Ám ảnh hàng loạt vụ cháy "nhà ống" gây chết người

Sự kiện: Tin nóng

Trong vài năm trở lại đây, tại Hà Nội xảy ra hàng loạt vụ hỏa hoạn gây chết người ở những ngôi nhà 'ống' cao tầng, có cửa sổ và khu vực sân thượng bị bịt kín bằng khung sắt chống trộm.

Ngôi nhà trong ngõ Thổ Quan xảy ra hỏa hoạn.

Ngôi nhà trong ngõ Thổ Quan xảy ra hỏa hoạn.

Cháy nhà lúc bố mẹ đi vắng, 3 người tử vong

Sáng sớm 8/7/2023, ngôi nhà cao tầng trong ngõ Thổ Quan (phường Thổ Quan, quận Đống Đa, TP Hà Nội) bất ngờ xảy ra hỏa hoạn. Chủ nhà đi vắng, bên trong có 2 cháu bé con chủ nhà cùng một thanh niên.

Tiếp nhận tin báo, lực lượng PCCC&CNCH Hà Nội huy động gần 10 xe chữa cháy, xe cứu nạn cứu hộ cùng hàng chục cán bộ chiến sĩ đến hiện trường dập lửa. Sau nhiều giờ đám cháy được dập tắt. Tuy nhiên, hậu quả vụ cháy khiến 3 nạn nhân là N.Q.M (SN 2010), N.P.U (SN 2012) và D.T.D (SN 2004) tử vong.

Lực lượng chức năng đưa thi thể nạn nhân ra ngoài.

Lực lượng chức năng đưa thi thể nạn nhân ra ngoài.

Theo cơ quan công an, ngôi nhà trên là nhà ở kết hợp kinh doanh dịch vụ (làm móng chân, tay, tóc…), nhà hình ống, cao tầng, diện tích khoảng 60m2. Mặt trước tiếp giáp với ngõ Thổ Quan rộng khoảng 4m, mặt sau tiếp giáp với đường dân sinh khoảng 1m, hai mặt còn lại tiếp giáp nhà dân.

Một cán bộ chữa cháy tại hiện trường cho biết, quá trình chữa cháy gặp nhiều khó khăn do ngôi nhà nằm trong ngõ nhỏ xe cứu hỏa không vào được gần, việc tiếp cận hiện trường và di chuyển vào bên trong cũng rất khó vì nhiệt độ cao khiến gạch lát cầu thang và lan can của ngôi nhà bị sụp xuống. Bên cạnh đó, ngôi nhà kín khiến khói tụ bên trong tối đen nên lực lượng chữa cháy, cứu nạn rất khó quan sát.

Các chiến sĩ chữa cháy và cứu nạn phải tiếp cận cả từ nhà bên cạnh dùng máy cắt thủy lực để cắt cửa, đập cửa kính để thoát hết khói ra bên ngoài. Sau đó mới thay nhau vào chữa cháy để đảm bảo an toàn.

Vụ hỏa hoạn xảy ra tại phố Thành Công.

Vụ hỏa hoạn xảy ra tại phố Thành Công.

Một vụ cháy tương tự xảy ra vào sáng 13/5/2023, tại ngôi nhà 3,5 tầng trên phố Thành Công (Quang Trung, Hà Đông, Hà Nội). Khi lực lượng chức năng và xe chữa cháy tới hiện trường thì thấy cửa các tầng của ngôi nhà đóng kín, bên ngoài quây khung sắt "chuồng cọp" kiên cố, khiến lực lượng mất thời gian cắt phá.

Bên ngoài ngôi nhà làm kiên cố bằng rào sắt.

Bên ngoài ngôi nhà làm kiên cố bằng rào sắt.

Vụ cháy khiến 4 người tử vong là bà N.T.X (1956), N. M.P (SN 2013), N.Q.M.Đ (SN 2015), N.Q.M.H (2019), cùng là con chủ nhà. Theo cơ quan chức năng, diện tích ngôi nhà xảy ra hoả hoạn khoảng 40m2, cao 3 tầng, 1 tum. Về tài sản thiệt hại cháy đồ dùng trong gia đình (tivi, tủ lạnh, điều hòa, bàn ghế...), 1 xe máy.

Một vụ cháy khác xảy ra vào lúc hơn 1h ngày 21/4/2022, tại ngôi nhà 3 tầng trong ngõ 65 Phạm Ngọc Thạch (phường Kim Liên, quận Đống Đa, TP Hà Nội) làm 5 người tử vong.

Ngọn lửa bùng phát từ tầng 1 rồi cháy lan lên các tầng. Lực lượng chức năng điều 5 xe chữa cháy cùng nhiều cán bộ chiến sĩ tới hiện trường dập lửa và đưa được 2 người từ trên mái nhà xuống dưới an toàn.

Đến 1h23, đám cháy được dập tắt. Tại tầng 2, lực lượng cứu hộ phát hiện cháu Bùi Gia H. (SN 2021) còn dấu hiệu hô hấp nên đưa đi cấp cứu tại bệnh viện đa khoa Xanh Pôn nhưng qua khỏi.

Ngoài trường hợp cháu H., còn có 4 nạn nhân tử vong trong vụ cháy gồm: bà Đ.T.M (SN1948, chủ hộ), chị Đ.M.H (SN1985, con dâu bà M.), anh B.N.K (SN1985, con ruột bà M.), cháu B.N.P (SN 2012, cháu nội bà M.)

Cách thoát nạn khi xảy ra cháy “nhà ống”

Ở các đô thị hiện nay rất phổ biến dạng “nhà ống” chỉ có một cửa ra vào kiêm lối thoát hiểm, nên khi xảy ra cháy hết sức nguy hiểm. Trong khi đó, nhiều gia đình đã hàn kín cửa sổ, ban công và tầng tum bằng song sắt nhằm mục đích phòng, chống trộm.

Theo lực lượng PCCC, việc này gây mất an toàn trong phòng cháy, chữa cháy, bởi “nhà ống” gần như chỉ có cầu thang trong nhà là lối thoát hiểm duy nhất, khi xảy ra hỏa hoạn lối thoát này đã bị khói, lửa chặn. Khi tiếp cận hiện trường chữa cháy, cứu nạn lực lượng PCCC&CNCH phải cắt dỡ những lồng sắt bên ngoài để mở đường vào trong dẫn tới việc “chuồng cọp” càng kiên cố thì nguy cơ thiệt hại về người và tài sản càng lớn.

Điển hình như vụ cháy tại ngõ Thổ Quan (Đống Đa, Hà Nội) vừa qua, cửa sổ ở các tầng ngôi nhà được hàn khung sắt kiên cố khiến lực lượng chức năng phải phá cửa, dùng thiết bị chuyên dụng cắt song sắt… rất mất thời gian.

Lực lượng chữa cháy cắt phá khung cửa sắt.

Lực lượng chữa cháy cắt phá khung cửa sắt.

Cục Cảnh sát PCCC&CNCH khuyến cáo người dân khi phát hiện ra cháy cần bình tĩnh suy xét, báo động cho tất cả mọi người mau chóng thoát ra ngoài. Nếu cửa ra bị lửa khói bao trùm cần tìm lối thoát khác qua ban công, qua cửa sổ sang nhà bên cạnh, dùng thang thoát xuống mặt đất hoặc tìm lối thoát lên mái nhà nếu có thể. Tuyệt đối không núp trong phòng hoặc nhà vệ sinh, tủ quần áo, gầm giường.

Trước khi mở cửa dùng mu bàn tay kiểm tra nhiệt độ, khi mở tránh người sang một bên đề phòng lửa tạt vào. Nếu buộc phải băng qua lửa hãy dùng chăn ướt quấn quanh người để thoát ra ngoài; nếu phải băng qua khói hãy dùng khăn ướt che kín miệng, mũi và cúi thật thấp để tránh ngạt khói, men theo tường để đến lối thoát an toàn.

Để đề phòng khi xảy ra hỏa hoạn, nên có thói quen để chìa khóa cửa ở đúng nơi quy định và dễ lấy; có sẵn phương án thoát nạn qua cửa chính và cửa phụ; để dụng cụ phá dỡ và thang dây gần lối thoát nạn; cần tính lối thoát hiểm cho người già và trẻ nhỏ khi ở nhà một mình và hướng dẫn cho mọi người trong gia đình biết. Bên cạnh đó, các gia đình nên trang bị phương tiện, dụng cụ báo cháy, chữa cháy, thoát nạn như bình chữa cháy, thiết bị cảnh báo cháy, cảnh báo rò rỉ khí gas, thang dây, dụng cụ phá dỡ, mặt nạ phòng độc, bộ dây hạ chậm…

Theo Cục Cảnh sát PCCC&CNCH, đối với các gia đình có trẻ nhỏ cần lên phương án thoát nạn khi xảy ra hỏa hoạn. Bởi các em có thể trở nên rất hoảng loạn, cần được hướng dẫn rõ ràng và giúp ra khỏi nhà do có thể không biết cách thoát nạn hoặc phải làm gì trừ khi có người lớn chỉ dẫn.

“Mỗi gia đình phải có phương án cho trẻ nhỏ dưới 6 tuổi không thể tự ra ngoài và hãy nói về những người có thể sẽ giúp các em ra ngoài an toàn. Đồng thời hãy dạy trẻ nên biết phải làm gì khi nghe thấy chuông báo động khi không có người lớn xung quanh. Giúp các em tập đi đến điểm an toàn bên ngoài của ngôi nhà” - Cục Cảnh sát PCCC&CNCH khuyến cáo.

Hãy dạy trẻ không bao giờ được quay lại bên trong một ngôi nhà đang cháy một khi chúng đã thoát nạn được ra ngoài; dạy các em đi thấp và bò trên mặt đất, nơi không khí ít bị sự ảnh hưởng của khói hơn. Nếu trẻ nhỏ cần sử dụng thang thoát hiểm, hãy chỉ nơi để và hướng dẫn thực hành cách sử dụng (lưu ý luôn luôn phải có sự hướng dẫn của người lớn).

Theo thống kê của Cục Cảnh sát PCCC&CNCH, trong tháng 6/2023, toàn quốc xảy ra 211 vụ cháy, làm chết 9 người, bị thương 11 người, thiệt hại tài sản nhiều tỷ đồng… Trong đó, số vụ cháy tại nhà dân là 65 vụ (chiếm 30,8%), 24 vụ cháy nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh (chiếm 11,4%).

Nguồn: [Link nguồn]

Vụ cháy 3 người tử vong ở Hà Nội: Bố ngã quỵ, bật khóc gọi tên con

Ông Hiệp ngã quỵ, gào khóc gọi tên con gái. "Con ơi, con ở đâu về với bố", ông gào lên trong vô vọng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thanh Hà ([Tên nguồn])
Tin nóng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN