Chịu phạt để lấp thì còn gì vịnh Nha Trang!

Sự kiện: Thời sự Khánh Hòa

Liên tục nhiều dự án lấn, lấp trái phép, "bóp nghẹt" danh thắng quốc gia vịnh Nha Trang.

Chiều 5-10, tại cuộc họp thường kỳ tháng 9 do UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức, vụ lấn vịnh Nha Trang trái phép được nhiều đại biểu đề cập.

Hàng loạt dự án lấn biển

Cùng ngày, đại diện chủ đầu tư dự án Trồng rừng, nuôi rong biển kết hợp du lịch sinh thái đảo Hòn Rùa là Công ty TNHH Sinh thái Hòn Rùa cho biết dự án đã bị tạm đình chỉ theo yêu cầu của cơ quan chức năng tỉnh Khánh Hòa. Với diện tích lấn biển như Báo Người Lao Động ngày 5-10 phản ánh, đại diện chủ đầu tư lý giải là giải pháp thi công làm đường công vụ, chưa rành các thủ tục và đang làm lại hồ sơ. Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) Khánh Hòa kiểm tra bước đầu xác định dự án này có sai phạm. Trong khi đó, lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) Khánh Hòa cho biết dự án này được cấp giấy chứng nhận đầu tư từ năm 2013, hiện đang trễ tiến độ. Sở KH-ĐT Khánh Hòa đã yêu cầu chủ đầu tư báo cáo nhưng chưa nhận được phản hồi, trong thời gian tới sẽ xem xét xử phạt hành chính.

Trước đó, Báo Người Lao Động cũng phản ánh tình trạng lấn vịnh Nha Trang trái phép đến 1,7 ha của Công ty CP Khu du lịch Champarama tại dự án Champarama Resort & Spa. Ngày 4-10, UBND tỉnh Khánh Hòa đã xử phạt chủ đầu tư 105 triệu đồng về hành vi lấn biển trái phép.

Công ty CP Khu du lịch Champarama do ông Nguyễn Đức Chi làm chủ tịch HĐQT. Sáng 5-10, trên trang mạng cá nhân, ông Chi đã nói lời xin lỗi khi để xảy ra sai phạm và cho rằng ông rất buồn. "Trái với niềm tin của tôi về việc không thể có sai phạm ở dự án Champarama, kết quả đo trắc địa của Sở TN-MT cho thấy một số đoạn ta-luy của bờ kè đá lấn biển vượt khỏi chỉ giới dự án" - ông Chi viết. Ông cũng cam kết: "Các đoạn bờ ta-luy kè đá sẽ được chỉnh sửa xong ngay trong tuần này. Các biện pháp kỹ thuật bảo đảm cho môi trường biển của khu vực được sạch đẹp vẫn luôn được áp dụng cẩn trọng". Thực tế, việc lấn biển trái phép ở dự án này không hẳn chỉ có các đoạn bờ ta-luy kè đá vì cơ quan chức năng xác định diện tích lấn biển lên đến 1,7 ha?

Cũng cần nói thêm là tên cũ của dự án Champarama là dự án Khu du lịch Rusalka - Nàng tiên cá, chủ đầu tư là Công ty Đầu tư và Phát triển du lịch Rus-Invest-Tur (Công ty RIT) cũng do ông Nguyễn Đức Chi làm chủ tịch HĐQT. Năm 2003, Công ty RIT tổ chức lấn biển trái phép hơn 2,3 ha và đã bị xử phạt, sau đó xin mở rộng ranh giới lấn biển từ 7 ha lên khoảng 9,3 ha và lại được phê duyệt.

Chịu phạt để lấp thì còn gì vịnh Nha Trang! - 1

Dự án Champarama đang lấn vịnh Nha Trang trái phép

Năm 2011, Công ty CP Thương mại và Du lịch Trọng Điểm (cũng do ông Chi làm chủ) ngang nhiên lấp biển để làm dự án Công viên Bến du thuyền khi chưa có giấy phép. Dự án này sau đó bị xử phạt, hiện vẫn đang xây dựng lấn ra vịnh Nha Trang để hoàn thiện công trình.

Trước dự án Champarama là dự án Công viên Văn hóa, Giải trí, Thể thao Nha Trang Sao (Công ty CP Nha Trang Sao làm chủ đầu tư) cũng bị phát hiện lấn vịnh Nha Trang trái phép 2,3 ha và bị phạt 200 triệu đồng. Sau đó, UBND tỉnh Khánh Hòa yêu cầu nhà đầu tư làm lại hồ sơ điều chỉnh phương án quy hoạch kiến trúc phần diện tích lấn biển.

Phải phục hồi nguyên vẹn

PGS-TS Nguyễn Tác An, nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học, cho rằng những tác động từ các công trình lấn biển là rất lớn đến hệ sinh thái vịnh Nha Trang.

Ông Phạm Văn Chi, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, cũng cho rằng nếu cứ phạt xong rồi cho tồn tại thì không được. Nếu cứ lấp rồi cho hưởng thì họ lấp hết biển Khánh Hòa. Ông Nguyễn Văn Lộc, nguyên Giám đốc Sở Xây dựng, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư tỉnh Khánh Hòa, nêu quan điểm của hội: "Không phải ngẫu nhiên mà vịnh Nha Trang được công nhận là danh thắng quốc gia. Bây giờ, các công trình lấn biển làm ảnh hưởng đến cảnh quan thiên nhiên là không được". Ông Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Khánh Hòa - khẳng định những dự án lấn biển phải xử phạt nghiêm minh, phải phục hồi nguyên vẹn.

Tại cuộc họp thường kỳ tháng 9, ông Lê Đức Vinh, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, cho biết: "Mình không bao che nhưng việc làm thì phải đúng. Quá trình chỉ đạo thì UBND rất quyết liệt nhưng với các ngành, việc tham mưu quá trình xử lý từ đầu đến cuối thường lơ là, chủ quan". Ông Vinh khẳng định tỉnh thống nhất xử lý nghiêm các dự án lấn biển, đồng thời đề nghị các ngành phải theo dõi và làm đúng trình tự pháp luật.

Tiếp thanh tra nên hết người làm việc

Về việc báo chí phản ánh việc Sở TN-MT tỉnh Khánh Hòa né tránh cung cấp thông tin liên quan đến vụ xử lý lấn vịnh Nha Trang, ông Võ Tấn Thái, Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Khánh Hòa, cho biết hiện sở này đang tiếp 7 đoàn thanh - kiểm tra của các bộ - ngành về đất đai, môi trường. Ngoài ra còn 4 đoàn khác đang đăng ký làm việc nên sở không có người để làm việc.

Trong 50 năm tới, tên gọi bãi biển Nha Trang sẽ không còn

Chỉ hơn 2 tháng, sau khi cấp giấy chứng nhận đầu tư (CNĐT) cho Công ty TNHH Dewan International Việt Nam, tỉnh Khánh Hòa đã cấp...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Kỳ Nam (Người lao động)
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN