó khăn nên hai vợ chồng buộc phải vươn lên để cho cô bé được ăn học đàng hoàng. Bòn mót tài sản trong nhà, vợ chồng bà mua được chiếc xe máy cho ông Thoại chạy xe ôm.

 Lúc ấy, còn là đường đất, đèo núi quanh co, trập trùng, vòng vèo quanh mấy xã Châu Thôn, Cắm Muộn, Nậm Nhoong, Tri Lễ… nên anh Thoại cũng kiếm đồng vào, đồng ra. Gắn bó với nghề xe ôm gần chục năm thì nghỉ bởi con đường nhựa to đẹp cho xe cộ đi lại thuận lợi kéo về tận bản. Gác cái xe máy đã tồi tàn, anh Thoại trở về cùng vợ làm ruộng, bắt cá dưới suối, chăn nuôi.

Công chúa duy nhất của vợ chồng bà Tâm được đặt với cái tên rất đẹp là Vi Thị Phương Lan, hiện đã là sinh viên năm nhất, ngành giáo dục tiểu học của trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An. Nhắc tới con, anh Thoại cười khà khà sảng khoái của lão nông miền núi: “Có lúc, con gái tôi hỏi sao bố mẹ không sinh thêm em cho con bế... Nó có biết đâu, nó là quả trứng cuối cùng của mẹ”. 

Chúng tôi vui cùng niềm vui của đôi vợ chồng đũa lệch. Ngày cuối tháng, Phương Lan đều về thăm bố mẹ. Cả nhà lại quây quần bên nhau trong hạnh phúc ấm êm viên mãn. 

“Đôi đũa lệch” của 19 năm về trước giờ là tấm gương tình vợ chồng cho người dân vùng biên viễn Quế Phong. Tuổi tác chỉ là những con số đong đầy thêm sự ngọt ngào cho câu chuyện tình vợ chồng đang như cổ tích ở vùng sơn cước này.

Mùa lúa dưới ruộng, mùa măng trên rừng rồi những lo toan vất vả thường ngày cũng trôi qua. Thỉnh thoảng, cũng có lúc cãi vã nhau. “Đàn bà thì nói nhiều hay cằn nhằn nhưng chồng tôi nó hiền lắm. Nặng nhọc trong nhà gánh hết, chẳng khi nào than phiền. Tất cả vì con gái bé bỏng. Tôi hạnh phúc và mãn nguyện lắm”, bà Tâm nói.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Cảnh Huệ (Tiền Phong)
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN