Chuyện tình Tập Cận Bình - Bành Lệ Viện

Sau khi gặp nhau ít phút, Tập Cận Bình đã thầm coi Bành Lệ Viện là ý trung nhân. Bành Lệ Viện cũng cảm thấy ông là “người chồng lý tưởng”.

Bành Lệ Viện sinh năm 1962, người huyện Vận Thành tỉnh Sơn Đông, là ca sĩ nhạc dân tộc nổi tiếng Trung Quốc. Hiện bà giữ chức vụ đoàn trưởng đoàn ca vũ nhạc Tổng cục Chính trị Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc, mang quân hàm thiếu tướng, là giáo sư thỉnh giảng tại ĐH Bắc Kinh.

Ngày gặp mặt Tập Cận Bình, Bành Lệ Viện cố tình mặc một chiếc quần quân đội rất rộng, có ý thăm dò xem “đối phương” có phải là người chỉ chú trọng vẻ bề ngoài hay không. Nhưng Tập Cận Bình còn ăn vận giản dị hơn, vừa cất tiếng đã thu hút sự chú ý của bà. Ông không hỏi “bây giờ thịnh hành ca khúc nào”, “một lần lên sân khấu giá bao nhiêu”, mà hỏi: “Thanh nhạc chia làm mấy kiểu hát?”. Bành Lệ Viện cảm thấy có gì đó gần gũi.

Sau này nhớ lại lần trúng tiếng sét ái tình đó, bà nói: “Khi đó lòng tôi xao động, đây chẳng phải là người chồng lí tưởng trong lòng tôi sao? Một con người vừa mộc mạc vừa tâm lý. Về sau Cận Bình cũng nói với tôi: “Gặp bà chưa đến 40 phút, tôi đã nhận ra bà chính là vợ của tôi rồi”.

Chuyện tình Tập Cận Bình - Bành Lệ Viện - 1

Bành Lệ Viện thời còn trẻ

Nhưng, gia đình Bành Lệ Viện lại không muốn gả con gái cho con cán bộ cao cấp, lo lắng leo cao sẽ khiến con gái chịu nhiều tủi thân. Tập Cận Bình an ủi Bành Lệ Viện: “Cha anh cũng là con nông dân, rất bình dị gần gũi. Người nhà anh đều chọn đối tượng xuất phát từ giai cấp bình dân. Anh sẽ giải thích rõ cho cha mẹ em, họ sẽ chấp nhận anh”.

Cuối cùng, ngày 1/9/1987, Bành Lệ Viện và Tập Cận Bình kết mối lương duyên. Khi đó, Bành Lệ Viện đang ở Bắc Kinh, nhận được điện thoại của Tập Cận Bình, sau vài lời bàn bạc, lên đơn vị viết một giấy giới thiệu, rồi đáp chuyến bay thẳng đến Hạ Môn. Vừa xuống máy bay, Tập Cận Bình đã đưa bà đến tiệm ảnh chụp ảnh cưới, đi đăng ký kết hôn, rồi tổ chức một hôn lễ đơn giản.

Sau kết hôn, hai người luôn phải sống như Ngưu Lang Chức Nữ. Có lần, Tập Cận Bình rảnh rỗi đến Bắc Kinh thăm Bành Lệ Viện, nhưng Bành Lệ Viện đột nhiên nhận được thông báo phải đi công diễn. Bà cầm điện thoại rất lâu không nói được lời nào vì sợ làm tổn thương chồng. Nhưng sau khi biết chuyện, Tập Cận Bình lại quay ra an ủi vợ “Không sao đâu, em cứ đi đi, chúng ta rồi sẽ có lúc đoàn tụ mà. Anh không thể bắt em rời xa sân khấu, như vậy là quá ích kỉ”.

Chuyện tình Tập Cận Bình - Bành Lệ Viện - 2

Tập Cận Bình cùng phu nhân Bành Lệ Viện sau nhiều năm chung sống

Mỗi lần nói về Tập Cận Bình, gương mặt Bành Lệ Viện đầy vẻ hạnh phúc. Bà nói: “Chồng tôi là người giỏi nhất. Tôi cho rằng ông ấy chính là người chồng lý tưởng”. Bành Lệ Viện cũng luôn quan tâm và săn sóc chu đáo cho chồng trong cuộc sống.

Mùa đông năm nọ, Bành Lệ Viện đi Phúc Kiến thăm Tập Cận Bình, thấy mùa đông miền nam không có khí ấm. Khi về Bắc Kinh, bà tìm cách may chăn bông cho chồng, bởi “mua ở trên phố thì kích thước nhỏ, Tập Cận Bình lại cao, đắp không kín chân”. Bà nhờ mẹ bật một chiếc chăn bông sợi lớn nặng 6 cân, rồi đến tiệm vải đo mặt trong mặt ngoài, tự tay khâu thành một chiếc chăn hoàn chỉnh.

Thời gian sau đó Bành Lệ Viện phải đi công diễn ở ngoài, đi Đông Bắc trước rồi cuối cùng mới đến Phúc Kiến. Thế là bà mang theo chiếc chăn căng phồng đó qua Thẩm Dương, Trường Xuân, Yên Sơn. Đi đến đâu mang theo đến đó, đem đến tận tay người chồng ở Phúc Kiến xa xôi, chờ khi ông đắp lên người, liên tiếp nói ổn rồi mới yên tâm.

Lúc ở nhà, Bành Lệ Viện thường tự đạp xe đi chợ mua thức ăn, cũng mặc cả với người khác. “Nhưng họ không biết tôi, nếu nhận ra tôi thì tôi xấu hổ lắm. Có người còn nói, chị rất giống một người. Tôi hỏi giống ai? Họ bảo: “Chị giống Bành Lệ Viện”.

Chuyện tình Tập Cận Bình - Bành Lệ Viện - 3

Bành Lệ Viện trong trang phục quân đội

Tập Cận Bình hơn Bành Lệ Viện mấy tuổi. Ông lúc nào cũng yêu thương vợ, đối xử với bà như một người em gái nhỏ. Mỗi lần đi ra ngoài, trong hành lý của Tập Cận Bình luôn mang theo một chiếc đài nhỏ và mấy băng nhạc thu âm bài hát của Bành Lệ Viện. Mặc dù ông không rành về ca hát lắm nhưng ông đặc biệt thích nghe tiếng hát của vợ mình.

Bành Lệ Viện và Tập Cận Bình có duy nhất một cô con gái, tên thường gọi là Mộc Tử, tên đầy đủ là Tập Minh Trạch. Nói về con gái, Bành Lệ Viện rất xúc động: “Lúc đầu, tôi hy vọng sinh con trai, Cận Bình lại muốn con gái, kết quả như ông ấy mong đợi. Con gái rất giống ông ấy, cũng gần gũi với ông ấy nhất. Tôi đưa nó đi, nó lúc nào cũng ngang ngạnh ương bướng, nhưng chỉ cần đi cùng bố là con bé lại ngoan ngoãn nghe lời giống như một con mèo nhỏ”.

Nhưng cho dù Tập Cận Bình có yêu quý con gái thế nào thì cũng không có đủ thời gian để ở bên con bé, thậm chí còn không tận mắt chứng kiến con mình chào đời. Năm 1992, lúc Bành Lệ Viện sắp sinh, Phúc Kiến phải đón một cơn bão mạnh, Tập Cận Bình đảm nhận công tác chỉ huy ở tuyến đầu, suốt ba ngày ba đêm không về nhà, chứ đừng nói đến việc vào viện cùng Bành Lệ Viện.

Vì cha mẹ kín tiếng lặng lẽ, nên Tập Minh Trạch cũng rất ít xuất hiện trước công chúng. Cô bé cũng đi học như những đứa trẻ bình thường khác, từng học tại trường ngoại ngữ Hàng Châu.

Bành Lệ Viện cho biết bà coi trọng nhất là gia đình. Bà từng nói: “Nếu bảo tôi từ bỏ gia đình, từ bỏ con cái vì sự nghiệp tôi thấy thật khó hiểu. Gia đình là điểm tựa, là bến nước bình yên của người phụ nữ. Gia đình tôi cũng như bao gia đình khác, cũng là một gia đình bình thường, một gia đình hạnh phúc”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Xuân Phúc (theo báo Văn nghệ Giải trí Thế giới của Trung Quốc) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN