ASIAD 18: 150 triệu USD có đủ quảng bá cho VN?

Ý kiến của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam về vấn đề cân nhắc rút lui, không tổ chức ASIAD 18 vào năm 2019, nhận được nhiều phản hồi đồng tình của độc giả.

Sau khi ý kiến của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam về cân nhắc rút lui, không tổ chức ASIAD 18 được đăng tải, nhiều độc giả đưa ra quan điểm đồng tình.

Đồng tình với đề xuất của Phó thủ tướng, độc giả tại địa chỉ danleda…@yahoo.com bình luận: “Đất nước ta còn nghèo, Phó thủ tướng thật sáng suốt khi chỉ đạo cân nhắc rút đăng cai ASIAD. Nên dành hàng trăm triệu đô đầu tư cho các công trình phúc lợi; đầu tư cho người nghèo phát triển sản xuất; đầu tư cho các công trình biển đảo hơn là đầu tư để mua "một trận cười”...”.

Độc giả fan...@gmail.com cho rằng không nên nhận đăng cai ASIAD 18 vào năm 2019 vì Việt Nam chưa đủ lực: "Tốt nhất là lui lại nhiều kì ASIAD nữa hãy đăng cai. Tôi đảm bảo với 150 triệu USD (trên lý thuyết của bộ VH - TT- DL) mà đầu tư bài bản cho vận động viên Việt Nam thì tấm huy chương vàng Olympic là hoàn toàn có thể".

Độc giả Thanh Phong ở địa chỉ Thanhphong…@gmail.com nhận xét về trình độ của vận động viên của Việt Nam chỉ ở tầm khu vực. Độc giả này cho rằng, không nên đầu tư cơ sở vật chất cho ASIAD vì quá tốn kém, trong tình hình kinh tế Việt Nam khó khăn.

150 triệu USD có đủ để đầu tư?

Với thông tin số tiền dự kiến để đầu tư cho công tác tổ chức cho ASIAD 18 là 150 triệu USD, nhiều độc giả lo ngại về tính khả thi cũng như lợi ích có được sau khi tổ chức sự kiện này.

Từ bài học từ các kỳ ASIAD lần trước, các nước khác đã bỏ ra số tiền khủng để tổ chức. Dẫn chứng cho thấy ASIAD 2006 tại Qatar là 2,48 tỷ USD, Á vận hội 2010 ở Quảng Châu (Trung Quốc) vào khoảng 20 tỷ USD, hay con số này dự kiến ở Incheon, Hàn Quốc cuối năm nay đã là 1,1 tỷ...

ASIAD 18: 150 triệu USD có đủ quảng bá cho VN? - 1

Nhà thi đấu Hoàng Mai - một công trình được đầu tư từ SEA Games 23 vẫn có thể phục vụ cho Asiad. Ảnh Tiền Phong

Độc giả TranTuan ở địa chỉ Alantic…@yahoo.com phân tích: “Trung Quốc tổ chức Á Vận hội 2013 đến 20 tỷ USD, cho dù nước ta không làm hoành tráng như Trung Quốc thì cũng phải mất khoảng 1 tỷ USD. Cơ sở vật chất tốt như Incheon- Hàn Quốc mà cũng mất hơn 1 tỷ. Nước ta có gì ngoài mấy cơ sở hạ tầng thi đấu Seagame. Các tiêu chuẩn về cơ sở hạ tầng hay con người đều phải đạt chuẩn quốc tế thì chúng ta lấy đâu ra tiền xây mới,nâng cấp các cơ sở thi đấu hay đào tạo nhân viên phục vụ, mà con số 150 triệu USD chỉ là dự toán sơ bộ khi chưa có thiết kế, chưa có thuyết minh kinh tế kỹ thuật và còn chưa tính đến đội giá qua từng năm”.

Độc giả YenTran  dẫn trường hợp của Hy Lạp làm ví dụ. Sau khi đầu tư cho Olympic, vài năm sau Hy Lạp bị khủng hoảng kinh tế.

"Ai sẽ chịu trách nhiệm khi chi phí tổ chức ASIAD 18 vượt lên gấp 2 hoặc 3 lần. Số tiền 150 triệu USD không phải nhỏ, nhất là đối với nước ta. Quảng bá hình ảnh chưa biết tới đâu, nhưng rõ ràng là không được lợi nhiều khi đầu tư vào ASIAD này”. - Yen Tran đặt câu hỏi.

Đồng tình với ý kiến trên, độc giả QuangHuy cho rằng: “Đây là một kì đại hội nếu tổ chức sẽ có lợi cho nền thể thao nước nhà. Nhưng nếu nó diễn ra sẽ là nguồn đầu tư khổng lồ! Trong lúc nền kinh tế đang khủng hoảng và kiệt quệ mà vẫn phải gồng mình để gánh 150 triệu USD để đầu tư! Liệu sẽ thu về được bao nhiêu tiền cho nhà nước! Nên lùi lại!”.

“Xin dừng việc đăng cai ASIAD lại, đất nước ta còn nghèo, việc đầu tư cho thể thao, quảng bá hình ảnh đất nước cũng quan trọng, nhưng còn vô số việc quan trọng và cấp thiết hơn nhiều. Hãy dùng tiền đấy để xây bệnh viện, xây trường học, giúp đỡ những con người nghèo khó, bất hạnh trong xã hội này..."- độc giả Trần ở địa chỉ ruoitrau…@gmail.com bày tỏ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hòa Anh ([Tên nguồn])
Việt Nam và chuyện đăng cai ASIAD 18 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN