Bão Yagi hoành hành 10 tiếng, đánh đắm nhiều tàu thuyền
Đổ bộ Quảng Ninh - Hải Phòng lúc 12h ngày 7/9 với sức gió cấp 12-13, đến 22h bão Yagi vẫn duy trì cấp 8-9 khi ở Tây Bắc Bộ, làm 4 người chết, 13 thuyền viên mất tích.
- 12h, tâm bão đi vào bờ biển Quảng Ninh - Hải Phòng với sức gió cấp 12-13. - Toàn TP Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Bình bị cắt điện. - Mạng viễn thông ở một số khu vực tâm bão chập chờn. - Một người chết, 13 thuyền viên mất tích ở biển Quảng Ninh. - Hà Nội từ 15h có gió cấp 6-7, mưa 200-300 mm trong ngày 7-8/9. - Đến 22h, tâm bão vào Tây Bắc Bộ, sức gió giảm còn cấp 8-9. |
Sau mấy tiếng hoành hành ở Hà Nội, bão Yagi đã giảm còn cấp 8-9, sức gió tối đa 88 km/h và đang tiến sâu vào Phú Thọ, Thái Nguyên. Dự báo Đông Bắc Bộ và Thanh Hóa tối nay đến sáng mai tiếp tục mưa 80-180 mm, cục bộ có nơi trên 350 mm. Chiều và đêm mai, mưa giảm còn 20-50 mm, có nơi trên 100 mm, riêng khu vực vùng núi vẫn mưa to.
Phía Tây Bắc Bộ từ tối nay đến sáng mai mưa 100-350 mm, cục bộ có nơi trên 500 mm. Mưa lớn có khả năng gây ra tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp; lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc.
Ảnh vệ tinh cơn bão lúc 22h ngày 7/9. Ảnh: NCHMF
Trong cơn cuồng nộ của bão Yagi trưa 7/9, chiếc bè - nơi ở duy nhất của hai mẹ con bà Nguyễn Thị Ngoan ở thị trấn Cái Răng, huyện đảo Vân Đồn, Quảng Ninh, bị gió thổi trôi băng băng ra biển.
"Hòa ơi, quay lại đi. Mất sạch rồi. Trắng tay rồi", bà Ngoan khóc nấc, ngồi sụp xuống bờ kè ở ven bờ biển huyện đảo Vân Đồn gào khóc trong vô vọng khi thấy chiếc bè của gia đình. Trên bè còn con trai bà là anh Đinh Văn Hòa, 39 tuổi, đang cố thủ để giữ của.
Video: Giang Huy
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia cho biết lúc 20h, tâm bão đang trên khu vực Hà Nội, sức gió mạnh nhất 102 km/h, cấp 10, giật cấp 12. Như vậy, cường độ bão qua Hà Nội cao hơn dự báo khoảng ba cấp. Trong ba giờ tới, bão theo hướng tây với tốc độ 15-20 km/h.
Bão quét qua Hà Nội. Video: Văn Ngọc
Một số tỉnh nằm sâu trong đất liền đã có gió mạnh, như Hải Dương gió cấp 12, giật cấp 13; Lục Ngạn (Bắc Giang) cấp 9, giật cấp 11; Hưng Yên cấp 8, giật cấp 11; Bắc Giang cấp 7, giật cấp 9; Bắc Ninh gió cấp 7, giật cấp 10.
Chiều 7/9, Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai cho biết đến 17h có 4 người chết do bão Yagi, trong đó có ba người ở Quảng Ninh và một người ở Hải Dương. 78 người bị thương gồm 58 người ở Quảng Ninh, 20 người ở Hải Phòng. Ngoài ra còn 13 người trên hai tàu bị đắm ở Quảng Ninh đang mất tích.
Ảnh hưởng trực tiếp của bão Yagi, Lạng Sơn gió mạnh cấp 10, giật cấp 12. Thống kê của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, 176 hộ gia đình bị thiệt hại về nhà cửa, chủ yếu là gió làm tốc mái. 31 vị trí tại các tuyến quốc lộ, đường tỉnh bị cây đổ xuống và sạt lở taluy, gây gián đoạn giao thông.
Cây đổ trên tuyến đường qua huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: Báo Lạng Sơn
Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên mưa từ sáng đến nay. Mưa không liên tục mà theo từng cơn, kéo dài chừng 10-15 phút ngớt rồi lại xối xả. Mưa to cùng với gió giật mạnh ảnh hưởng lớn đến lúa và hoa màu.
Theo Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện còn 458.000 ha lúa mùa vùng đồng bằng sông Hồng đang trỗ, chín sáp, phân hóa đòng, nguy cơ bị ảnh hưởng nếu bị ngập úng kéo dài.
Riêng tại Hưng Yên, ghi nhận ban đầu hơn 2.370 ha lúa, 250 ha hoa màu và cây ăn quả bị hư hỏng do gió bão.
Trên các tuyến đường sắt Hà Nội - Đồng Đăng, Gia Lâm - Hải Phòng, Hà Nội - TP HCM có nhiều cây đổ vào đường sắt. Nhân viên nhà tàu phải khẩn trương thu dọn để thông đường.
Cây đổ trên đường sắt Hà Nội - Đồng Đăng. Ảnh: VNR
Cây đổ tại khu ga Hải Phòng. Ảnh: VNR
Bão làm gãy đổ một số cây xanh, đè lên hệ thống điện, cáp viễn thông. Vì vậy, từ chiều 7/9 Sở Giao thông Vận tải Hải Dương đã tạm cấm một số đoạn, tuyến đường không an toàn. Cụ thể Sở cấm đường tỉnh 390 từ đầu TP Hải Dương đi thị trấn Thanh Hà; quốc lộ 17B huyện Kim Thành; đường tránh TP Chí Linh; quốc lộ 37 từ quốc lộ 18 đi Côn Sơn (TP Chí Linh); đoạn đường 391, 392 huyện Tứ Kỳ và 390B Thanh Hà; trục Bắc - Nam đoạn qua Ninh Giang.
Tại Trung tâm Y tế huyện Thanh Miện, cây xà cừ đường kính thân khoảng 30 cm bị bật gốc. Ảnh: Báo Hải Dương
Bão đang trên khu vực giáp ranh Quảng Ninh - Hải Phòng - Hải Dương, sức gió mạnh nhất 133 km/h, cấp 11-12, giật cấp 15. Thông thường các cơn bão khi vào đất liền sẽ nhanh chóng giảm cấp, nhưng Yagi sau hơn ba giờ vẫn duy trì cường độ cấp 12-13.
Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, lý giải hoàn lưu của bão Yagi rất rộng, bao trùm cả Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và có tính chất đối xứng khiến việc giảm cấp nhanh rất khó. Vì còn nhiều điều kiện cung cấp năng lượng để duy trì cơn bão trước khi chịu tác động ma sát với địa hình.
Ngoài ra, trước khi cơn bão này đổ bộ, Bắc Bộ nắng nóng, độ ẩm không khí cao, là nguồn cung cấp năng lượng cho bão. Cùng với đó, khi bão đi vào đất liền kết hợp với yếu tố mặt đệm ở các khu đô thị tạo ra dòng gió thứ cấp hút gió, dẫn tới gió giật rất mạnh.
Theo Tổng công ty Điện lực Hà Nội, từ chiều qua đến nay mưa lớn, gió mạnh đã gây ra 91 sự cố về điện, phần lớn do cây, vật thể lạ gãy đổ vào đường dây. Hai đường dây 110kV bị nhảy sự cố, 91 đường dây trung áp bị ảnh hưởng do bão, tập trung tại 15 huyện ngoại thành. Tổng số khách hàng bị mất điện do sự cố là hơn 124.400, trong đó đã khôi phục gần như toàn bộ.
Dù chằng chéo cẩn thận, đắp túi cát lên mái, nhưng chỉ 20 phút sau khi gió bắt đầu nổi lên, nhà Nguyễn Thành tại Hạ Long mất hẳn mái.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia cho biết bão đang trên khu vực giáp ranh Quảng Ninh - Hải Phòng - Hải Dương, sức gió mạnh nhất 133 km/h, cấp 11-12, giật cấp 15. Tâm bão cách Hà Nội khoảng 140 km.
Ảnh vệ tinh cơn bão lúc 18h ngày 8/9. Ảnh: NCHMF
Huyện Vân Đồn chìm trong bóng tối do mất điện. Nhà dân bật đèn sạc, hoặc thắp nến, các sinh hoạt được tối giản.
Hiện Vân Đồn không còn gió giật mạnh như trước, song mưa vẫn nặng hạt. Khắp các ngả đường, cây cối đổ tan hoang, mái tôn, biển quảng cáo, cột đèn, biển giao thông nay tứ tung. Chính quyền địa phương vẫn khuyến cáo người dân không được chủ quan, tuyệt đối không ra khỏi nhà và khu vực tránh trú bão khi không cần thiết.
Do mất điện, gãy cột sóng nên sóng điện thoại di động, 3G bị gián đoạn. Thiệt hại hiện chưa được thống kê. Ở các bến cảng, tàu thuyền, lồng bè nuôi trồng thủy sản, nhà bè dịch vụ, trông coi thủy sản, dây nuôi hàu của người dân trên bị thiệt hại nặng nề.
Cửa kính bung ra, vật liệu xây dựng trong cửa hàng ngổn ngang.
Biển chào trên đường phố rớt xuống, chắn gần hết một con đường ở thị trấn Cái Rồng, huyện Vân Đồn.
Hàng rào tôn của một công trình bị gió thổi bật ngửa ra vỉa hè. Ảnh: Phạm Dự
Thanh Hoá mưa to theo từng đợt, gió khoảng cấp 6-7. Khu vực thành phố và các huyện ven biển người dân tiếp tục được khuyến cáo hạn chế ra đường phòng rủi ro cây gãy đổ. Trên các tuyến quốc lộ và khu vực nội đô, các cung đường ven biển rất ít phương tiện di chuyển, chủ yếu là ôtô và xe tải, lác đác xe máy.
Điện lưới hầu hết các huyện thị vẫn được duy trì ổn định. Đêm nay, dự kiến mưa lớn ở khu vực miền núi phía Tây Thanh Hóa nên chính quyền hiện khuyến cáo người dân đề phòng sạt lở, ngập lụt ở các vùng trũng thấp...
Một số nhà dân ở huyện biên giới Mường Lát bị cây đổ đè sập mái đang được các lực lượng công an, quân đội, dân quân tự vệ giúp khắc phục. Ảnh: Lam Sơn
Theo Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, bão Yagi khiến tàu biển Minh Ánh 01 và Minh Ánh 3 bị trôi neo, mất tín hiệu. Trong đó 12 thuyền viên và tàu Minh Ánh 3 an toàn, riêng 3 thuyền viên và tàu Minh Ánh 1 đang bị thả trôi.
Tàu cần cẩu Tiến Thành 05 thuộc Công ty Cổ phần thương mại Logistic Quảng Ninh neo tránh trú bão tại Vũng Đục - Cẩm Phả bị mất tích cùng 7 thuyền viên. Hai tàu cần cẩu khác là Tiến Thành 02, Tiến Thành 03 bị trôi dạt, mắc kẹt tại cung Cá Heo, TP Hạ Long. Trên mỗi tàu có khoảng 10 người.
Tàu Thiên Thuận Thành 01 cùng 4 người bị trôi neo, nước tràn vào buồng máy tại khu vực Hòn Vụng Gianh, Quảng Ninh. Hiện nay, tàu và 4 thuyền viên an toàn.
Tàu kéo biển Hồng Gai (thuộc Công ty Cổ phần Cảng Quảng Ninh cảng Quảng Ninh) khi neo tránh bão tại khu vực Hang Bồ Nâu, trên tàu có 7 thuyền viên đã bị mất tích. Tàu lai dắt Hạ Long 08 đã vớt được một thi thể, 6 thuyền viên còn lại của tàu đang mất tích.
Ngoài ra còn tàu cá không rõ tên bị hỏng máy, trên tàu có một người, trôi dạt tại khu vực hòn Vạn Bội - Cát Bà. Gần vị trí tàu bị nạn có tàu CSB9004 cách 6 hải lý sẵn sàng cơ động đi tìm kiếm cứu nạn, tuy nhiên do thời tiết xấu chưa tiếp cận được tàu bị nạn.
Bão đã qua thời điểm mạnh nhất, nhưng gió vẫn rít không ngừng, mưa vẫn rất to. Dọc bờ biển Đồ Sơn, sóng dồn dập đánh vào bờ kè, tạo cột sóng cao khoảng 5 m. Toàn quận Đồ Sơn mất điện.
Sóng biển Đồ Sơn trong bão. Video: Văn Phú
Thái Bình vẫn đang mưa rất to kèm theo gió rít từng cơn. Trạm Khí tượng Thái Bình ghi nhận gió mạnh cấp 9, giật cấp 10; Trạm Ba Lạt gió mạnh cấp 9, giật cấp 12. Hàng loạt cây xanh đổ ngổn ngang trên khắp tuyến đường. Tỉnh chưa thống kê thiệt hại do bão.
Thái Bình đã huy động tổng số người ứng trực bão từ đêm 6/9 đến nay là khoảng 15.000. Trong đó, 100% quân số lực lượng vũ trang hơn 9.000 người (chưa tính Quân khu 3); các cơ quan quân sự khoảng 6.000 người.
Tại khu neo tránh bão Tùng Gấu, TP Hải Phòng, biên đội tàu 320 và tàu 321 thuộc Vùng 3 Hải quân phát hiện tàu cá Thái Bình với 9 ngư dân bị đứt neo và trôi dạt. Biên đội đã khẩn trương hỗ trợ cứu kéo tàu bị nạn.
Đến 14h30, cán bộ, chiến sĩ các tàu Vùng 3 Hải quân đã tiếp cận và cứu kéo thành công. 9 ngư dân được thăm khám, hiện sức khỏe bình thường, tài sản bảo đảm an toàn.
Tàu của 9 ngư dân bị đứt neo (màu xanh) được lực lượng Hải quân tiếp cận, cứu kéo. Ảnh: Quân chủng Hải quân
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia cho biết 16h, tâm bão trên đất liền Quảng Ninh - Hải Phòng, cường độ cấp 11-12 (103-133 km/h), tức giảm 2 cấp so với thời điểm ban đầu đổ bộ, giật cấp 15. Dù ở trong đất liền, bão vẫn di chuyển tốc độ nhanh, 15-20 km/h.
Dự báo đường đi và khu vực ảnh hưởng của bão lúc 16h. Ảnh: NCHMF
Đông Bắc Bộ đã có mưa to. Lượng mưa tính từ 0h đến 16h hôm nay trên 100 mm như: Cát Bà (Hải Phòng) 215 mm, Đầm Hà (Quảng Ninh) 189 mm, Cẩm Phả (Quảng Ninh) 188 mm, Mẫu Sơn (Lạng Sơn) 171 mm, Phủ Dực (Thái Bình) 153 mm, Xuân Thủy (Nam Định) 127 mm...
Tại Hải Phòng, gió bão đã ngớt, người dân tranh thủ dọn dẹp mái tôn bay, cây đổ, cột điện hỏng.
Người dân Hải Phòng dọn dẹp lúc ngớt mưa, lặng gió. Ảnh: Lê Tân
Vân Đồn (Quảng Ninh) cũng trong tình trạng tương tự. Tấm tôn, biển báo la liệt trên mặt đường, hầu hết cây ven đường bị thổi nghiêng, lật gốc, gãy cành. Chỉ một lúc, mưa xối xả trở lại. Cột sóng bị gãy khiến sóng di dộng, 4G toàn khu vực bị mất.
Người đàn ông dọn đất quanh cây đổ trước nhà ở Vân Đồn. Ảnh: Phạm Dự
Đường phố Hải Phòng tan hoang. Video: Lê Tân
Ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo Thời tiết, Trung Tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn quốc gia cho biết, bão hiện cách Hà Nội khoảng 200 km nhưng do hoàn lưu rộng nên từ đầu giờ chiều nay đã ghi nhận gió mạnh cấp 4-5, giật cấp 6-7. Song đây chưa phải là thời điểm mạnh nhất của bão, từ giờ đến đêm nay khi tâm bão càng gần thì dự báo sức gió mạnh nhất ở Hà Nội càng tăng, có thể mạnh cấp 6-7, giật cấp 9-10.
"Những giờ qua có thể thấy nhiều cây cối ở địa bàn Hà Nội bật gốc, mức gió tăng như trên tình trạng này vẫn có thể tiếp diễn", ông Hưởng nói thêm rằng trong 12 giờ tới người dân Hà Nội không nên ra khỏi nhà, thời tiết thủ đô chỉ trở lại bình thường từ sáng mai.
Người dân Hà Nội di chuyển trên đường bị gió bão thổi bạt áo mưa. Ảnh: Võ Hải
Trong 3- 6h tới, bão đi sâu vào khu vực Đông Bắc Bộ với sức gió mạnh nhất cấp 9-11, sau đó sẽ chuyển ra khu vực Tây Bắc Bộ và suy yếu thành vùng áp thấp. Dưới tác động của hoàn lưu bão, từ giờ đến đêm Bắc Bộ tiếp tục có gió bão mạnh cấp 9-11 ở khu vực Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định. Các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Lạng Sơn, Hưng Yên gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 11-12.
Chiều nay, thành phố Hà Nội tạm dừng hoạt động vận tải hành khách công cộng. Hai tuyến tàu điện trên cao Cát Linh - Hà Đông, Nhổn - ga Hà Nội dừng chạy từ 13h và xe bus dừng dần từ 15h. Thời gian hoạt động trở lại sẽ được thông báo dựa trên tình hình thực tế sau khi bão tan.
Trong sáng và trưa nay, metro Cát Linh - Hà Đông vẫn hoạt động bình thường. Ảnh: Võ Hải
Quốc lộ 15, quốc lộ 16 qua tỉnh Thanh Hoá có một số đoạn bị sạt lở ta luy âm, nền đường bị nứt, gây mất an toàn giao thông.
Một điểm sạt lở trên quốc lộ 15 được rào chắn. Ảnh: Sở GTVT Thanh Hoá
Sạt lở nền quốc lộ 16 qua Thanh Hoá. Clip: Sở GTVT Thanh Hoá
Chiều 7/9, gió lớn thổi bay mái tôn nhà xưởng công ty giày ở Thượng Đình, Thanh Xuân. Cây đổ la liệt khiến một số chủ xe vội vã đánh ôtô đi nơi khác, tránh cây bật gốc đè bẹp.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh kêu gọi người dân không ra khỏi nhà để tránh rủi ro tính mạng.
Mái tôn một công ty giày ở Thanh Xuân bị gió thổi văng xuống đường. Video: Phạm Chiểu - Dương Tâm
Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Đồng bằng và Trung du Bắc Bộ thống kê lượng mưa 7-13h hôm nay tại Hà Nội phổ biến 30- 60mm. Dự báo chiều và đêm nay, khu vực nội Thành và một số huyện có gió mạnh cấp 5- 6, sau tăng lên cấp 7- 8, giật cấp 10.
Từ chiều nay đến sáng mai, thành phố sẽ có mưa to đến rất to, nội thành và các huyện Gia Lâm, Hoài Đức, Đan Phượng, Thanh Trì, Thường Tín, Thanh Oai, Thạch Thất, Quốc Oai, Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh 200 - 300mm, có nơi trên 400mm; thị xã Sơn Tây và các huyện Phúc Thọ, Chương Mỹ, Ba Vì, Mỹ Đức, Ứng Hòa, Phú Xuyên 150 - 250mm, có nơi trên 350mm.
Cây xanh bật gốc trên đường Lê Văn Lương. Ảnh: Võ Hải
Mưa lớn khiến một khối đất đá lớn đổ xuống quốc lộ 4H qua huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên sáng 7/9. GIao thông qua đây gián đoạn, các phương tiện đã được hướng dẫn đi đường khác.
Sạt lở trên quốc lộ 4H qua Điện Biên. Ảnh: Sở GTVT Điện Biên.
Đại diện Điện lực Quảng Ninh cho biết hiện toàn tỉnh đã cắt điện để đảm bảo an toàn. Thống kê nhanh tại Quảng Ninh, 14 trạm biến áp 110kV bị tách khỏi vận hành, 84 đường dây trung áp gặp sự cố do bão Yagi. Hiện 4 lộ đường dây đã được ngành điện khắc phục sự cố. Khoảng 274.000 khách hàng trên địa bàn bị mất điện.
Tại Thái Bình, theo báo cáo nhanh, 4 đường dây 110kV gặp sự cố, 3 trạm biến áp 110kV đang mất điện. 110 lộ đường dây trung áp (cấp điện áp từ 15kV trở lên) mất điện. Khoảng 570.000 khách hàng ở Thái Bình bị mất điện. Hiện tại các công ty điện lực ở địa phương đã chuẩn bị đủ vật tư, trang thiết bị, đợi bão tan sẽ sớm sửa chữa, cấp điện trở lại cho người dân.
Khu vực ven biển tại Tiền Hải, Thái Bình gió rất mạnh, kèm theo mưa xối xả. Nhiều cây phi lao chắn sóng bị gãy đổ. Người đứng trước gió nếu không vững có thể bị thổi bay.
Gió bão mạnh ở khu vực biển Tiền Hải, Thái Bình. Video: Phạm Chiểu
Video: Văn Phú
Từ sáng nay, cách hai tiếng chị Vũ Thị Trang (Long Biên) lại nhận được cuộc gọi từ bố mẹ ở quê. Ông bà sống ở Thanh Hóa, cách con gái gần 200 km, luôn cập nhật tình hình mưa bão, dặn dò con chuẩn bị đồ ăn, đóng chốt cửa sổ, hạ các chậu cây xanh xuống thấp. Ở chiều ngược lại, cô con gái lo hơn khi chỉ có hai ông bà dù quê chị nằm rìa cơn bão, ba sào lúa vẫn chưa kịp gặt.
Đường Nguyễn Trãi (Thanh Xuân) vắng lặng chiều 7/9. Ảnh: Võ Hải
Ngày bé, chị Trang từng trải qua nhiều cơn bão đủ cấp độ, nhưng chứng kiến không khí chống bão khẩn trương, cũng "đâm lo". Chồng chị là bộ đội ở lại đơn vị trực chống bão, chỉ ba mẹ con ở nhà. Chị yên tâm khi tủ lạnh đã đủ đồ cho ba ngày tới. Con trai 10 tuổi thậm chí còn hỏi "mẹ đã nhớ số cứu hộ hay chưa" khiến chị bật cười. "Thằng bé lo quá xa, nhưng tôi thấy yên tâm vì không ai chủ quan trong cơn bão này", chị nói.
Hải Phòng mưa gió gầm lên thành từng cơn. Cần cẩu ở công trường đường Hồng Bàng, quận Hồng Bàng rung lắc, quay vòng tròn trong hai tiếng và sụp đổ.
Cẩn cầu quay vòng tròn trong gió bão. Video: Lê Tân
Cần cẩu gãy đổ trong mưa bão Yagi. Ảnh: Lê Tân
Theo Sở Giao thông Vận tải Quảng Ninh, đến 13h45, lực lượng chức năng đã cấm phương tiện qua cầu Bạch Đằng, Bãi Cháy... Trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, quốc lộ 18, 18B, 279 đã có nhiều cột điện, cây xanh, biển báo bị gẫy, đổ.
Trên hệ thống đường tỉnh, lực lượng chức năng đã cấm cầu Vân Đồn - đường tỉnh 334; một số ngầm tràn. Hiện có ít phương tiện lưu thông trên các tuyến đường.
Khu vực tỉnh Quảng Ninh ghi nhận gió cấp 14, giật cấp 17.
Cấm phương tiện trên cầu Đình Vũ lúc 9h sáng. Ảnh: Sở GTVT Hải Phòng
Nằm trong tâm bão cấp 12, quận Đồ Sơn trời mưa mù mịt, gió rít ghê tai. Hàng cây thông, cau vua xơ xác, gãy đổ nghiêng ngả.
Video: Văn Phú
Khu vực biển Vân Đồn (Quảng Ninh), nhiều tàu bị đứt neo trôi dạt trên biển. Gió lớn giật tung nóc một số tàu, thuyền. Sau một số thuyền bè bị đứt neo trôi ra biển, có người rơi xuống biển, lực lượng chức năng đã ngăn chặn người dân xuống thuyền bè để đảm bảo an toàn.
Gió bão làm tung mái che trên thuyền. Video: Giang Huy
Gió giật liên hồi khiến các phương tiện di chuyển khó khăn, chỉ được vài trăm mét phải dừng nép dưới chân cầu vượt. Trên phố Trần Quốc Hoàn, cây xanh bật gốc liên tục dù có cột sắt chống đỡ phần gốc.
Cây đổ liên tiếp trên phố Trần Quốc Hoàn. Ảnh: Duy Anh
Thân cây đè gãy cột sắt chống phía dưới. Ảnh: Duy Anh