Vụ nổ núi lửa khủng khiếp nhất, làm mất mùa hè và 80.000 người chết

Vụ nổ này mạnh gấp 14 lần so với vụ nổ bom Sa Hoàng – vũ khí hạt nhân mạnh nhất từng được phát nổ bởi Liên Xô năm 1961.

Vụ nổ núi lửa khủng khiếp nhất, làm mất mùa hè và 80.000 người chết - 1

Vụ nổ núi lửa Tambora ở Indonesia năm 1815 từng khiến khoảng 80.000 người thiệt mạng (Ảnh minh họa)

Trong lịch sử thế giới có những vụ nổ khủng khiếp với sức công phá như bom hạt nhân, khiến hàng trăm, hàng nghìn người chết ngay lập tức. Loạt bài dưới đây viết về những vụ nổ như vậy, dù nhân tạo hay tự nhiên cũng gây ra hậu quả tàn phá kinh hoàng.

Hơn 200 năm trước, hòn đảo Sumbawa ở Indonesia từng phải hứng chịu một vụ nổ khủng khiếp. Núi Tambora – ngọn núi cao nhất đảo – đã phát nổ với sức công phá khoảng 1.000 triệu tấn TNT, theo Live Science.

Đây là vụ nổ núi lửa lớn nhất lịch sử, theo NASA, khiến khoảng 10.000 người chết trực tiếp vì sức mạnh tàn phá của nó. Ngoài ra, khói bụi của vụ phun trào gây ra biến đổi khí hậu toàn cầu, tạo nên Năm Không Có Mùa Hè (1816), phá hủy mùa màng và khiến khoảng 70.000 nghìn người khác thiệt mạng trên toàn thế giới.

Vụ nổ khủng khiếp

Ngày 10.4.1815, núi Tambora phát nổ, phun ra dung nham nóng chảy, khói bụi dày đặc và các hòn đá có đường kính lên đến 20cm.

Tiếng nổ có thể được nghe thấy ở đảo Sumatra, cách xa ngọn núi 2.600km, theo Listverse. Trang báo này nhận định vụ nổ Tambora mạnh gấp 14 lần so với vụ nổ bom Sa Hoàng – vũ khí hạt nhân mạnh nhất từng được phát nổ bởi Liên Xô năm 1961.

Theo chỉ số nổ núi lửa, vụ nổ Tambora được xác định có thang 7, nghĩa là siêu khổng lồ. Hơn 140 tỷ tấn  mắc ma được phun ra. Một cột khói khổng lồ bốc lên cao tới 43km, nghĩa là tới tầng bình lưu. Theo NASA, khói bụi từ vụ nổ bay xa ít nhất 1.300 km về phía tây bắc.

Vụ nổ núi lửa khủng khiếp nhất, làm mất mùa hè và 80.000 người chết - 2

Cột khói khổng lồ bốc lên từ vụ nổ cao tới 43km, nghĩa là tới tầng bình lưu (Ảnh minh họa)

Vụ nổ còn gây ra sóng thần với chiều cao 4-5m và thiệt hại đất đai rộng lớn. Toàn bộ làng Tambora bị xóa sổ. Người dân địa phương chết vì mắc ma, dung nham, sóng thần và lốc xoáy xảy ra sau vụ nổ.

Trước vụ phun trào, núi Tambora cao 4,3 km nhưng sau đó, nó chỉ cao 2,85km, theo Listverse.

Sau vụ nổ lớn nhất, Tambora tiếp tục phát nổ nhưng với cường độ nhỏ hơn trong vài tháng sau. Theo trang Schoolwork Helper, ngày núi lửa ngừng phun trào là ngày 15.7.1815, tức là hơn 3 tháng sau vụ nổ đầu tiên.

Năm Không Có Mùa Hè

Ảnh hưởng rộng lớn và chết chóc nhất của vụ nổ Tambora là những gì mà các nhà sử học gọi là “Năm Không Có Mùa Hè”, đề cập đến hiện tượng giảm nhiệt toàn cầu vào năm sau vụ phun trào.

Tro bụi của núi lửa bao phủ đất đai, phá hủy cây trồng, giết chết vật nuôi và làm ô nhiễm nguồn nước. Không chỉ thế, lớp tro dày còn che Mặt Trời, khiến mùa hè biến mất, theo các nhà khoa học.

Năm 1816 trở thành năm lạnh thứ 2 trong lịch sử thế giới. Tuyết rơi giữa tháng 6 ở New York, và sông đóng băng vào tháng 7 ở Pennsylvania, Mỹ.

Vụ nổ núi lửa khủng khiếp nhất, làm mất mùa hè và 80.000 người chết - 3

Tro bụi của núi lửa còn che Mặt Trời, khiến mùa hè biến mất (Ảnh minh họa)

Năm 1920, nhà khí hậu học người Mỹ William J Humphreys đưa ra lời giải thích chi tiết cho hiện tượng này. Humphreys cho rằng vụ phun trào đã thổi tro bụi vào tầng bình lưu. Ở đây, gió thổi tung tro bụi ra toàn thế giới. Đám mây bụi này tạo ra một “màn hình”, phản chiếu lại nhiệt lượng từ Mặt Trời. Bằng chứng là tuyết màu nâu đỏ đã rơi ở Hungary và Italy, được cho là do tro núi lửa trong khí quyển.

Ảnh hưởng đến dân số toàn cầu

Ảnh hưởng của “Năm Không Có Mùa Hè” có thể được nhìn thấy trên khắp bắc bán cầu. Ở Bắc Mỹ, băng giá vào tháng 6, tháng 7 và tháng 8 giết tất cả cây trồng. Ở Pháp và Đức, các vườn nho và ngô gần như bị xóa sổ hoàn toàn. Ở Trung Quốc, sản lượng gạo ở mức thấp và tuyết mùa hè xuất hiện ở nhiều nơi.

Hậu quả là nạn đói rộng khắp, đặc biệt là ở châu Âu, và dịch bệnh bùng phát. Cần lưu ý rằng trước vụ nổ Tambora, châu Âu vẫn đang phục hồi từ chiến tranh. Do vậy, vụ phun trào khiến mọi thứ tồi tệ hơn khi nhiều quốc gia vốn đã ở trong tình trạng “mong manh”. Ước tính con số thiệt mạng ở châu Âu sau vụ nổ Tambora là khoảng 200.000 người, do nạn đói và một dịch sốt phát ban ở Ireland.

Vụ nổ núi lửa khủng khiếp nhất, làm mất mùa hè và 80.000 người chết - 4

Núi Tambora ngày nay là điểm đến thường xuyên của khách du lịch

Núi Tambora ngày nay

Núi Tambora hiện vẫn được phân loại là núi lửa đang hoạt động. Lần phun trào cuối cùng của nó là vào năm 1967 nhưng rất nhỏ, với chỉ số nổ núi lửa là 0.

Khách du lịch thường xuyên ghé thăm Tambora và đôi khi còn leo núi mặc dù đây không phải điều dễ dàng.

Kể từ vụ phun trào năm 1815, dân số ở khu vực xung quanh núi ngày càng gia tăng khi dân số Indonesia đạt 222 triệu người vào năm 2006.

Một vụ phun trào với độ lớn như năm 1815 giờ có thể sẽ gây tàn phá nhiều hơn rất nhiều. Vì thế, hoạt động của núi lửa luôn được theo dõi chặt chẽ.

Vụ nổ tàu lớn nhất lịch sử, giết 2000 người, san phẳng cảng biển

Hàng chục nghìn cửa sổ bị vỡ so sức mạnh của sóng xung kích. Các mảnh kính bắn vào mặt người dân. 37 người bị mù...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Trà My - Tổng hợp ([Tên nguồn])
Thời sự thế giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN