Gia Lai: Bảo trì đường bộ gặp khó vì kinh phí chỉ đủ... cắt cỏ lề đường

Sự kiện: Thời sự Gia Lai

Với 10 tuyến tỉnh lộ nhưng năm 2021 ngân sách chỉ bố trí 4,5 tỷ đồng, chỉ đủ… để cắt cỏ lề đường, không đủ kinh phí sửa chữa ổ gà, ổ voi...

Thiếu tiền bảo dưỡng thường xuyên

Theo Sở GTVT tỉnh Gia Lai, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 6 tuyến quốc lộ đi qua với tổng chiều dài 764km. Ngoài đường Hồ Chí Minh (bao gồm 2 tuyến tránh đô thị TP Pleiku, thị trấn Chư Sê) và QL19, Sở GTVT được giao quản lý các tuyến quốc lộ: 25, 14C, 19D và đường Trường Sơn Đông với tổng chiều dài 371km; 10 tuyến tỉnh lộ với tổng chiều dài 372km.

Đoàn giám sát Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh tiến hành giám sát tại Tỉnh lộ 661 (trên địa bàn huyện Chư Păh)

Đoàn giám sát Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh tiến hành giám sát tại Tỉnh lộ 661 (trên địa bàn huyện Chư Păh)

Trong giai đoạn 2017-2021, Sở GTVT tỉnh Gia Lai được Trung ương phân bổ 635,5 tỷ đồng và địa phương bố trí hơn 312 tỷ đồng để bảo dưỡng thường xuyên, sửa chữa định kỳ các tuyến quốc lộ và tỉnh lộ…

Ông Lê Văn Hạnh, Phó giám đốc phụ trách Sở GTVT tỉnh Gia Lai cho biết, việc quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì, bảo dưỡng các công trình đảm bảo đúng mục đích sử dụng và hiệu quả.

Trong khi đó, vừa qua, qua giám sát thực tế tại 10 tuyến quốc lộ, tỉnh lộ do Sở GTVT được giao và ủy quyền quản lý, bảo trì, đoàn giám sát Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Gia Lai cho biết, việc sử dụng các nguồn vốn từ quỹ bảo trì đường bộ đã phát huy hiệu quả, góp phần từng bước nâng cấp hệ thống giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh.

Trong đó, tuyến QL14C đã được nhựa hóa cơ bản toàn tuyến; đường Trường Sơn Đông (đoạn nối huyện Ia Pa - TX Ayun Pa) có chiều dài 13km đã được thảm nhựa bê tông và hoàn thiện hệ thống thoát nước, ATGT trên tuyến; QL25 cơ bản được nâng cấp thảm bê tông nhựa mặt đường; QL19D được nâng cấp, sửa chữa thảm bê tông nhựa và láng nhựa mặt đường được 16km...

Ban Kinh tế Ngân sách HĐND tỉnh cũng cho biết, theo định mức bảo dưỡng thường xuyên đường bộ, 1km chi phí khoảng 120 triệu đồng/năm, tính sơ bộ 10 tuyến tỉnh lộ dài 372km là khoảng 45 tỷ đồng/năm.

Thế nhưng, kết quả giám sát cho thấy, tổng kinh phí thực hiện trong giai đoạn 2017-2021 chỉ có 58,2 tỷ đồng. Số tiền này rất thấp so với định mức phân bổ để thực hiện bảo dưỡng thường xuyên.

Ngân sách chỉ đủ… cắt cỏ

Ông Nguyễn Đình Phương, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Gia Lai cho biết, khảo sát cho thấy một số tuyến đường đưa vào khai thác sử dụng đã lâu nhưng chưa được đầu tư nâng cấp; một số tuyến tỉnh lộ vẫn còn đoạn đường đất gây khó khăn cho việc đi lại của người dân.

Tuy nhiên, do kinh phí còn hạn hẹp nên công tác bảo trì chỉ mới đáp ứng được khoảng 45-50% nhu cầu thực tế.

Theo ông Vũ Tiến Anh, Chánh văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh Gia Lai, lượng xe lưu thông ngày càng đông đúc, điều này tỷ lệ thuận với việc đường nhanh xuống cấp.

“Với 10 tuyến tỉnh lộ nhưng năm 2021 bố trí 4,5 tỷ đồng chỉ đủ để cắt cỏ lề đường, không đủ kinh phí sửa chữa ổ gà, ổ voi, vá dặm đường cho người dân đi lại. Do vậy, Sở GTVT cần tham mưu xây dựng tiêu chí định mức phân bổ cụ thể hàng năm. Đồng thời kiến nghị bổ sung tăng nguồn kinh phí cho công tác quản lý, bảo trì hệ thống tỉnh lộ”, ông Vũ Tiến Anh kiến nghị.

Kết thúc đợt giám sát, Đoàn giám sát của HĐND tỉnh Gia Lai đề nghị Sở GTVT tỉnh Gia Lai khảo sát lại nhu cầu thực tế để kiến nghị bố trí ngân sách phù hợp, sát thực tế.

Ghi nhận thực tế phát sinh qua giám sát, Đoàn sẽ tổng hợp và trình HĐND tỉnh xem xét, quyết định tại kỳ họp gần nhất.

Không chỉ thiếu kinh phí bảo trì các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, tình trạng này còn diễn ra với các tuyến đường huyện, xã. Điển hình, tại huyện Kông Chro có hơn 289 tuyến đường (đường huyện, xã, nội thôn, làng, đường ra khu sản xuất) với 568,3km đường giao thông, trong đó có 92,7km đường giao thông do cấp huyện quản lý.

Quá trình sử dụng, một số vị trí cục bộ đã hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng.

Công tác duy tu bảo dưỡng hệ thống đường giao thông nông thôn đã được đầu tư bằng nhiều nguồn vốn như vốn sự nghiệp giao thông của huyện, vốn chương trình mục tiêu quốc gia (năm 2020 là trên 5 tỷ đồng và năm 2021 trên 3,5 tỷ đồng)…

Ông Võ Nguyên Nam, Chủ tịch UBND huyện Kông Chro cho biết, kinh phí hàng năm không đủ để đáp ứng cho công tác duy tu, sửa chữa vì hệ thống giao thông của huyện rất dài. Huyện đã đề nghị tỉnh bố trí tăng nguồn kinh phí giai đoạn 2022-2025 là 40 tỷ đồng, tuy nhiên đến nay vẫn chưa được bố trí.

Nguồn: [Link nguồn]

CLIP: Cận cảnh công nhân gấp rút sửa cầu Thăng Long chi phí 269 tỉ đồng

Sau hơn 4 tháng thi công, hàng trăm kỹ sư, công nhân cùng các trang thiết bị máy móc đang gấp rút hoàn thiện công đoạn trải thảm mặt cầu Thăng Long (Hà Nội) bằng bêtông nhựa...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Tạ Vĩnh Yên ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN