Chính thức cho người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam

Luật Nhà ở sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua chiều 25/11 cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam.

Luật quy định, đối tượng tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam bao gồm: Cá nhân nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam.

Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp nước ngoài, quỹ đầu tư nước ngoài và chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam.

Chính thức cho người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam - 1

Luật Nhà ở sửa đổi cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam.

Ngoài ra, tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư xây dựng nhà ở theo dự án tại Việt Nam (theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan) cũng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam.

Tại Quốc hội, trình bày báo cáo của Ủy ban thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật trước khi Quốc hội biểu quyết, Chủ nhiệm Uỷ ban pháp luật Phan Trung Lý cho biết: “Có ý kiến đề nghị cần quy định chặt chẽ hơn về đối tượng, điều kiện sở hữu nhà ở tại Việt Nam của tổ chức, cá nhân nước ngoài để bảo đảm an ninh, quốc phòng. Đề nghị cần có đánh giá, tổng kết việc thực hiện chính sách này, trong đó cần nêu rõ kinh nghiệm của các nước trên thế giới về vấn đề này”.

Về vấn đề này, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho rằng, việc quy định mở rộng đối tượng, điều kiện được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam nhằm tạo yếu tố thuận lợi để thu hút đầu tư nước ngoài và phù hợp xu thế hội nhập quốc tế.

Để bảo đảm an ninh, quốc phòng thì trong dự thảo Luật đã có các quy định chặt chẽ như chỉ cho phép mua nhà ở tại các dự án nhà ở thương mại không thuộc khu vực bảo đảm quốc phòng, an ninh, cho phép sở hữu có thời hạn 50 năm, hạn chế về tỷ lệ nhà ở được phép mua và sở hữu…

Do đó, Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho giữ quy định của dự thảo Luật về điều kiện sở hữu nhà ở tại Việt Nam của tổ chức, cá nhân nước ngoài.

Về quyền của chủ sở hữu nhà ở là tổ chức, cá nhân nước ngoài, Luật quy định, tổ chức, cá nhân nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam có các quyền của chủ sở hữu nhà ở như công dân Việt Nam nhưng phải tuân thủ thêm các quy định khác.

Ví dụ, chỉ được mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế và sở hữu không quá 30% số lượng căn hộ trong một tòa nhà chung cư.

Nếu là nhà ở riêng lẻ bao gồm nhà ở biệt thự, nhà ở liền kề thì trên một khu vực có số dân tương đương một đơn vị hành chính cấp phường chỉ được mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế và sở hữu không quá 250 căn nhà”.

Trường hợp trong một khu vực có số dân tương đương một đơn vị hành chính cấp phường mà có nhiều nhà chung cư hoặc đối với nhà ở riêng lẻ trên một tuyến phố thì Chính phủ quy định cụ thể số lượng căn hộ, số lượng nhà ở riêng lẻ mà tổ chức, cá nhân nước ngoài được mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế và sở hữu.

Đối với cá nhân nước ngoài thì được sở hữu nhà ở theo thỏa thuận trong các giao dịch hợp đồng mua bán, thuê mua, tặng cho nhận thừa kế nhà ở nhưng tối đa không quá 50 năm, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận và có thể được gia hạn thêm theo quy định của Chính phủ nếu có nhu cầu; thời hạn sở hữu nhà ở phải được ghi rõ trong Giấy chứng nhận....

Luật Nhà ở sửa đổi quy định, tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam thông qua các hình thức sau đây:

a) Đầu tư xây dựng nhà ở theo dự án tại Việt Nam theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan;

b) Mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế nhà ở thương mại bao gồm căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở, trừ khu vực bảo đảm quốc phòng, an ninh theo quy định của Chính phủ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hoàng Yến ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN