Biểu tình ở Hong Kong trong mắt báo chí TQ

Báo chí Hong Kong và Trung Quốc có cách nhìn nhận và phản ánh rất khác nhau về biểu tình ở Hong Kong.

Trong khi truyền thông Hong Kong đưa tin rất sát sao và dày đặc về cuộc biểu tình đòi dân chủ lớn nhất từ trước tới nay ở đặc khu hành chính này, báo chí của Trung Quốc đại lục gần như im lặng trước một biến cố chính trị sôi sục như vậy.

Biểu tình ở Hong Kong trong mắt báo chí TQ - 1

Cuộc biểu tình ở Hong Kong đã kéo dài sang ngày thứ 6

Sự đối lập này là một trong những ví dụ minh họa cho chính sách “một đất nước, hai chế độ” đã được thực thi ở Hong Kong kể từ khi vùng lãnh thổ này được Anh trao trả lại cho Trung Quốc vào năm 1997.

Ngày 1/10, hãng thông tấn Tân Hoa Xã dẫn lời Trưởng đặc khu Hong Kong Leung Chun-ying phát biểu trong ngày Quốc khánh Trung Quốc rằng Hong Kong cần phải chú trọng vào chính sách “một đất nước, hai chế độ” với Trung Quốc. Bài viết của Tân Hoa Xã không đề cập trực tiếp đến cuộc biểu tình, nhưng lại dẫn lời ông Leung như sau:

“Việc những người khác nhau có ý tưởng khác nhau về một gói cải cách ao ước là có thể hiểu được. Nhưng tốt nhất là có bầu cử phổ thông đầu phiếu còn hơn là không. Việc để 5 triệu cử tri bầu ra trưởng đặc khu Hong Kong tốt hơn rất nhiều so với việc để 1.200 người bầu ra.”

Phần lớn bài viết nhân sự kiện này của Tân Hoa Xã đều nhấn mạnh vào những tác động tiêu cực của cuộc biểu tình mà họ cho là đã ảnh hưởng đến cuộc sống ở Hong Kong.

Biểu tình ở Hong Kong trong mắt báo chí TQ - 2

Hàng ngàn người đổ về khu trung tâm Hong Kong trong tối qua

Tờ China Daily, tờ báo tiếng Anh lớn nhất Trung Quốc dẫn một bản tin của Tân Hoa Xã trích lời ông Leung kêu gọi người dân chấm dứt biểu tình ngày lập tức. Tờ báo này cũng đăng một bài tường thuật về cuộc tuần hành chống biểu tình của “đa số” người dân Hong Kong hôm Chủ nhật. Bài báo thứ ba trên tờ này liên quan đến vấn đề Hong Kong mô tả chi tiết những “phiền hà” mà biểu tình đem lại cho cuộc sống ở Hong Kong.

 Trong khi đó, tờ Nhân dân Nhật báo bản tiếng Anh lại gọi phong trào biểu tình Chiếm Trung tâm là “bất hợp pháp” và đưa tin rằng người dân Hong Kong đang kêu gọi biểu tình trả lại “trật tự bình thường”. Còn bản tiếng Trung của tờ báo này thì gọi những người tham gia biểu tình là “ích kỷ”.

Bài bình luận trên tờ báo này viết: “Họ kích động người dân, làm tê liệt giao thông, cản trở kinh doanh, gây xung đột và gây rối loạn nghiêm trọng cuộc sống bình thường của người dân Hong Kong, thậm chí đe dọa đến mạng sống và tài sản của họ”.

Biểu tình ở Hong Kong trong mắt báo chí TQ - 3

Cuộc biểu tình "Cách mạng ô" đã phủ bóng lên ngày kỷ niệm Quốc khánh Trung Quốc ở Hong Kong

Hãng thông tấn AP của Mỹ “để ý” thấy rằng không hề có một bức ảnh nào về cuộc biểu tình ở Hong Kong xuất hiện trên các trang báo chính thống của Trung Quốc.

Nhà phân tích độc lập Zhao Chu ở Thượng Hải nhận định: “Nhà chức trách coi đây là một vấn đề sinh tử. Họ không nhìn nhận nó như một biến cố địa phương, mà là một ngòi nổ có thể gây hậu quả nghiêm trọng”.

AP bổ sung: “Việc kiểm duyệt mạng xã hội, trong đó có những cụm từ như “hơi cay”, đã khiến cộng đồng mạng gần như im hơi lặng tiếng. Dịch vụ chia sẻ ảnh Instagram cũng bị chặn ở Trung Quốc trong dịp cuối tuần.”

Theo AP, những hình ảnh hiếm hoi về cuộc biểu tình Hong Kong mà người dân Trung Quốc nhận được chủ yếu được gửi qua tin nhắn điện thoại. Trên mạng, người ta sử dụng những bức ảnh được bắn chữ để né hệ thống kiểm duyệt văn bản, nhưng rất nhiều bài đăng vẫn bị xóa, trong đó có cả những đoạn trò chuyện giữa bạn bè với nhau.

Biểu tình ở Hong Kong trong mắt báo chí TQ - 4

Lãnh đạo biểu tình Josua Wong (giữa) và bạn bè giơ cao cánh tay thể hiện sự chống đối

Còn ở Hong Kong, tình hình lại khác hẳn. Các tờ báo lớn ở đây, chẳng hạn như Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) đều đưa tin dày đặc và sâu sát về cuộc biểu tình cũng như những bài bình luận, nhận định về tương lai của cuộc đấu tranh đòi dân chủ cho Hong Kong.

Các hãng truyền hinh như NOW và Cable TV luôn luôn cập nhật các sự kiện mới của biểu tình, chiếu cảnh lãnh đạo sinh viên tràn vào tòa nhà chính quyền hôm thứ Sáu tuần trước và đụng độ với cảnh sát dịp cuối tuần.

Tờ Apple Daily cũng chạy hẳn một kênh tường thuật trực tiếp hình ảnh về cuộc biểu tình từ những camera gắn trên một máy bay không người lái.

Tuy nhiên cũng có một số tờ báo ở đây phản đối cuộc biểu tình. Tờ Wen Wei Po, tờ báo nổi tiếng thân Bắc Kinh, cho rằng người biểu tình đã khiến tình hình “vượt tầm kiểm soát”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trí Dũng (Theo AP, SCMP) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN