Bệnh ung thư phổi: Thực trạng và cơ hội

Tại Việt Nam, ung thư phổi là căn bệnh có tỷ lệ tử vong cao đứng thứ hai chỉ sau ung thư gan. Năm 2020, nước ta ghi nhận 26.262 ca mắc mới, trong đó 23.797 ca tử vong do ung thư phổi.

Bệnh ung thư phổi: Thực trạng và cơ hội - 1

Có rất nhiều yếu tố nguy cơ liên quan đến nguy cơ gây ung thư phổi. Có thể kể đến như: môi trường làm việc độc hại, lạm dụng rượu bia, chế độ ăn uống không lành mạnh, thường xuyên tiếp xúc khói bụi,…Đáng chú ý nhất là hút thuốc lá, gồm cả bị động và chủ động bởi có đến 80-90% người bệnh ung thư phổi có liên quan đến hút thuốc lá. Theo WHO, Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ hút thuốc cao nhất thế giới với 56,1% nam giới và 1,8% nữ giới.

Các dấu hiệu ban đầu của căn bệnh này như: ho, khó thở, đau ngực, mệt mỏi, chán ăn,… rất dễ gây nhầm lẫn với một số bệnh lý đường hô hấp khác, dẫn đến việc điều trị không đúng phương pháp. Bên cạnh đó, nhận thức về bệnh và thói quen tầm soát sớm ung thư vẫn còn hạn chế khiến đa số người bệnh được phát hiện ở giai đoạn muộn.

Bệnh ung thư phổi: Thực trạng và cơ hội - 2

Ung thư phổi có chữa được không?

Hiện nay, nhiều phương pháp khác nhau đang được áp dụng để điều trị ung thư phổi như phẫu thuật, xạ trị, hóa trị, điều trị trúng đích và liệu pháp miễn dịch. Việc điều trị bệnh theo phương pháp nào còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố như giai đoạn bệnh, tình hình phát triển, loại ung thư phổi...

Lúc này, người bệnh cần được bác sĩ giải thích và nắm rõ các mục tiêu của phương án điều trị, cũng như những tác động ảnh hưởng có thể xảy đến với người bệnh. Mục tiêu điều trị phải đảm bảo nhận được sự đồng ý chấp thuận từ cả hai phía là người bệnh và nhân viên y tế.

Điều trị ung thư phổi có khả năng thành công cao và chi phí thấp chỉ khi bệnh nhân phát hiện bệnh sớm. Do đó, những người hút thuốc hoặc sống, làm việc trong môi trường khói bụi hay môi trường đặc thù cần tham gia tầm soát ung thư phổi định kỳ. Việc phát hiện bệnh từ sớm không chỉ đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao tiếp cận điều trị mà còn giảm thiểu nỗi lo tài chính cho bệnh nhân.

Việc điều trị ung thư nói chung và ung thư phổi nói riêng hiện đang là nỗi lo của bệnh nhân với nhiều khoản chi phí khác nhau như viện phí, chi phí ăn uống, đi lại,...đặc biệt là chi phí thuốc. Đối với bệnh nhân phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn, việc điều trị thậm chí còn khó khăn và tốn kém hơn. Vì vậy, để dành một khoản chi phí dự phòng cũng như tham gia bảo hiểm y tế sẽ phần nào làm giảm gánh nặng chi phí cho người bệnh cũng như gia đình trong suốt quá trình điều trị ung thư.

Song song đó, nhằm đồng hành cùng bệnh nhân trong quá trình điều trị, các chương trình hỗ trợ thuốc miễn phí một phần cho bệnh nhân ung thư phổi đang được triển khai tại một số cơ sở khám, chữa bệnh có chuyên khoa ung bướu trên cả nước. Chương trình nhằm mục tiêu chia sẻ gánh nặng điều trị, giúp bệnh nhân ung thư phổi viết tiếp câu chuyện ước mơ của bản thân.

Nguồn: [Link nguồn]

Chia sẻ
Gửi góp ý
([Tên nguồn]) .
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN