HIV/AIDS và những điều chưa biết!
HIV không phải là tệ nạn xã hội mà chỉ là một căn bệnh mạn tính. Có rất nhiều người nhiễm HIV thụ động đang bị xã hội kì thị bất công.
1. HIV không phải là tệ nạn xã hội mà chỉ là một căn bệnh mạn tính. Có rất nhiều người nhiễm HIV thụ động đang bị xã hội kì thị bất công.
Trong quá trình đi cộng đồng, chúng tôi được biết đến rất nhiều mảnh đời thiếu may mắn:
- Các em nhỏ vừa chào đời đã nhiễm HIV từ mẹ nhiễm HIV mà không điều trị dự phòng
- Những người vợ nhiễm HIV do lây từ chồng nhiễm HIV
- Các bác sĩ làm việc tại các phòng điều trị, khám nội, giải phẫu… vô tình tiếp xúc phải máu nhiễm bệnh trong quá trình hành nghề
- Nhân viên vệ sinh môi trường trong quá trình làm việc bị kim tiêm dính máu nhiễm HIV đâm phải
- Công an, nhân viên các trại tạm giam bị phơi nhiễm HIV trong khi làm nhiệm vụ từ các đối tượng, phạm nhân, học viên nhiễm HIV
- Bất cứ ai đều có nguy cơ phơi nhiễm HIV nếu không cẩn thận hoặc rủi ro tai nạn nghề nghiệp. Hãy tự cập nhật kiến thức về HIV và các con đường lây truyền để tự bảo vệ mình.
2. Đã có thuốc điều trị HIV
HIV được xác định là nguyên nhân gây ra AIDS ở người vào năm 1983 và đến năm 1987, thuốc ARV điều trị HIV đầu tiên đã được sử dụng.
Tuy nhiên, đến đầu thế kỷ 21, các nước có thu nhập thấp và trung bình vẫn gặp nhiều hạn chế trong việc tiếp cận thuốc ARV điều trị HIV/AIDS. Lý do chủ yếu là vì giá thuốc ARV rất cao và luật bản quyền quốc tế khiến thuốc ARV chưa được sản xuất đại trà với giá rẻ.
Đến năm 2001, luật giao thương quốc tế với các điều khoản đặc biệt đã cho phép các nước đang phát triển được sản xuất thuốc với chức năng kháng vi rút tương tự, phục vụ cho lợi ích của cộng đồng. Điều này giúp việc điều trị HIV/AIDS bằng thuốc ARV có thể được nhân rộng ra trên quy mô toàn cầu.
Tại Việt Nam, thuốc ARV đã được cấp phát rộng rãi và miễn phí tại từ năm 2004. Thành công mà thuốc ARV mang lại là sự hồi sinh những cuộc đời về mặt sức khỏe, thể chất lẫn tinh thần.
3. Thành công ban đầu của điều trị HIV bằng thuốc ARV
- Giảm 50% trường hợp chuyển sang giai đoạn tử vong
- Cải thiện chất lượng cuộc sống, giúp họ tự lao động, nuôi sống bản thân và đóng góp cho xã hội
- Điều trị sớm, liên tục và thường xuyên làm giảm khả năng lây nhiễm HIV trong cộng đồng và giảm chi phí cho các hoạt động dự phòng lây nhiễm
- Giảm lây nhiễm HIV từ mẹ sang con (giảm tỷ lệ xuống dưới 2%), giúp duy trì nòi giống, góp phần tạo ra thế hệ tương lai khỏe mạnh cả về thể chất và tinh thần
- Giảm lây nhiễm HIV qua quan hệ tình dục (giảm tỷ lệ xuống dưới 4%)*
- Giảm nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội (như viêm phổi, nhiễm trùng đường tiêu hóa ruột, nhiễm nấm…)
Cứ 10 người được điều trị sớm thì cắt giảm được 9 nguồn lây bệnh
- Tiết kiệm cho Chính phủ chi phí kiểm soát dịch và chi phí đầu tư điều trị cho các trường hợp bệnh nhân nhiễm mới, mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội hoặc bị kháng thuốc dẫn đến việc phải điều trị bằng các phác đồ bậc cao đắt tiền hơn
4. Đảm bảo tài chính bền vững cho điều trị HIV bằng thuốc ARV – Hướng đến một xã hội không còn AIDS
Từ nay đến hết năm 2017, thuốc ARV vẫn được cấp phát miễn phí. Sau năm 2017, Việt Nam chưa có cam kết quốc tế tài trợ cho thuốc ARV. Chính phủ Việt Nam và công đồng cần chủ động trong việc đảm bảo tài chính bền vững cho điều trị HIV/AIDS bằng thuốc ARV. Những giải pháp cần thực hiện như sau:
1. Trước mắt, chính phủ Việt Nam hoạch định ngân sách chi thường xuyên, khuyến khích đóng góp nguồn ngân sách từ các cấp, bù đắp vào con số thiếu hụt do cắt giảm tài trợ.
2. Các cơ quan có trách nhiệm thực hiện quá trình chuyển giao dự án bền vững, kế thừa những thành quả đạt được từ các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS được tài trợ từ nguồn quốc tế.
3. Bộ Y tế kết hợp với các bộ ngành liên quan xây dựng cơ chế đấu thầu, mua sắm thuốc ARV tập trung với giá rẻ và phân phối thuốc ARV đến các cơ sở cấp phát thuốc một cách hiệu quả. Về lâu dài, hướng đến cơ hội sản xuất thuốc ARV trong nước
4. Bảo hiểm Xã hội Việt Nam tăng cường kiện toàn cơ chế chi trả cho thuốc và dịch vụ điều trị HIV/AIDS, đặc biệt là thuốc ARV và các thuốc chữa trị các bệnh nhiễm trùng cơ hội cho bệnh nhân HIV.
5. Người nhiễm HIV/AIDS cần nhận thức được tầm quan trọng của bảo hiểm y tế và các lợi ích mà bảo hiểm y tế mang lại cho việc điều trị ARV, tự vượt qua mặc cảm xã hội để tiếp cận đăng ký các dịch vụ mà bảo hiểm y tế mang lại.
6. Gia đình và xã hội của những người nhiễm HIV/AIDS cần tự nâng cao nhận thức và cập nhật kiến thức về căn bệnh HIV cũng như các phương pháp điều trị, giảm thiểu hành vi và thái độ phân biệt đối xử trong đời sống thường ngày lẫn nơi công sở; tạo điều kiện đón nhận người nhiễm HIV đóng góp cho cộng đồng và xã hội.
*Theo số liệu của Cục phòng, chống HIV/AIDS