'Chợ người' ký sự: Đồng tiền, mồ hôi, nước mắt

Sự kiện: Tin nóng

Điện thoại reo, tôi được Thuận bắt mối để cùng 8 người trong nhóm đi dỡ nhà cũ. Và, tôi đã có cơ hội để hiểu ý nghĩa thực sự của “tiền, mồ hôi và nước mắt” là như thế nào.

Trong khuôn mặt Nguyễn Văn Thuận vẫn còn những chiếc đinh sau một tai nạn

Trong khuôn mặt Nguyễn Văn Thuận vẫn còn những chiếc đinh sau một tai nạn

Không dành cho kẻ “chém gió”

Đó là một căn nhà hai tầng xuống cấp, nền đất rộng khoảng 40 m2. Do cận ngày giao trả mặt bằng cho chủ nhà để khởi công xây nhà mới, người thuê chúng tôi yêu cầu phải làm việc khẩn trương. Phá dỡ công trình cũ phức tạp, nguy hiểm, nhưng vì làm việc với quy mô nhỏ lẻ nên đồ nghề, máy móc của nhóm thợ chỉ là các loại máy cầm tay như máy khoan, máy đục, máy cắt và búa tạ… Mọi người gần như không có đồ bảo hộ lao động chuyên dụng mà chỉ tự trang bị giày vải, găng tay vải, mũ bảo hộ lao động.

Ông Cường, 50 tuổi được chủ nhà giao nhiệm vụ là trưởng nhóm động viên: “Mọi người phải quan sát kỹ lưỡng kết cấu công trình rồi mới bắt tay vào làm. Trong lúc làm việc, mọi người phải giám sát chặt chẽ, nhắc nhở nhau để tránh tai nạn xảy ra”.

Là thanh niên to khỏe nên tôi được giao nhiệm vụ dùng máy đục để phá lớp bê tông trên trần nhà. Thuận nhìn tôi lắc đầu: “Chú mày chắc chỉ hợp với nghề… chém gió, chứ vừa làm vừa thở thế này bao giờ cho xong”. “Em cũng đi phụ vữa, bốc vác hàng ở chợ nhiều rồi. Gần đây, không làm nặng nên nhanh mệt”, tôi chống chế nhưng thực sự thấy xấu hổ: “So với cái việc đá bóng dưới trời râm mát của mình với công việc nặng nhọc dưới trời nắng nóng của các anh, các chú ở đây không thấm tháp gì”. Để không vướng chân của nhóm, làm một lúc, tôi xin chuyển sang bốc các tảng bê tông ra góc sân, chờ xe đến chở đi.

Một ngày làm việc không nghỉ giữa cái nắng đổ lửa của Thủ đô, 10 lao động được trả 4 triệu đồng, trừ chi phí ăn uống, thuốc nước, mỗi người cầm về được hơn 300 ngàn đồng. Vất vả, nhưng ai cũng vui vì ngày công khá cao. Gần 10 năm không làm việc nặng, hai bàn tay tôi đầy vết xước, đau nhức. Nhìn người đàn ông trưởng nhóm, xấp xỉ tuổi bố mình, vừa quệt mồ hôi, vừa chia tiền cho mọi người một cảm giác chạnh lòng khó tả.

Cuộc phá dỡ vừa qua mệt nhưng coi như thắng lợi. Lúc chè chén cuối ngày, nhóm thợ kể cho tôi nghe câu chuyện thương tâm xảy ra với ông Nguyễn Văn T, quê Nam Định, cũng là một người bán sức lao động tại vườn hoa Hà Đông. Cách đây gần 3 năm, ông T cùng nhóm lao động nhận được hợp đồng đổ bê tông cho một công trình xây dựng ở Sóc Sơn. Sau khi thỏa thuận giá cả, số lượng người, cả nhóm bắt tay vào thực hiện. Trong quá trình vận hành, máy đầm bị rò điện, ông T bị điện giật tử vong. Không có hợp đồng, mọi việc chỉ thỏa thuận bằng miệng nên không ai chịu trách nhiệm. May mắn, chủ công trình thương tình, hỗ trợ tiền ma chay và đền bù một ít tiền cho vợ con ông T.

Nguyễn Văn Thuận, người bắt mối cho tôi có công việc đầu tiên lúc này mới kể. Tháng 8/2018, Thuận cùng nhóm của mình được một chủ thầu thuê đến Bắc Ninh phá dỡ ngôi nhà 2 tầng. Ngoài việc được lo tiền ăn, đi lại, chủ thầu còn trả cho mỗi người 500 ngàn đồng/ngày.

Thấy hợp lý, cả nhóm lên đường. Trong quá trình leo lên giàn giáo phá dỡ công trình, Thuận không may ngã từ trên cao xuống, vỡ xương gò má. Chi phí phẫu thuật, đóng đinh hết gần 30 triệu đồng, nhưng chủ thầu chỉ hỗ trợ 1 triệu đồng. Bác sĩ hẹn sau 6 tháng sẽ mổ tháo đinh, nhưng gần 2 năm trôi qua, Thuận không có tiền, đinh vẫn còn nguyên trong mặt.

“Mọi giao dịch đều thực hiện bằng miệng nên không thể bắt đền người thuê. Nếu họ thương tình thì hỗ trợ, không thì mình phải chịu. Tôi may mắn, chứ nhiều người còn phải bán cả gia tài để chữa trị”, Thuận cám cảnh.

Tác giả (ngoài cùng) đang tham gia phá dỡ căn nhà cũ với nhóm lao động tự do quê Nam Định

Tác giả (ngoài cùng) đang tham gia phá dỡ căn nhà cũ với nhóm lao động tự do quê Nam Định

Cạm bẫy

Quen cách nói chuyện, xin việc, tôi lựa chọn cầu Mai Động, quận Hai Bà Trưng (TP Hà Nội) làm địa điểm hành nghề mới. Sáng 10/5, đang đứng ở góc phố Kim Ngưu, một người phụ nữ khoảng 50 tuổi đến thuê tôi bốc vác hoa quả tại cửa hàng.

“Hợp đồng”ban đầu chỉ 100 nghìn đồng, nhưng xong việc, chị “bo” cho tôi thêm 100 nghìn đồng nữa. Sau hôm đó, đêm nào tôi cũng nhận được tin nhắn của người phụ nữ này. Ban đầu chỉ là những tin nhắn hỏi han như: “Em khỏe không, ăn cơm chưa?”, “Hôm nay công việc thế nào, thu nhập ra sao?”. Dần dà, chị ta “quan tâm” hơn, nhắn: “Chị thấy em trắng trẻo, khỏe mạnh, đi làm cái nghề này nó phí ra. Về giúp chị trông coi cửa hàng, vừa có chỗ ở, công việc nhàn nhã mà thu nhập gấp đôi”. Tôi không trả lời tin nhắn thì chị ấy gọi điện hỏi han: “Hình như em đang tránh mặt chị. Tối có rảnh không đi uống nước”. Đem câu chuyện kể với Hải, một “thợ đụng” có thâm niên 15 năm ở khu vực dốc Bưởi, anh ta cười lớn rồi “khích đểu”: “Chịu khó chiều chuộng, một giờ chú mày sẽ kiếm được 500.000 - 700.000 đồng. Làm đi, tội gì”.

Những “cạm bẫy sung sướng” đó có lẽ cũng chưa là gì so với cánh thợ đụng thâm niên. Ông Lý, một lao động ở chợ Long Biên với thâm niên 13 năm bươn chải ở Hà Nội cho biết, cuối năm 2019, tổ nhóm của ông được một người đàn ông đến thuê bốc 10 bộ điều hòa từ tầng 5 của một công trình đang xây dựng gần đó. Công việc sắp xong, chủ nhà xuất hiện, cả nhóm mới vỡ ra là bị lừa. “Chúng tôi bị công an mời đến đồn lấy lời khai, gọi điện cho người thuê thì không liên lạc được. May 10 bộ điều hòa vẫn ở trên xe ba gác nên chúng tôi được tha về”, ông Lý cho hay.

Không chỉ bị lừa, hiện nay có nhiều đối tượng trà trộn vào chợ người để trộm cắp, lừa đảo. Chủ nhà chỉ cần sơ ý là ti vi, tủ lạnh không cánh mà bay. “Với bề ngoài mặt mũi sáng sủa, ăn mặc sạch sẽ, chúng dễ được lựa chọn. Sau khi dọn dẹp nhà cửa, đi lại một thời gian, chúng sẽ tìm cách lấy lòng gia chủ, moi tiền, khoắng đồ rồi chuồn mất”, ông Lý nói thêm.

Trong quá trình leo lên giàn giáo để phá dỡ công trình, Thuận không may ngã từ trên cao xuống, vỡ xương gò má. Chi phí phẫu thuật, đóng đinh hết gần 30 triệu đồng, nhưng chủ thầu chỉ hỗ trợ 1 triệu đồng. Bác sĩ hẹn sau 6 tháng sẽ mổ tháo đinh, nhưng gần 2 năm trôi qua, Thuận không có tiền, đinh vẫn còn nguyên trong mặt.

V.H

Nguồn: [Link nguồn]

Cuộc mưu sinh của ”thợ săn” nhí

Đôi mắt Sùng Thao xanh biếc. Nó nhớ rất kỹ, năm học lớp một đã bắt đầu làm ra tiền bằng việc đi hái nho rừng. Ngày...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Võ Hóa ([Tên nguồn])
Tin nóng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN