Chợ phiên độc đáo dọc sông Ðà

Những bản làng nằm tản mác cách quá xa chợ miền xuôi rất mong chờ chuyến tàu và những buổi chợ phiên.

Không biết duyên cớ nào mà từ nhỏ tôi đã mê mẩn hình ảnh chợ phiên sắc màu vùng cao Tây Bắc. Những trang sách, những bài báo phóng sự đường xa giúp tôi tha hồ tưởng tượng về chợ phiên vùng núi: Trái thảo quả ăn có được không mà sao tên nghe hay quá? Tại chợ phiên người ta ôm theo những chú lợn cắp nách để bán cho nhau. Ở phiên chợ gia súc, tôi xin cưỡi ngựa có được không nhỉ? Dạo chợ mệt rồi tôi sẽ gọi một bát thắng cố vừa ăn vừa ngắm những cô gái H’mong, Thái, Dao, Tày, Nùng... trong những trang phục rực rỡ xúm xít quanh hàng kim chỉ xanh đỏ tím vàng rộn rã cười nói. Ở góc chợ văng vẳng tiếng khèn sáo buồn buồn của một anh chàng A Phủ nào đó...

Chợ phiên độc đáo dọc sông Ðà - 1

Chiếc thuyền chở hàng đến các buổi chợ phiên ven sông.

Rồi tôi lớn lên, Tây Bắc không còn xa xôi. Tôi đã ghé và ở thật lâu với chợ phiên lớn nổi tiếng nhưng đã phai nhạt rất nhiều như Bắc Hà, đến những chợ phiên xa xôi Cán Cấu, Đồng Văn hay những chợ phiên bé xíu không tên nằm dưới rặng tre dọc theo dòng sông nhỏ ở một huyện lỵ của Hà Giang... Cứ nghĩ vậy là mình đã biết đủ về chợ phiên miền núi rồi, nào ngờ chỉ mới đây thôi, tình cờ lênh đênh trên một chiếc tàu chợ xuôi theo con sông Đà hoang dã tôi lại biết về một kiểu chợ phiên hoang sơ, độc đáo chưa từng thấy ở nơi đâu.

Ði du lịch trên thuyền chở hàng

Không phải là những chiếc thuyền be bé thường chỉ dành cho một gia đình sinh sống để rày đây mai đó của vùng sông nước miền Tây Nam bộ, chiếc thuyền mà tôi đi nhờ để đến chợ phiên ven sông Đà lớn hơn rất nhiều. Chiếc thuyền như một ngôi chợ với đủ hàng hóa của hơn 20 tiểu thương. Họ thuê những gian hàng trên tàu, vừa để hàng hóa vừa làm chỗ ở. Mỗi gian hàng chừng vài mét vuông, nhỏ xíu vậy mà cũng kê được cái bếp để nấu ăn. Ngoài đầu thuyền là cả chục con lợn được mang theo xẻ thịt, dăm chú lợn con để bán cho người ta nuôi, rồi mấy chuồng gà. Bên trong là những gian hàng từ gạo thóc, mắm muối, rau củ quả, thuốc uống đến quần áo, mùng mền, cả xi măng... Tầng trên là hàng điện tử, nhựa gia dụng đến tôn lợp nhà, sắt thép. Phía đuôi thuyền là hai cái thùng phuy rộng cá. Vận chuyển hàng hóa cho các tiểu thương đã có sáu anh cửu vạn của chủ tàu lo liệu.

Chỗ ngủ của chúng tôi là ba gian hàng trống ở khoang dưới do chị Hoa béo chủ tàu chừa cho. Trong khoang thuyền lúc nào cũng tối om om, may nhờ cái ô cửa sổ nên cũng đỡ bí bách. Soi đèn pin cho tôi thấy lối đi, chị chủ tàu giọng cứ sang sảng: “Xưa giờ đâu có ai đi du lịch trên tàu này. Thôi bữa sau là cô rành rẽ ngay ấy mà!”.

Mong chờ từng phiên chợ

Khởi hành từ một cảng nhỏ ở thành phố Hòa Bình, chiếc thuyền đi dọc con sông Đà nước xanh biêng biếc, qua những ngọn núi trập trùng đến Sơn La rồi Lai Châu. Tàu ngang qua những bản làng xa xôi ven sông hay vắt vẻo trên sườn núi. Nơi ấy cách xa đường xe chạy hàng chục cây số. Thế là thuyền chở hàng và những chợ phiên ven sông xuất hiện.

Hôm đầu tiên không có phiên, thuyền chạy mải miết từ sáng đến chiều rồi neo lại sát một triền núi. Mọi người lục tục lên bờ phát cỏ, san đất cho bằng chuẩn bị sáng mai bày hàng rồi về thuyền nấu bữa cơm chiều. Anh hàng phở lui cui nhóm cái bếp để ninh xương cho buổi chợ mai. Buổi chiều tà ở miền núi thật vắng vẻ quạnh hiu, mọi người trên thuyền đều đi ngủ sớm.

Sáng hôm sau, khi tôi thức dậy thì mọi người bắt đầu dọn hàng lên bờ. Mấy anh cửu vạn cõng trên lưng những bao hàng nặng trĩu thoăn thoắt đi như chạy dù người đẫm mồ hôi. Chị bán trứng cắp mấy rổ trứng và mớ rau cải hối hả bày hàng. Chẳng mấy chốc mà trên bãi đất trống hàng hóa càng lúc càng nhiều, đủ màu đủ sắc.

Từ xa xa, trên những chiếc thuyền con, người H’mong, người Mường, người Thái ở các bản làng ven sông dần đổ về chợ. Bản trên núi cao thì người ta đi bộ, có chị cho hay đã đi bộ hơn một giờ để đến đây. Có người mang theo những quày chuối trong vườn vừa chín vàng ươm hay mớ mật ong bắt được trên rừng bán lại. Ai muốn bán cứ bán, ai muốn mua thì mua, chợ phiên rộn rộn ràng ràng mà không một tiếng tranh cãi. Sung sướng nhất có lẽ là những em bé nhỏ theo bà, theo mẹ đi chợ được mua cho cái bánh rán nóng hổi cười rạng rỡ. Mấy cô gái ngắm nghía, thử tới thử lui mấy bộ quần áo mới. Mùa ngô vừa xong nên họ có chút ít tiền mua sắm. Chợ tan, người chèo thuyền về bản, người dọn hàng vào thuyền để tiếp tục rong ruổi.

Một tháng thuyền chị Hoa béo đi ba lần, một chuyến mất một tuần qua mười phiên chợ. Phiên chợ nhỏ họp chừng một vài tiếng, phiên chợ lớn thì ba, bốn tiếng, lâu nhất cũng không đến một ngày. Dù chợ nhỏ hay lớn, vắng hay đông người, những người trên thuyền cũng phải tất bật lên bờ dựng chợ, bày hàng rồi lại dỡ ra, mang hàng hóa xuống thuyền. Có khi một ngày phải mấy lần như vậy.

Chợ phiên ven con sông Đà theo chân những chuyến tàu đã có từ bao nhiêu năm nay. Chị chủ tàu khẳng định chẳng bao giờ chợ phiên độc đáo này mai một và biến mất. Bởi những bản làng dọc theo sông Đà cứ tản mác cách quá xa chợ miền xuôi. Những nơi ấy vẫn mong chờ chuyến tàu và những buổi chợ phiên như thế này.

Chợ phiên độc đáo dọc sông Ðà - 2

Em bé H’mong theo ba mẹ đi chợ phiên.

Chợ phiên độc đáo dọc sông Ðà - 3

Tất bật chuẩn bị cho phiên chợ mới.

Chợ phiên độc đáo dọc sông Ðà - 4

Chèo xuồng đến buổi chợ phiên.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Cẩm Tú (Pháp Luật TPHCM)
Tết Nguyên đán 2016 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN