4 thợ lặn chết ngạt: Công ty chủ quan?

Bốn thợ lặn tử vong do nhiễm khí Hydro sunfua quá nặng khi đang trục vớt tàu hàng Onnekas One tại vùng biển xã Thanh Vinh, huyện Phú Vang (Thừa Thiên – Huế).

Sự việc đau lòng này xảy ra như một ác mộng báo trước vì các thợ lặn không được trang bị dụng cụ phòng độc; còn chủ doanh nghiệp Công ty TNHH Trục Vớt thì nói… không lường trước tình huống.
 
Chết vì ngạt khí độc

Sự việc xảy ra vào trưa ngày 18/6, 4 thợ lặn của Công ty TNHH Trục Vớt gồm: Anh Võ Văn Thuận (38 tuổi trú Đồng Tháp) Văn Công Thang (33 tuổi, trú Đồng Tháp), Phan Văn Mạnh (39 tuổi, trú huyện Bến Lức, Long An) và Phan Văn Hiệp (19 tuổi, trú tỉnh Tiền Giang) trong quá trình bơm nước trong khoang ballas ra ngoài thì bị nạn. Theo điều tra, ban đầu anh Thuận nhảy xuống khoang ballas để kiểm tra vòi bơm thì bị ngạt thở, la thét vẫy vùng. Nghe tiếng anh Thuận kêu cứu, anh Thang lập tức nhảy xuống khoang tàu để ứng cứu và cũng bị ngạt khí độc. Tiếp đó, anh Mạnh, anh Hiệp cùng nhảy xuống khoang để ứng cứu đều tử vong.

Đến cuối giờ chiều ngày 19/6, lực lượng chức năng gồm Công binh thuộc Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Thừa Thiên - Huế, công an và biên phòng tỉnh Thừa Thiên - Huế phối hợp Phân viện Bảo hộ lao động và Bảo vệ môi trường tại miền Trung – Tây Nguyên đã đưa được thi thể thợ lặn cuối cùng là anh Võ Văn Thuận ra ngoài. Sau đó, lực lượng chức năng lấy mẫu nước, mẫu khí trong khoang tàu, nơi các nạn nhân tử vong để đưa về xét nghiệm. Tối cùng ngày, thi thể nạn nhân được đưa lên Cảng Thuận An ở thị trấn Thuận An (Phú Vang) để mổ khám nghiệm tử thi.

4 thợ lặn chết ngạt: Công ty chủ quan? - 1

Thả vịt vào khoang ballas để kiểm tra khí độc và con vịt chết ngay sau đó. Ảnh: Đ.H

Ông Nguyễn Việt Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên – Môi trường tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, theo kết quả khảo sát ban đầu tại hiện trường, các khoang ballas của tàu Onnekas One nhiễm khí gas rất cao, trong đó nồng độ khí Hydro sunfua (H2S) rất đậm đặc.

Vì vậy, khi lực lượng chức năng thả vịt vào khoang ballas, nơi có thi thể anh Thuận để kiểm tra nồng độ khí độc thì con vịt này chết ngay tức khắc. “Kết quả khám nghiệm chính thức hiện trường sẽ có trong vài ngày tới, tuy nhiên nếu muốn tiếp tục trục vớt con tàu này thì phải xử lý các khí độc, nếu không sẽ tiếp tục gây hậu quả nặng”, ông Hùng cho biết.
 

Không có thiết bị phòng độc

Theo Thượng tá Lê Văn Phương, Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Thừa Thiên-Huế, lực lượng chức năng vẫn đang tiếp tục phong tỏa hiện trường, yêu cầu các lao động không được tiếp cận con tàu Onnekas One.

“Nguyên nhân chết do bị nhiễm khí Hydro sunfua quá nặng, trong khi các thợ lặn quá chủ quan. Hiện cơ quan chức năng đã tiến hành khám nghiệm tử thi, đưa ra kết luận nguyên nhân chết của các thợ lặn mới có thể khởi tố vụ án hay không”, ông Phương cho biết.

Trong ngày 19/6, lực lượng chức năng tiếp tục lấy lời khai của những người liên quan. Theo lời khai của ông Từ Minh, Giám đốc Công ty TNHH Trục Vớt, có địa chỉ tại thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức (Long An) – đơn vị trực tiếp trục vớt tàu Onnekas One, công ty ông có hợp đồng trục vớt chiếc tàu này với Công ty TNHH một thành viên đóng tàu Sài Gòn từ giữa tháng 3/2013. Cách đây gần 1 tháng, ông Minh điều 29 người, trong đó có 6 thợ lặn theo xà lan ra vùng biển Vinh Thanh để tiến hành trục vớt.

Trong số 4 thợ lặn tử vong, theo ông Minh thì tất cả đều có hợp đồng lao động. Tuy nhiên, làm việc với cơ quan chức năng, ông Minh vẫn chưa thể cung cấp các bản hợp đồng lao động và các tín chỉ đào tạo nghề lao động cho cơ quan chức năng.

“Chúng tôi cũng biết tàu này chuyên chở dầu, bị cháy và gãy làm đôi trong khi đang trên đường di chuyển từ Singapore qua Trung Quốc sửa chữa hồi cuối năm 2012. Nhưng khi đến khảo sát chúng tôi không cho người vào trong các khoang ballas nên chẳng biết có khí độc”, ông Minh lý giải.

Ông Minh còn khẳng định: “Phương pháp của chúng tôi là khoan cắt lỗ ở các khoang ballas sau đó đưa máy bơm vào hút nước chứ thợ lặn không vào trong các khoang nên cũng không trang bị thiết bị phòng độc cho thợ làm gì. Không ngờ trong đó có khí độc và tôi không biết lý do gì mà thợ lặn vào trong nên xảy ra sự việc như thế”.

Được biết, Công ty TNHH Trục Vớt hỗ trợ mỗi nạn nhân thiệt mạng 75 triệu đồng để gia đình đưa về quê mai táng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Đức Hoàng - Quang Minh (Gia đình & Xã hội)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN