“Anh hùng lái tàu” kể về những lần “tử thần” trêu ngươi trên đường ray

Nghề lái tàu vốn đã gian khổ nhưng họ vẫn phải đối mặt với “tử thần” và sẵn sàng đánh đổi mạng sống của mình vì sự an toàn của hành khách.

20 năm "sống trên đường ray"

Ông Trương Xuân Thức (khu tập thể Thành Công, Ba Đình, Hà Nội) được mọi người quen gọi với tên thân thuộc là “anh hùng lái tàu”, bởi ông từng được Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tặng Huân chương dũng cảm sau khi xả thân cứu hơn 300 hành khách trong đoàn tàu Thống Nhất năm 2010.

“Anh hùng lái tàu” kể về những lần “tử thần” trêu ngươi trên đường ray - 1

Huân chương dũng cảm do Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tặng ông Thức

Chúng tôi gặp ông trong một căn hộ nhỏ trên tầng 3 trong khu tập thể Thành Công. Người đàn ông tóc muối tiêu, dáng người hơi gầy với cánh tay trái bị cụt gần đến khủy tay nhưng rất hiếu khách.

Nhớ lại những ngày tháng làm nghề, ông Thức vẫn không hiểu vì sao mình có thể chịu đựng được vất vả, gian khó và trụ được với nghề đến hơn 20 năm.

Năm 1985, ông ra quân và được cậu xin cho vào ngành đường sắt, làm ở Yên Viên (Gia Lâm, Hà Nội). Sau đó, ông chuyển đến vừa làm phụ vừa lái đầu máy hơi nước chở than cho các nhà máy nhiệt điện ở Mạo Khê, Phả Lại (Quảng Ninh).

“Công việc vất vả, cứ xúc than, đổ than và kéo than đi. Tôi định bỏ nghề nhưng được ông cậu động viên và cũng vì miếng cơm manh áo nên cố ở lại”, ông Thức nói.

Ông Thức sau đó còn chuyển qua nhiều đơn vị khác. Mãi đến những năm 2007 – 2008 ông mới được chuyển sang lái đầu máy Đổi Mới chạy bằng dầu Diesel ở Xí nghiệp đầu máy Hà Nội. Thế nhưng, chỉ sau khoảng 2-3 năm thì tai nạn đã xảy ra khiến ông Thức không thể tiếp tục công việc của mình.

Nói về vất vả của nghề lái tàu, ông Thức nhăn mặt lại: “Ngày lễ, ngày Tết người ta đưa vợ con đi chơi mình thì lúi húi xách túi đi làm, tủi thân lắm chứ.

Công việc là luôn luôn phải đi và phải lái làm sao để đảm bảo 3 yếu tố: An toàn, đúng giờ, tiết kiệm. Vì thế, thức trắng đêm để tàu đúng giờ là chuyện thường xuyên. Ngoài ra, đầu máy xe lửa ngày xưa không có bếp như bây giờ, đi làm phải mang cơm cặp lồng hoặc khi nào đến ga mới được dừng để ăn, đói thì chỉ còn cách nhịn hoặc uống nước cầm hơi suốt dọc đường”.

"Thần kinh thép" của "anh hùng lái tàu"

Người từng xả thân cứu hơn 300 hành khách cũng thừa nhận rằng: “Người lái tàu phải có thần kinh thép”. Không phải ngẫu nhiên ông nói như vậy.

“Người muốn tự tử, người điên giờ họ có xu hướng ra đường sắt ngồi. Đường ngang dân sinh ở nước mình thì nhiều; người dân chủ quan, thiếu quan sát; hàng rong lấn chiếm bán hàng…  Tất cả đều có thể sinh ra tai nạn.

Khi phát hiện ra hiểm họa, chúng tôi có thể bỏ vị trí để giữ an toàn tính mạng cho mình nhưng lương tâm nghề nghiệp không cho phép chúng tôi làm thế. Tính mạng của hành khách và hàng hóa luôn là trên hết”, ông Thức nói.

Ông Thức nhớ lại, một lần khi đoàn tàu do ông lái đang thả dốc ở cầu Thăng Long xuống. Bất chợt ông thấy một bóng đen phía trước mặt. Ông vội bấm còi và vội kéo tay hãm phanh đứng cả người lên.

“Thấy bóng người khuất tầm nhìn, tôi tưởng đã bị đoàn tàu đè lên rồi. Tôi xuống tàu thì thấy một cô gái trẻ vẫn nằm ngang đường ray và chỉ cách đầu tàu chưa tới 1m. Cô gái luôn miệng bảo: “Chú ơi để cháu chết đi”. Tôi phải gọi mấy người đứng tuổi đang cắt lúa ở gần đó lên giữ cô gái trẻ lại và tiếp tục cho tàu chạy kịp giờ”, ông Thức kể.

“Anh hùng lái tàu” kể về những lần “tử thần” trêu ngươi trên đường ray - 2

Ông Thức vẫn còn nhiều trăn trở với ngành nghề đường sắt.

Một lần khác, ông lái tàu đêm qua địa phận Thường Tín thì thấy một bóng đen ngồi thu lu trên đường ray. Sau khi hãm phanh dừng cả đoàn tàu lại, ông xuống xem thì hóa ra là một người đàn bà điên ngồi đó.

Hay nhiều lần ông bị những thanh niên “trẻ trâu” trêu ngươi. Các thanh niên lái xe chạy song song với tàu, sau đó vượt lên và chắn ngang đường tàu. Khi tàu gần lao đến thì họ vọt xe đi và cười với vẻ mặt đầy thích thú.

“Tôi nghĩ cơ quan chức năng cần có biện pháp để nâng cao ý thức người dân hơn khi đi qua đường sắt. Ngành đường sắt cũng cần có những biện pháp làm sao để hạn chế tối đa thiệt hại, đảm bảo an toàn tính mạng cho lái tàu, hành khách và người dân”, đó là mong muốn của ông Thức và có lẽ cũng là mong muốn của nhiều lái tàu khác.

Vụ lật tàu SE19: Khởi tố, bắt tạm giam 2 nhân viên gác chắn

Công an đã khởi tố bị can, bắt tạm giam hai nhân viên gác chắn tàu trong vụ tai nạn làm 12 người thương vong. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Triệu Quang – Hồng Phú ([Tên nguồn])
Lật tàu hỏa ở Thanh Hóa Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN