Cảnh tượng ám ảnh trong nhà máy hạt nhân Fukushima

Chú robot quay lại cảnh tượng đầy ám ảnh này chỉ tồn tại được 3 giờ đồng hồ bên trong lò phản ứng hạt nhân có nồng độ phóng xạ cực cao.

Ngày 13/4, nhà chức trách Nhật Bản đã công bố những hình ảnh mới nhất bên trong lò phản ứng nhà máy điện hạt nhân Fukushima do một robot quay lại khi được đưa vào bên trong để thăm dò.

Robot này được Viện Nghiên cứu Quốc tế về Giải trừ Hạt nhân và công ty Năng lượng Hạt nhân Hitachi-GE chế tạo để có thể hoạt động được 10 giờ trong lò phản ứng có nồng độ phóng xạ có thể gây chết người và khiến các thiết bị điện tử thông thường bị hủy hoại.

Cảnh tượng ám ảnh trong nhà máy hạt nhân Fukushima - 1
Lò phản ứng hạt nhân tại nhà máy Fukushima nổ tung sau thảm họa động đất, sóng thần

Đây là chú robot đầu tiên được đưa vào sâu bên trong lò phản ứng hạt nhân của nhà máy điện Fukushima để thăm dò các thanh nhiên liệu phóng xạ bên trong, tuy nhiên nó đã không thể hoàn thành được nhiệm vụ của mình khi chỉ có thể trụ vững được 3 giờ đồng hồ bên trong lò phản ứng, và sau đó bị mắc kẹt, buộc các nhà khoa học phải từ bỏ.

Mặc dù vậy, chú robot này cũng đã kịp ghi lại những hình ảnh đầy quái dị bên trong lò phản ứng hạt nhân sau khi lò này bị nổ trong thảm họa động đất-sóng thần năm 2011.

Thảm họa kép kinh hoàng này đã khiến 6 lò phản ứng của nhà máy điện Fukushima bị nổ tung, buộc hơn 300.000 phải sơ tán đến nơi an toàn, và gần 16.000 người đã thiệt mạng do hậu quả của thiên tai.

Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO), đơn vị vận hành nhà máy điện Fukushima cho hay robot này mới chỉ hoàn thành 2/3 nhiệm vụ của nó bên trong lò phản ứng số 1, tuy nhiên họ cũng tuyên bố rằng nó đã thu thập đủ dữ liệu để có thể kết luận rằng vẫn có một con đường để có thể đưa các robot khác sâu hơn vào lò phản ứng.

Cảnh tượng ám ảnh trong nhà máy hạt nhân Fukushima - 2
Cảnh tượng đầy ám ảnh bên trong lò phản ứng số 1 do robot ghi lại

Hôm qua, chú robot thứ hai đã được đặt trong trạng thái sẵn sàng, trong khi chờ các kỹ sư tìm hiểu nguyên nhân khiến robot thứ nhất gặp trục trặc bên trong lò phản ứng.

TEPCO cho hay chú robot trên đã thu thập được đầy đủ các số liệu về nhiệt độ, nồng độ phóng xạ và các hình ảnh trong một phần lò phản ứng ngay phía dưới lõi của nó. Những dữ liệu này cho thấy nồng độ phóng xạ bên trong lò phản ứng đã thấp hơn ban đầu khá nhiều, xuống mức robot có thể chịu được.

Điều đó có nghĩa là những con robot khác có thể trụ lại được lâu hơn trong lò phản ứng, và các thiết bị không dây có thể được sử dụng để truyền tín hiệu ra ngoài, mặc dù nồng độ phóng xạ bên trong vẫn có thể gây nguy hiểm cho tính mạng của các nhân viên nhà máy, dù họ đã mặc đồ bảo hộ.

Những dữ liệu do robot thu thập được sẽ được sử dụng trong các đánh giá thiệt hại trong tương lai của nhà máy, phục vụ cho việc tháo dỡ an toàn nhà máy này và ngăn chặn bất cứ thảm họa hạt nhân nào tiếp theo.

Vào năm sau, TEPCO dự định sẽ đưa một con robot khác để vào thăm dò 3 lò phản ứng bị tan chảy. Các hình ảnh mô phỏng máy tính và chụp tia X-quang cho thấy phần lớn các thanh nhiên liệu hạt nhân trong lò phản ứng số 1 đã bị tan chảy, làm thủng phần lõi và hiện đang nằm trên sàn của khoang chứa.

Cảnh tượng ám ảnh trong nhà máy hạt nhân Fukushima - 3
Phần lớn các thanh nhiên liệu ở lò phản ứng số 1 đã bị tan chảy và nằm trên sàn

Dự kiến Nhật Bản sẽ mất vài thập kỷ để có thể tháo dỡ an toàn nhà máy điện hạt nhân này và khử phóng xạ khu vực xung quanh, với chi phí lên tới nhiều tỉ USD.

Để có thể tháo dỡ an toàn được nhà máy Fukushima, các công nhân sẽ phải tính toán được thời gian phù hợp để di chuyển những thanh nhiên liệu đã bị tan chảy ra khỏi môi trường phóng xạ cao, cùng những thanh nhiên liệu khác vẫn còn nguyên vẹn trong các bể làm lạnh phía trên lò phản ứng.

Để có thể hoàn thành được nhiệm vụ đầy nguy hiểm này, các công nhân ngoài việc mặc bộ đồ bảo hộ chống phóng xạ đặc biệt còn phải được trang bị các loại robot điều khiển từ xa có khả năng chịu được nồng độ phóng xạ cao để đánh giá chính xác điều kiện của các thanh nhiên liệu hạt nhân.

Hiện đất và nước xung quanh nhà máy Fukushima đang bị nhiễm xạ nặng nề khiến không ai có thể sinh sống ở đó, và Nhật Bản cũng chưa thể ước tính được nhiệm vụ khử phóng xạ sẽ hoàn thành trong bao lâu.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trí Dũng ([Tên nguồn])
Động đất, sóng thần tàn phá Nhật Bản Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN