Bệnh hiểm nghèo, sĩ tử vẫn quyết đi thi
Vượt qua khó khăn, bệnh tật, Tiền không ngưng nghỉ những nỗ lực để vào được giảng đường đại học.
Ngày Lê Hà Tiền sắp rời BV Phong-Da liễu Trung ương Quỳnh Lập (xã Quỳnh Lập, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) lên đường vào TP Vinh thi đại học cũng là lúc cha Tiền đổ bệnh. Rời làng phong đến cổng trường thi, thấy các bạn được bố mẹ đưa đón mà nước mắt Tiền cứ rưng rưng. Bởi Tiền vừa lo, thương cha, vừa tủi vì bàn chân trái đang bị bệnh “hủi” ăn, hoại tử.
Cha ôm con rời quê chữa bệnh, kiếm cái chữ
Tiền là con út trong gia đình có bốn anh em. Quê Tiền ở xã Hành Trung, huyện Nghĩa Hành, Quảng Ngãi. Năm lên bốn tuổi, đầu các ngón chân trái của Tiền bắt đầu nổi vết mờ rồi lở loét, đau nhức… Đó là căn bệnh giống cha của Tiền - ông Lê Thành, đang bị ở đầu ngón tay.
Ban đầu hai cha con điều trị bằng nhiều thứ thuốc mà vẫn không khỏi. Nghe chỗ nào có thầy thuốc hay, vợ chồng ông Thành dành dụm tiền mang con đến chữa trị nhưng đều bất lực. Cho đến năm bảy tuổi, thấy các bạn và anh chị đi học, Tiền cũng đòi bố mẹ cho đến trường.
Sáng thức dậy, Lê Hà Tiền quấn vải vào khúc chân phải để lắp chân giả vào đến phòng thi cho bớt đau nhức
Trận lụt lịch sử năm 1999, gia đình ông Thành bị thiệt hại nặng, rơi vào cảnh đói kém. Lúc đó bệnh trên tay chân hai cha con Tiền đã nặng thêm. Một phóng viên khi đi thực tế, gặp hoàn cảnh hai cha con Tiền đã chỉ đường ra Hà Nội khám, chữa trị. Lúc này hai cha con mới biết mình mắc bệnh phong. Tiền còn bị thêm chứng hẹp bàng quang nên không tự mình kiểm soát được tiểu tiện.
Hai cha con được các bác sĩ sắp xếp về điều trị tại BV Phong-Da liễu Trung ương Quỳnh Lập, nơi có ngôi trường dành cho các bệnh nhân và con em làng phong, để Tiền có cơ hội đến trường học lên.
Hằng ngày, ông Thành lên núi đốn củi mang ra chợ bán, rồi ai thuê gì làm nấy kể cả khâm liệm xác chết, bốc mồ thuê… để kiếm tiền nuôi con ăn học. Rồi ông Thành được chữa khỏi hoàn toàn nhưng Tiền vẫn không thôi bệnh. Do bị hẹp bàng quang, mỗi ngày lên lớp học Tiền phải mặc bỉm vào như trẻ em.
Năm 2008, bác sĩ bảo phải cắt chân phải, Tiền khóc: “Con không muốn bị cụt chân”. Nhưng căn bệnh phong vẫn cứ xâm nhập ăn sâu vào bàn chân phải của Tiền và dù đã tháo ngón chân nhưng bệnh vẫn không khỏi. Tiền được đưa ra Hà Nội phẫu thuật cắt chân phải. Lúc tỉnh dậy thấy chân đã cụt đến gần đầu gối, con ôm cha khóc nức nở. “Một thời gian sau em đỡ buồn hơn và vết cắt chân thôi rỉ máu nên bắt đầu lắp chân gỗ vào tập đi. Do tuổi của em xương còn phát triển nên càng ngày chiếc xương cắt ngang cứ dài đội cả da đắp ngang chân cụt. Hè năm 2010 em lại phải ra Hà Nội phẫu thuật cắt xương tiếp và phải chờ vết thương lành mới lắp chân giả vào tập đi” - Tiền nói.
Niềm tin ở cuối con đường
Vượt lên khó khăn, bệnh tật Tiền vẫn chăm học và học khá, thi đậu vào lớp 10 Trường THPT Bắc Quỳnh Lưu với số điểm cao. Nhưng con đường học lên của Tiền chông gai hơn bởi trường cách làng phong hơn 10 km. Ban đầu thì hằng ngày ông Thành đạp xe chở Tiền đến trường. Sau đó, các bạn cùng trường biết hoàn cảnh, thương hai cha con nên đến chở Tiền đi, về. Rồi ông cũng chắt chiu, vay mượn mua được chiếc xe máy cũ để đưa đón con đến trường vào những ngày trời mưa.
Ngày Tiền sắp lên đường thi đại học thì ông Thành trong lần đi khâm liệm và khiêng quan tài bị tai nạn do quan tài đè vào người. Ông đổ bệnh nên không thể chạy xe máy vượt hơn 100 km chở con vào TP Vinh thi như ý định ban đầu.
Tiền được các sơ trong làng phong Quỳnh Lập đón xe đò đưa vào ĐH Vinh. Các sinh viên tình nguyện ĐH Vinh biết được hoàn cảnh nên đã đưa Tiền về nhà trọ nuôi ăn ở, đưa đón ba ngày thi. Sáng thức dậy, Tiền tự băng bó vết thương chân trái, xỏ chân phải vào chân giả rồi mặc bỉm vào để đi thi với các thí sinh bình thường. Hết môn thi cuối, Tiền tự tin cho biết: “Em làm bài cũng rất tốt”.
Kết thúc kỳ thi, Tiền về phòng trọ băng bó lại vết thương chân trái, quấn thêm giẻ vào khúc chân cụt để đi đường xa chân giả không bị rơi ra rồi vội vã trở về chăm sóc cha. Khi hỏi: “Cực khó vậy, đã bao giờ em nghĩ đến nghỉ học?”. Tiền ngước mắt nhìn lên rồi nói: “Em chưa bao giờ nghĩ mình bỏ học ở nhà. Hoàn cảnh của em chỉ có cách học lên thôi. Em đăng ký vào khoa Công nghệ thông tin Trường ĐH Vinh để thỏa ước nguyện khám phá công nghệ và mong sớm kiếm được việc làm vừa sức, giúp đỡ gia đình và làng phong…”.
“Chưa có tiền đi cắt nốt chân trái”
“Bàn chân trái của em đang bị hoại tử, bác sĩ bảo em phải sớm cưa chân. Căn bệnh hẹp bàng quang của em người ta nói cũng chữa được nhưng em gắng thi xong đại học đợt này rồi tính tiếp” - Tiền buồn buồn nói.
Năm nay đã 21 tuổi, Tiền chưa có một giấc ngủ ngon lành, luôn chập chờn với những giấc mơ và nỗi lo cơm áo, bệnh tật ngày mai, lo cánh cổng trường khép lại, dở dang ước mơ giảng đường…