Bạc Hy Lai phản cung, bác bỏ cáo buộc

Trong lần đầu tiên xuất hiện trước tòa, ông Bạc Hy Lai đã phản cung và bác bỏ cáo buộc nhận hối lộ.

Ngày 22/8, trong lần đầu tiên xuất hiện trước công chúng sau hơn 1 năm, chính trị gia “ngã ngựa” Bạc Hy Lai ra trước Tòa án Trung cấp Tế Nam và lên tiếng bác bỏ cáo buộc nhận hối lộ trong vụ bê bối chính trị lớn nhất Trung Quốc trong vòng 30 năm trở lại đây.

Trước đó, cựu Bí thư Trùng Khánh Bạc Hy Lai đã bị truy tố với các tội danh nhận hối lộ, tham nhũng, lạm quyền và nhiều khả năng ông này sẽ bị phán quyết là có tội. Tuy nhiên việc Bạc Hy Lai phản cung và bác bỏ cáo trạng nhận hối lộ đồng nghĩa với việc ông này sẽ không dễ dàng chấp án.

Bạc Hy Lai phản cung, bác bỏ cáo buộc - 1

Bạc Hy Lai lần đầu tiên xuất hiện trước tòa án

Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ rất muốn vụ án này được xét xử mà không gây ra quá nhiều điều tiếng ồn ào để đảm bảo sự vững chắc và thống nhất của đảng. Sự sảy chân của Bạc Hy Lai đã khiến những người ủng hộ các chương trình xã hội theo chủ nghĩa Mao của ông này đối lập với con đường kinh tế theo hướng tư bản hiện nay của giới lãnh đạo Trung Quốc, thể hiện những chia rẽ bên trong đảng Cộng sản cũng như xã hội Trung Quốc.

Phiên tòa xét xử Bạc Hy Lai ở thành phố Tế Nam đã đánh dấu chương cuối cùng cho biến động chính trị lớn nhất Trung Quốc kể từ năm 1976, sau khi Bè lũ Bốn tên bị hạ bệ cuối Cách mạng Văn hóa.

Xuất hiện trước tòa, Bạc Hy Lai với khuôn mặt nhẵn nhụi, mái tóc dường như vừa được nhuộm lại và đôi tay không bị còng đứng trước vành móng ngựa. Ông này mặc chiếc áo sơ mi trắng dài tay và đứng bắt chéo tay trước người, kèm sát hai bên là hai cảnh sát cao to lực lưỡng.

Trong lời khai trước tòa, Bạc Hy Lai lên tiếng phản công: “Về vấn đề Đường Tiêu Lâm ba lần đưa tiền cho tôi, tôi đã từng bị ép thú nhận như vậy khi Ủy ban Kiểm tra Kỉ luật Trung ương điều tra tôi.”

Bạc Hy Lai phản cung, bác bỏ cáo buộc - 2

Bạc Hy Lai phản công cáo buộc nhận hối lộ

“Tôi sẵn sàng chịu các trách nhiệm pháp lý, nhưng lúc đó tôi không biết tình hình chi tiết của những vấn đề này, bởi đầu óc tôi lúc đó hoàn toàn trống rỗng.”

Truyền hình nhà nước Trung Quốc cho hay Bạc Hy Lai đã không phản đối những bằng chứng được đưa ra trước tòa.

Bạc Hy Lai bị truy tố vì đã nhận khoảng 21,8 triệu tệ (3,56 triệu USD) tiền hối lộ của tỉ phú Từ Minh và của Đường Tiêu Lâm, giám đốc công ty Phát triển Quốc tế Đại Liên có trụ sở ở Hong Kong.

Cáo trạng của tòa án cho rằng Bạc đã nhận số tiền hối lộ này qua vợ mình là bà Cốc Khai Lai và con trai Bạc Qua Qua. Đây là lần đầu tiên nhà chức trách Trung Quốc đề cập đến tên con trai của Bạc Hy Lai trong vụ án này. Bạc Qua Qua hiện đang theo học trường Đại học Columbia ở Mỹ.

Những ngôn từ mà ông Bạc sử dụng trước tòa cho thấy ông này có thể đấu tranh chống lại những cáo buộc đối với mình, trong khi thông báo của tòa án không đề cập đến việc ông này có nhận tội với bất kỳ cáo buộc nào hay không.

Theo một nguồn tin có quan hệ gần gũi với giới lãnh đạo Trung Quốc, nếu Bạc Hy Lai nhận tội, đó gần như chắc chắn là dấu hiệu cho thấy ông này đã thỏa hiệp để được khoan hồng, tuy nhiên có vẻ như ông sẽ không nhận tội đối với cáo buộc lạm quyền để thể hiện rằng mình là nạn nhân của một cuộc đấu đá quyền lực.

Bạc Hy Lai phản cung, bác bỏ cáo buộc - 3

Có vẻ như Bạc Hy Lai sẽ không chịu im lặng nhận tội

Tòa án cho biết, Bạc Hy Lai đã biển thủ 5 triệu tệ từ một dự án của chính phủ ở thành phố Đại Liên khi ông này là thị trưởng thành phố này.

Cáo buộc lạm quyền đối với Bạc Hy Lai liên quan đến vụ sát hại doanh nhân người Anh Neil Heywood do vợ ông là bà Cốc Khai Lai dàn xếp. Vụ bê bối giết người này của bà Cốc đã khiến cho ngôi sao đang lên của chính trường Trung Quốc Bạc Hy Lai vụt tắt. Năm 2011, bà Cốc đã bị kết án chung thân trong vụ án này.

Khi Bạc Hy Lai phát hiện ra rằng giám đốc công an Trùng Khánh Vương Lập Quân đang điều tra vụ giết người của vợ mình, ông này đã nổi giận và cách chức Vương Lập Quân trái với quyền hạn của mình. Bạc Hy Lai cũng không báo cáo vấn đề này với cấp trên ở Bắc Kinh, điều đó cấu thành tội lạm quyền.

Tuy nhiên những người ủng hộ Bạc Hy Lai vẫn coi ông này là nạn nhân của một cuộc đấu đá quyền lực. Cú ngã ngựa của Bạc đã châm ngòi cho làn sóng tranh luận nảy lửa giữa những người cánh tả trung thành với lý tưởng cách mạng của thời Mao Trạch Đông với những người theo đường lối cải cách muốn đẩy nhanh quá trình thay đổi về chính trị và kinh tế.

Bạc Hy Lai phản cung, bác bỏ cáo buộc - 4

An ninh được thắt chặt bên ngoài tòa án Tế Nam

Tòa án trung cấp Tế Nam tuyên bố trên tiểu blog của mình rằng 5 thành viên gia đình Bạc Hy Lai và 19 nhà báo đã tham dự phiên xét xử. Tòa án cho biết hơn 100 người đã có mặt trong phòng xử án, trong đó có các anh em của ông Bạc.

Trong khi đó, một nhóm người đã tụ tập trước tòa án ngày thứ 2 liên tiếp để bày tỏ sự ủng hộ đối với Bạc Hy Lai và phản đối cái mà họ gọi là sự ngược đãi mang động cơ chính trị. Tuy nhiên lực lượng cảnh sát đông đảo liên tục tuần tra bên ngoài tòa án đã giải tán nhóm người này.

Một người biểu tình mang theo biểu ngữ có dòng chữ: “Kinh nghiệm ở Trùng Khánh là điều tốt đẹp cho đất nước và nhân dân, sự thịnh vượng chung là những gì mà người dân mong muốn.”

Bạc Hy Lai phản cung, bác bỏ cáo buộc - 5

Những người biểu tình ủng hộ Bạc Hy Lai

Người phát ngôn của tòa án Liu Yanjie cho biết Bạc Hy Lai “rất điềm tĩnh và khỏe mạnh” trong suốt thời gian diễn ra phiên xét xử, và “phiên tòa được tiến hành một cách trật tự”.

Trước đó, CCTV cho biết phiên tòa xét xử Bạc Hy Lai sẽ kéo dài trong 2 ngày và nhiều khả năng phán quyết sẽ được đưa ra vào đầu tháng 9. Với những tội danh được đưa ra trong bản cáo trạng, Bạc Hy Lai có thể sẽ phải đối mặt với án tử hình, tuy nhiên nhiều khả năng ông này sẽ bị tử hình “treo”, đồng nghĩa với án chung thân hoặc 20 năm trong thực tế.

Phiên tòa này sẽ được coi như một vụ việc điển hình thử thách cam kết pháp trị của Trung Quốc, đặc biệt là việc Bạc Hy Lai có được trao cơ hội tự bào chữa cho mình hay không. Nhiều khả năng chính quyền mới của Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ coi phán quyết đối với Bạc Hy Lai trong vụ án này là một thành công trong cuộc đấu tranh chống lại nạn tham nhũng ở đất nước này.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Bảo Thành (Theo Reuters) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN