5 người chết và mất tích vì bão số 4

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 4, các tỉnh miền núi phía Bắc như: Sơn La, Hà Giang, Điện Biên, Lào Cai có mưa to kéo dài, gây ra lũ quét, sạt lở đất.

Thông tin ban đầu cho thấy, mưa lũ đã làm 2 người thiệt mạng, 3 người mất tích. Nhiều công trình, nhà cửa, tài sản của nhà nước và người dân bị hư hại. Chính quyền và cơ quan, đơn vị các địa phương đã kịp thời khắc phục hậu quả.

Tại Sơn La, ngày 26/7, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh cho biết, ngày 25/7 mưa to kéo dài trên địa bàn huyện Mường La đã gây ra lũ quét trên suối Nậm Păm và suối Mường Bú, xã Mường Bú, huyện Mường La, làm cháu Quàng Văn Quyên, tám tuổi ở bản Pú Nhuổng, xã Mường Bú bị chết do bị lũ cuốn trôi và nhiều nhà cửa hư hỏng.

Ngoài ra, tại xã Mường Bú, lũ quét đã cuốn trôi hoàn toàn 3 ngôi nhà, 1 ngôi nhà khác bị sạt lở, nhiều diện tích canh tác bị vùi lấp, 20 hộ dân phải di chuyển đến nơi ở mới để tránh lũ. Mưa lũ đã làm một cây cầu treo ở xã Ít Ong bị hư hỏng nặng; tuyến đường từ thị trấn Mường La đi xã Ngọc Chiến, huyện Mường La bị sạt lở nhiều đoạn.

5 người chết và mất tích vì bão số 4 - 1

Nạo vét, dọn dẹp bùn đất ứ đọng sau lũ (Ảnh minh họa)

Sau khi nhận được tin lũ quét xảy ra, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Sơn La và huyện Mường La đã huy động lực lượng quân đội, công an ứng cứu, giúp đỡ người dân ở các khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ quét tháo dỡ nhà cửa, vận chuyển đồ đạc đến vị trí an toàn.

Cơ quan chức năng đã bố trí nơi ở cho người dân, đồng thời cử cán bộ túc trực hai bên cầu tràn qua suối Nậm Păm, không cho người dân qua lại khi nước lũ chưa rút để đảm bảo an toàn. Huyện Mường La đã đến thăm hỏi và hỗ trợ các nạn nhân và gia đình bị nạn.

Tại Hà Giang, Trung tá Trần Văn Mạnh, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Lũng Làn, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang cho biết, mưa lớn kéo dài từ đêm 24/7 đến sáng 26/7 đã làm hai vợ chồng người dân tộc Xuồng bị mất tích vào rạng sáng 26/7 là ông Lèng Văn Triều 48 tuổi cùng vợ là bà Chảo Thị Thào 55 tuổi, thường trú tại xóm Phe Thán, xã Sơn Vĩ, huyện Mèo Vạc. Mưa lớn còn làm sập hai nhà dân ở địa phương này.

Ngay sau khi nhận được thông tin, lãnh đạo Đồn Biên phòng Lũng Làn đã huy động cán bộ, chiến sỹ phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương khẩn trương tìm kiếm người mất tích, khắc phục hậu quả. Hiện ở xã Lũng Làn, mưa vẫn rất to, công tác tìm kiếm người mất tích gặp rất nhiều khó khăn.

Tại Điện Biên, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 4, trên địa bàn tỉnh có mưa to đến rất to gây lũ quét và sạt lở đất.

Tính đến 13 giờ ngày 25/7, lượng mưa tại Trạm thủy văn Điện Biên đo được là 116mm. Hậu quả trận mưa từ 25-26/7 đã gây thiệt hại cho các công trình giao thông và diện tích lúa tại huyện Điện Biên trên 1 tỷ đồng.

Theo thông tin từ Văn phòng thường trực Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Điện Biên, địa phương bị ảnh hưởng nặng nhất là huyện Điện Biên.

Qua báo cáo nhanh của chính quyền cơ sở, tính đến 16 giờ ngày 25/7 đã có thống kê thiệt hại. Diện tích lúa bị ngập úng tại xã Thanh An là 5 ha; xã Sam Mứn là 30 ha; tuyến đường từ bản Pe Nọi đến bản C1B xã Thanh Luông bị ngập, sạt lở 30m.

Ngoài ra, đập chắn tại bản Pa Lếch (đội 11) xã Thanh Chăn bị vỡ gây ngập 1 ha lúa, đất vùi lấp 0,5 ha lúa; ngầm qua suối tại tuyến đường qua xã Núa Ngam trôi hoàn toàn; ngầm Na Phay xã Mường Nhà nước dâng, đang gia cố cầu tạm.

Hiện tại, Ủy Ban Nhân dân huyện Điện Biên đã chủ động tổ chức đoàn kiểm tra hiện trường và đưa ra giải pháp khắc phục hậu quả trước mắt. Huyện Điện Biên cũng đề nghị Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương; Ủy Ban Nhân dân tỉnh Điện Biên hỗ trợ kinh phí cho huyện Điện Biên để khắc phục hậu quả thiên tai.

Tại Lào Cai, do ảnh hưởng của mưa lớn, trên đoàn đường từ thành phố Lào Cai đi Sa Pa đã sạt lở 4 điểm tại tỉnh lộ 155 gây ách tắc giao thông nhiều giờ. Tại xã Sa Pả, huyện Sa Pa lũ bất ngờ đã cuốn trôi ba con trâu.

Theo ông Phạm Đức Dũng, Thường Văn phòng Ban phòng chống lụt bão tỉnh Lào Cai, tại Km 109 + 200, 50 quốc lộ 4D đoạn qua địa phận xã Chung Chải huyện Sa Pa và Km 119 + 150 thuộc xã Toòng Sành, huyện Bát Xát vào đêm 25 rạng 26/7 đã sạt lở đất với khối lượng lớn.

Tuy nhiên, đây chỉ là bùn nhão nên đã được các đơn vị trực trên tuyến này phối hợp cùng người dân địa phương nạo vét thông đường trong sáng 26/7, không để ảnh hưởng đến khách du lịch lên Sa Pa cũng như từ Lào Cai đi Lai Châu.

Đặc biệt, tại thôn Thác, xã Cam Đường, thành phố Lào Cai, lũ cuốn trôi hai người, trong đó có một người chết và một người mất tích. Tại xã Dìn Chin và Bản Lầu, huyện Mường Khương, sạt lở đất đá làm hư hại 4 nhà dân.

Còn vào chiều ngày 25/7 tại tuyến tỉnh lộ 153 từ Lào Cai đi Si Ma Cai đã xảy ra sạt lở ta luy dương khu vực xã Mản Thẩn với khối lượng lớn, gây ách tắc tuyến đường này khoảng bốn tiếng, đến 21 giờ cùng ngày mới thông tuyến.

Cũng tại địa phận Bắc Hà, hai xã Lùng Cải và Tà Chải đã có thiệt hại về nhà cửa do sập đất. Hiện Ban chỉ huy tìm kiếm cứu nạn-phòng chống lụt bão tỉnh Lào Cai tiếp tục huy động lực lượng tìm kiếm người mất tích và di dời các hộ dân ra khỏi vùng sạt lở và có nguy cơ sạt lở cao.

Ủy Ban Nhân dân tỉnh Lào Cai đã gửi công điện khẩn đến tất cả các Ban ngành, địa phương và người dân cảnh báo các sông, suối đang xuất hiện lũ, biên độ dao động từ 2 đến 3m.

Tại các khu vực miền núi Sa Pa, Bắc Hà, Mường Khương, Bát Xát... có địa hình phức tạp, độ dốc lớn cần đề phòng lũ lớn, lũ quét, sạt lở đất đá, ngập úng sâu tại vùng thấp, vũng trũng, vùng cửa sông, suối. Do vậy, các đơn vị cần trực ban nghiêm túc 24/24h, theo dõi chặt chẽ, chỉ đạo kịp thời các biện pháp phòng chống lụt bão.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo TTXVN
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN