Cấm chặt phá, mua bán đào rừng từ Tết Tân Sửu: Giữ nét đẹp núi rừng

Từ nay nghiêm cấm việc chặt cây rừng, đào rừng mang về xuôi bán - đó là chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị tổng kết kế hoạch năm 2020, triển khai kế hoạch năm 2021 ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn hôm 24/12. Chỉ đạo này của Thủ tướng đã lập tức nhận được nhiều sự ủng hộ.

Chặt đào rừng sẽ bị xử lý

Phát biểu tại hội nghị tổng kết của ngành nông nghiệp, bàn đến giải pháp bảo vệ rừng để bảo vệ môi trường, cảnh quan, Thủ tướng đặc biệt lưu ý người dân không tự ý chặt phá cây rừng, đào rừng phục vụ thú chơi cây rừng vào dịp tết, nhất là khi Tết Tân Sửu đang đến gần.

Thủ tướng đề nghị các địa phương kiểm soát chặt, ai chặt phá cây rừng, đào rừng mang về thành phố bán sẽ bị xử lý. "Đây là vi phạm, cần xử lý nghiêm túc" - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Ngày 25/12, trao đổi với phóng viên về chỉ đạo này của Thủ tướng Chính phủ, Thứ trưởng Thường trực Bộ NNPTNT Hà Công Tuấn cho rằng, cần thiết phải kiểm soát chặt việc chặt phá đào rừng, đào cổ thụ mang về xuôi phục vụ thú chơi cây cảnh ngày tết của một bộ phận người dân, nhằm để bảo vệ môi trường sinh thái, cảnh quan tự nhiên của nhiều địa phương, để những cây đào rừng quý, có tuổi đời lâu năm không bị chặt phá.

Đào rừng Sơn La nườm nượp đổ về các tỉnh miền xuôi để tiêu thụ. Ảnh: Tuệ Linh

Đào rừng Sơn La nườm nượp đổ về các tỉnh miền xuôi để tiêu thụ. Ảnh: Tuệ Linh

"Nếu chính quyền vào cuộc sát sao, tuyên truyền, vận động người dân không chặt phá bừa bãi, người dân nâng cao nhận thức, từ bỏ thói quen chơi đào rừng ngày tết, chắc chắn những cây đào rừng sẽ được bảo vệ...".

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Hà Công Tuấn

"Yêu cầu này của Thủ tướng hướng đến lưu giữ nét đẹp của tập quán hái lộc đầu năm của dân tộc ta, không chặt phá cây rừng, tổ chức Tết Trồng cây Tân Sửu hiệu quả, thiết thực, triển khai một bước việc trồng mới 1 tỷ cây xanh, tăng cường bảo vệ rừng, trong đó có nội dung nghiêm cấm chặt phá đào rừng, cây rừng, vận động người dân hái lộc có văn hóa, hái lá không hái cành" - Thứ trưởng Hà Công Tuấn nhấn mạnh.

Cũng theo Thứ trưởng Tuấn, thực tế, trong luật đã quy định việc cấm chặt phá cây rừng (trong đó có đào rừng), tuy nhiên đúng là việc bảo vệ, quản lý những cây đào rừng còn chưa được quan tâm đúng mức.

Vài năm gần đây, do nhiều người dân có thú chơi đào rừng vào ngày tết, không ngần ngại trả mức giá rất cao để được sở hữu một gốc đào rừng ưng ý, nên đào rừng ở nhiều địa phương vùng Tây Bắc có nguy cơ bị tận diệt. Để hạn chế, tiến tới chấm dứt tình trạng chặt phá đào rừng mỗi dịp tết đến xuân về, theo Thứ trưởng Hà Công Tuấn, phải có sự vào cuộc của cả chính quyền địa phương, quản lý thị trường, lực lượng công an... chứ không phải chỉ là việc của lực lượng kiểm lâm.

"Một việc khó như cấm đốt pháo chúng ta còn thực hiện được và rất hiệu quả, thì tôi nghĩ với việc cấm chặt phá, mua bán đào rừng cổ thụ, nếu chính quyền vào cuộc sát sao, tuyên truyền, vận động người dân không chặt phá bừa bãi, người dân nâng cao nhận thức, từ bỏ thói quen chơi đào rừng ngày tết, chắc chắn những cây đào rừng sẽ được bảo vệ, tỏa sắc làm đẹp cho núi rừng" - Thứ trưởng Tuấn nhấn mạnh.

Đào rừng "chảy máu"

Ghi nhận tình hình thị trường của phóng viên Báo NTNN, ngày Tết Nguyên đán cận kề, khi nhu cầu mua cây cảnh tăng cao, những loại cây lạ bắt đầu được các thương lái, nhà vườn đưa về bày bán. Trong đó, đào rừng được khá nhiều người dân quan tâm bởi độ độc lạ, dáng và sắc hoa cũng rất bắt mắt.

Tuy nhiên khi càng nhận được sự chào đón và "chơi" của một bộ phận người dân, những cây đào rừng ở Tây Bắc lại "lâm nguy" do nạn chặt phá tràn lan, thiếu kiểm soát. Nhiều thương lái không ngại ngần bứng, chặt đi rất nhiều gốc đào hàng chục năm tuổi để bán kiếm tiền.

Một gốc đào rừng 10 năm tuổi khi được vận chuyển về xuôi cũng bán được vài chục triệu đồng, tùy theo thế đào, dáng đào. Với những gốc đào trên 30 năm tuổi, lái buôn hét giá hơn 200 triệu đồng hoặc hơn là bình thường.

Dọc Quốc lộ 6 đoạn qua địa phận tỉnh Sơn La, những ngày cận Tết Nguyên đán, không khó để bắt gặp những chuyến xe hối hả, tấp nập vận chuyển đào của những người đàn ông bản địa dọc các trục đường lớn ra các chợ đào dọc đường quốc lộ. Tại đây, thường xuyên có nhiều ô tô tải thu mua đào rừng chở xuống các tỉnh miền xuôi như Hà Nội, Hải Phòng, Hưng Yên, Nam Định... bán trong dịp tết.

Trước đây, do nằm ở độ cao trên 1.500m, mây mù bao phủ quanh năm nên xã Co Mạ (Thuận Châu, Sơn La) từng được mệnh danh là "thủ phủ" của những gốc đào rừng cổ thụ rêu mốc xù xì bám đầy thân. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, do người dân khai thác, chặt phá quá ồ ạt nên những nơi từng có đào cổ thụ chỉ còn lại bãi đất trống. Theo nhiều người dân, bây giờ, muốn săn được những cây hay cành đào cổ thụ có giá trị cao phải băng rừng, lội suối hàng chục cây số may ra mới kiếm được vài gốc.

Việc người dân bản địa và cả "thợ đào" vào rừng săn lùng, chặt phá khiến cho đào rừng ngày càng trở nên khan hiếm. Bởi nếu trồng loại đào này tại nhà thì phải mất tối thiểu từ 5 - 10 năm mới có thể bán. Còn đối với những cây đào rừng cổ thụ, sống sâu trong rừng già, có tuổi đời trên 50 năm vô cùng quý hiếm. 

Nguồn: [Link nguồn]

Đào Nhật Tân ghép đào rừng cổ thụ, giá thuê chơi Tết đã hơn trăm triệu

Những cành đào Nhật Tân ghép trên gốc đào rừng cổ thụ đang nở thắm, được bày bán và cho thuê trên đường Lạc Long...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Khánh Nguyên – Tuệ Linh ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN