Kỳ 2: Các cựu lãnh đạo thành phố Trà Vinh “nhúng chàm” như thế nào?

Sự kiện: Trà Vinh

TP Trà Vinh đã trải qua nhiều đời lãnh đạo với những sai phạm nghiêm trọng trong việc miễn giảm tiền sử dụng đất cho gia đình chính sách.

Như Báo Giao Thông đã thông tin, ngày 19/11, TAND tỉnh Trà Vinh mở phiên tòa xét xử sở thẩm hình sự đối với bị cáo Diệp Văn Thạnh (sinh năm 1968, ngụ khóm 4, phường 1, Tp Trà Vinh), nguyên Chủ tịch UBND TP Trà Vinh và 16 đồng phạm trong vụ "vi phạm quy định về quản lý tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí".

Hàng loạt sai phạm kéo dài

Pháp luật đã quy định rất chặt chẽ về các trường hợp chuyển nhượng đất đai. Tuy nhiên, rất nhiều trường hợp ở Trà Vinh, người đứng tên trên đất không hề hay biết gì, nhưng vẫn chuyển nhượng trót lọt. Nguyên nhân chính là do có sự móc nối, lập thành đường dây giữa cò và cán bộ, lãnh đạo để trục lợi chính sách.

Phiên tòa xét xử các bị cáo trong sáng ngày 19/11.

Phiên tòa xét xử các bị cáo trong sáng ngày 19/11.

Theo hồ sơ, giai đoạn từ 2011, UBND TP Trà Vinh đã trải qua nhiều đời lãnh đạo với những sai phạm nghiêm trọng trong việc miễn giảm tiền sử dụng đất cho gia đình chính sách.

Đầu tiên là ông Diệp Văn Thạnh, trong thời gian giữ chức Phó Chủ tịch UBND TP Trà Vinh, được Chủ tịch UBND TP ủy quyền, đã ký 146 quyết định, với số tiền miễn giảm sử dụng đất trên 24 tỷ đồng. Qua xác minh, có 48 trường hợp miễn giảm sai quy định với số tiền trên 11,4 tỷ đồng.

Sang giai đoạn làm Chủ tịch UBND TP Trà Vinh, ông Thạnh đã ủy quyền cho ông Trần Trường Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP ký miễn giảm tiền sử dụng đất cho 504 đối tượng với số tiền trên 94 tỷ đồng. Qua xác minh, có 236 trường hợp miễn giảm sai quy định với số tiền gần 52 tỷ đồng. Riêng cá nhân ông Thạnh đã ký 5 quyết định miễn giảm với số tiền sai phạm trên 912 triệu đồng.

Bị cáo Diệp Văn Thạnh, nguyên Chủ tịch UBND TP Trà Vinh.

Bị cáo Diệp Văn Thạnh, nguyên Chủ tịch UBND TP Trà Vinh.

Còn ông Trần Trường Sơn trong giai đoạn làm Phó Chủ tịch UBND TP Trà Vinh đã được ông Thạnh ủy quyền ký miễn giảm sai quy định 236 trường hợp với số tiền nêu trên. Đặc biệt, ông Sơn đã lập hồ sơ xin miễn giảm tiền sử dụng đất cho bản thân sai quy định với số tiền trên 67 triệu đồng…

Trong vụ việc này, còn có ông Phạm Văn Tám (hiện là Giám đốc Sở Công thương), trong thời gian giữ chức vụ Phó Bí thư, Chủ tịch UBND TP Trà Vinh đã ủy quyền cho Phó Chủ tịch TP ký 131 quyết định miễn giảm tiền sử dụng đất với số tiền trên 18,3 tỷ đồng. Trong đó có 46 trường hợp miễn giảm sai quy định với số tiền trên 11,1 tỷ đồng.

Xã Long Đức, TP Trà Vinh, một địa phương giàu truyền thống cách mạng với rất đông gia đình chính sách, đã trở thành "miếng mồi béo bở" cho các đối tượng trục lợi.

Xã Long Đức, TP Trà Vinh, một địa phương giàu truyền thống cách mạng với rất đông gia đình chính sách, đã trở thành "miếng mồi béo bở" cho các đối tượng trục lợi.

Sau khi vụ việc xảy ra, ông Thạnh bị kỷ luật cách chức Chủ tịch UBND TP Trà Vinh, ông Sơn và ông Tám bị kỷ luật cảnh cáo. Đến năm 2019, cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án, sau đó lần lượt khởi tố bị can và bắt giữ những người có liên quan. Quá trình điều tra đã chứng minh, các bị cáo phải chịu trách nhiệm với tổng cộng 313 hồ sơ, gây thiệt hại tài sản Nhà nước với số tiền hơn 69 tỷ đồng.

Vụ án với số lượng người tham gia "lịch sử"

Theo cáo trạng tại phiên tòa lần này, từ năm 2009, UBND TP Trà Vinh thực hiện quyết định số 118 của Thủ tướng Chính phủ, triển khai thực hiện cho người có công với cách mạng cải thiện nhà ở bằng hình thức chuyển mục đích sử dụng đất và miễn giảm tiền sử dụng đất. Diệp Văn Thạnh, thời điểm đó là Phó Chủ tịch Thường trực, phụ trách lĩnh vực tài nguyên, môi trường, đất đai, đã trực tiếp chỉ đạo cấp dưới và bộ phận chuyên môn làm trái quyết định của Thủ tướng.

Diệp Văn Thạnh ký 2 văn bản chỉ đạo Phòng Tài nguyên - Môi trường, Chi cục thuế, Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất TP Trà Vinh, có nội dung trái với quyết định của Thủ tướng, Thông tư 30 của Bộ Tài nguyên - Môi trường, Công văn của Bộ Tài chính và UBND tỉnh Trà Vinh.

Phiên tòa lần này có số lượng bị cáo và những người tham gia lớn nhất trong lịch sử tố tụng ở Trà Vinh.

Phiên tòa lần này có số lượng bị cáo và những người tham gia lớn nhất trong lịch sử tố tụng ở Trà Vinh.

Từ đó tạo điều kiện cho “chủ đất” và “cò đất” lợi dụng chính sách, sự khó khăn của gia đình người có công, lập thủ tục, hợp đồng chuyển nhượng khống, tặng cho quyền sử dụng đất để gia đình chính sách đứng tên, hợp thức hồ sơ chuyển mục đích từ không phải đất ở sang đất ở để miễn, giảm tiền sử dụng đất.

Nhóm bị can “cò đất", "chủ đất” đã câu kết giữa các bị can nguyên là lãnh đạo, cán bộ Phòng Tài nguyên - Môi trường cùng những người liên quan, làm thủ tục khống, hợp thức hóa hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất theo chế độ miễn giảm.

Phiên tòa xét xử dự kiến diễn ra trong 10 ngày. Đây là phiên tòa xét xử công khai với số lượng bị cáo, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và người tham gia bào chữa nhiều nhất trong lịch sử xét xử vụ án 10 năm trở lại đây tại Trà Vinh, với 17 bị cáo và hơn 250 người có quyền và nghĩa vụ liên quan.

Phiên tòa xét xử diễn ra trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Để đảm bảo công tác phòng, chống dịch, các luật sư tham gia bào chữa và những người liên quan, người dự khán và tham gia tại phiên tòa đều được kiểm tra y tế, test nhanh âm tính với virus SARS-CoV-2.

Dự kiến, phiên tòa sẽ diễn ra trong 11 ngày (từ 19 đến 29/11).

Nguồn: [Link nguồn]

Lật tẩy đường dây ”mua bán chính sách”, có nguyên Chủ tịch TP Trà Vinh

Lợi dụng việc miễn giảm tiền sử dụng đất đối với gia đình chính sách, nhóm cán bộ này "hô biến" nhiều mảnh...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trần Lưu ([Tên nguồn])
Trà Vinh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN