“Chặt chém” ở Hồ Gươm: Cần xử lý hình sự

Ông Nguyễn Minh Tuấn (Trưởng Ban quản lý khu vực hồ Hoàn Kiếm), cho rằng nên xử lý như vậy đối với hàng rong chặt chém du khách vi phạm nhiều lần.

Mới đây, ông Nguyễn Minh Tuấn (Trưởng Ban quản lý khu vực Hồ Hoàn Kiếm) đã có cuộc trả lời phỏng vấn sau khi chúng tôi phản ánh vấn nạn chèo kéo, chặt chém khách du lịch tại Hồ Gươm.

Ông đánh giá như thế nào về tình trạng hàng rong, chụp ảnh...chặt chém du khách?

- Hồ Hoàn Kiếm từ lâu đã là điểm thu hút lượng lớn du khách trong nước cũng như bạn bè quốc tế. Đặc thù của khu du lịch Hồ Hoàn Kiếm là một không gian mở chứ không khép kín như những khu di tích, thắng cảnh khác. Từ đó, các đối tượng dễ dàng lợi dụng.

Trong nội quy được niêm yết tại 10 điểm xung quanh Hồ Hoàn Kiếm có quy định "cấm bán hàng rong". Do vậy hiện tượng bán hàng rong cố định dọc các tuyến phố xung quanh hồ về cơ bản là không tồn tại. Tuy nhiên, vì đây là không gian mở nên những người bán hàng rong có thể qua lại nhưng cấm dừng lại bán hàng.

Riêng về chụp ảnh, trong khu vực Hồ Hoàn Kiếm, có một nghiệp đoàn chụp ảnh được Công đoàn quận Hoàn Kiếm quản lý. Hơn nữa đây là không gian du lịch mở nên không cấm du khách chụp ảnh. Tuy nhiên trong hoạt động của nghiệp đoàn chụp ảnh, hoặc du khách tự chụp, một số đối tượng xấu có thể lợi dụng.  Vấn nạn chính ở đây là bán hàng rong chèo kéo, đu bám du khách.

Với trách nhiệm quản lý khu vực Hồ Hoàn Kiếm, BQL cũng như các cơ quan chức năng đã làm gì để giải quyết vấn nạn này?

-  Trong thời gian qua, chúng tôi liên tục phối hợp với các cơ quan chức năng tập trung xử lý mạnh các đối tượng này.

Ban quản lý khu vực Hồ Hoàn Kiếm luôn phối hợp chặt chẽ với Công an quận Hoàn Kiếm, có một tổ cảnh sát ở khu vực hồ. Bên cạnh đó còn phối hợp với 6 phường xung quanh để đảm bảo trật tự an toàn xã hội ở đây.

Công an quận Hòa Kiếm đã có văn bản gửi tất cả UBND phường xung quanh khu vực Bờ Hồ yêu cầu xóa triệt để các đối tượng này. Khi phát hiện, BQL sẽ cử lực lượng quây bắt ngay.

Tuy nhiên, nhiệm vụ không chỉ của lực lượng chức năng mà còn phải tuyên truyền để người dân biết đến hành vi vi phạm pháp luật của các đối tượng này.

Ông nói rằng các cơ quan chức năng đã quyết liệt xử lý. Vậy đã bắt xử lý được bao nhiêu đối tượng?

- Trong 6 tháng đầu năm, BQL cùng các đơn vị đã bắt được 13 đối tượng đu bám khách du lịch. Đã lập hồ sơ chuyển cơ quan chức năng xử lý. Trong đó có đối tượng Lê Thị Sinh (SN 1977). Đây chính là đối tượng đang chèo kéo khách mà Khampha.vn đã đăng tải ngày 5/8 vừa qua.

"Tất cả các đối tượng vào khu vực Hồ Hoàn Kiếm đu bám khách đều bị chúng tôi vây bắt, xử lý và có cam kết không tái phạm".

“Chặt chém” ở Hồ Gươm: Cần xử lý hình sự - 1

Ông Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng Ban quản lý khu vực hồ Hoàn Kiếm

Vậy tại sao vấn nạn này vẫn tồn tại, thậm chí còn hoạt động trắng trợn hơn?

- Khu vực Hồ Hoàn Kiếm, không có sự tồn tại các đối tượng này. Tuy nhiên các đối tượng này tập trung tại các khu vực khác đến. Họ đeo bám khách du lịch từ trong khu phố cổ và theo họ ra tới hồ.

Hơn nữa, các đối tượng tái phạm với sự chuyển đổi hình thức đu bám để đối phó với cơ quan chức năng. Các đối tượng này đến khu vực hồ hoạt động lén lút.

Ví dụ, gần đây xuất hiện những đối tượng không đi bộ theo khách, mà dùng xe máy kẹp đôi với nhau. Khi bắt gặp khách du lịch có thể chèo kéo được, một đối tượng sẽ nhảy xuống "làm việc". Nếu phát hiện lực lượng chức năng, đối tượng lại nhảy lên xe máy phóng đi mất.

Các đối tượng bán rong, chèo kéo, chặt chém du khách bị xử lý như thế nào mà vẫn ngang nhiên tái phạm như vậy?

- Việc xử lý các đối tượng này áp dụng theo Nghị định 73/2010/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội. Qua đó mức xử phạt dành cho các đối tượng vi phạm là 150.000 đồng.

Tuy nhiên kể cả đối tượng vi phạm nhiều lần, Công an phường vẫn chỉ có thể yêu cầu viết cam kết, rồi lại phải thả ra. Chẳng hạn như đối tượng Lê Thị Sinh nói trên đã từng bị bắt không dưới 3 lần.

Để giải quyết triệt để vấn nạn này, theo ông cần phải làm gì? Thời gian tới có phải tăng cường biện pháp và lực lượng truy quét?

- Cần có chế tài mạnh hơn nữa để có tính răn đe với những đối tượng này. Hành vi này nếu vi phạm nhiều lần có thể nên truy cứu trách nhiệm hình sự. Việc này cần sự nghiên cứu của các nhà làm luật. Nếu hành vi này mà bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì chẳng còn ai dám vi phạm.

Sắp tới, các đối tượng này có thể phải xử lý bằng cách đưa trả về địa phương để giáo dục.

Mặt khác, UBND quận Hoàn Kiếm đã có chỉ đạo, nếu phát hiện những đối tượng dạng này, phải tổ chức truy bắt bằng được. Thời gian tới sẽ phải truy quét quyết liệt hơn nữa.

Chúng tôi là đơn vị trực tiếp quản lý về mặt Nhà nước, và có báo cáo lên quận. Quận sẽ phối hợp với Sở VHTT&DL có những kiến nghị điều chỉnh lên thành phố.

Về nhiệm vụ của mình, có thể khẳng định, riêng tại khu vực Hồ Hoàn Kiếm, nếu phát hiện đối tượng là chúng tôi quay bắt ngay.

Ở Huế, đã có đường dây nóng để du khách phản ánh tới cơ quan chức năng nếu phát hiện bị chặt chém tại các điểm du lịch. Hà Nội đã có chưa và hiệu quả họat động như thế nào?

- Từ lâu, BQL khu vực Hồ Hoàn Kiếm đã có số điện thoại đường dây nóng niêm yết tại trạm, để những người dân phát hiện những đối tượng đu bám khách lập tức thông báo. Luôn có một tổ công tác cơ động nhận tin báo và ra quân xử lý. Số điện thoại đường dây nóng 04.38244141 hoặc 113 của Công an quận Hoàn Kiếm.

Đường dây nóng đã được nhiều người dân gọi điện, giúp cơ quan chức năng truy quét các đối tượng đu bám khách nói trên.

Xin cảm ơn ông!

Ông Trương Minh Tiến, Phó giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội cho biết, Sở đang phối hợp các cơ quan tham mưu cho UBND TP. Hà Nội đề nghị Chính phủ bổ sung những hành vi chưa được quy định trong văn bản, tăng nặng hình thức xử lý với các vi phạm nói chung trong đó có nạn chèo kéo, chặt chém du khách.

Ông Tiến cho biết, sau khi một số báo chí phản ánh tình trạng chèo kéo, chặt chém du khách trong khu vực phố cổ và Hồ Gươm, UBND TP. Hà Nội đã có văn bản giao UBND quận Hoàn Kiếm phối hợp với Sở VHTT&DL và CA thành phố có biện pháp ngăn chặn, xử lý vấn nạn này.

Ông Tiến khẳng định, thời gian qua, các cơ quan ban ngành chức năng của thành phố đã có nhiều cố gắng trong việc chấn chỉnh hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch tại Hồ Gươm nói riêng và toàn thành phố nói chung. Tuy nhiên, tại một số khu vực vẫn còn tồn tại một số bất cập như nạn ăn xin, bán hàng rong đeo bám, ép giá du khách gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh du lịch thủ đô.

Theo ông Tiến, gần đây lượng khách du lịch quốc tế đến Hà Nội có chiều hướng tăng. Trong khi tình hình kinh tế đang thời kỳ khó khăn, nhiều đối tượng lười lao động, lang thang lợi dụng hành nghề bán rong, đánh giày, chụp ảnh.... Hiện tượng này tái xuất hiện với hình thức trắng trợn, liều lĩnh hơn.

Mức độ, thời gian hoạt động của những đối tượng này tại từng điểm là khác nhau. Vấn nạn này thường rộ lên vào các dịp lễ hội hoặc thời điểm lượng khách tham quan đông. Nhiều đối tượng lợi dụng "ra tay" vào lúc lực lượng chức năng, công an, dân phòng nghỉ trưa hoặc giao ca trực.

Cũng theo ông Tiến, tháng 7 vừa qua, Sở VHTT&DL Hà Nội phối hợp với các cơ quan chức năng của thành phố đã tham mưu trình UBND TP. Hà Nội một số giải pháp xử lý vấn nạn này. Hy vọng sẽ giải quyết triệt để tình trạng này, tạo ấn tượng tốt đẹp cũng như thiện cảm của đông đảo du khách trong nước và quốc tế.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Cảnh Kiên ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN