Vụ chiến đấu cơ Mỹ-Trung đâm nhau khiến Trung Quốc “thức tỉnh”

Phi công lái chiến đấu cơ Trung Quốc Wang Wei tử nạn khi va chạm với một máy bay do thám Mỹ vào năm 2001 và vụ việc đã khiến quân đội Trung Quốc phải thay đổi, đặc biệt là với không quân và hải quân.

Vụ chiến đấu cơ Mỹ-Trung đâm nhau khiến Trung Quốc “thức tỉnh” - 1

Phi công Wang Wei lái chiếc J-8 va chạm với máy bay Mỹ và đâm xuống biển năm 2001.

Theo tờ Bưu điện Hoa nam Buổi sáng (SCMP), không còn nhiều người nhớ đến phi công Wang Wei, 33 tuổi, tử nạn cách đây 18 năm khi máy bay do phi công này điều khiển va chạm với máy bay Mỹ gần đảo Hải Nam.

Vụ việc là một trong những lý do chính khiến Trung Quốc “thức tỉnh” để hiện đại hóa quân đội, đặc biệt là hải quân và không quân với tốc độ chóng mặt.

Vụ việc xảy ra vào ngày 1.4.2001, khi máy bay trinh sát Mỹ bị hai chiến đấu cơ Trung Quốc áp sát. Chiếc J-8 của phi công Wang va chạm với chiếc EP-3E của Mỹ và lao xuống biển. Phi công này tử nạn khi cố gắng khởi động ghế phóng để nhảy dù.

“Cái chết của anh ấy chỉ đơn thuần là tai nạn, nhưng nó đã khiến quân đội Trung Quốc thay đổi”, Zhou Chenming, chuyên gia quân sự ở Bắc Kinh nói. “Những gì xảy ra 18 năm trước đã khiến Trung Quốc hiện đại hóa quân đội như ngày nay”.

Theo ông Zhou, toàn bộ các chiến đấu cơ J-8 sau đó đã bị thay thế bằng các phiên bản J-10 và J-11 tiên tiến hơn. Trung Quốc cũng đầu tư vào việc trang bị cho máy bay nhiều tính năng, bao gồm nâng cấp khả năng thoát hiểm.

“Trung Quốc đã xây dựng mạng lưới tuần tra sâu rộng ở khu vực vùng biển lân cận. Chiến đấu cơ J-11 ngày nay đóng vai trò quan trọng trong cuộc đối đầu với các thế lực bên ngoài”, ông Zhou nói.

Chuyên gia Li Jie thì cho rằng, vụ việc khiến Trung Quốc phải tăng cường hoạt động phòng thủ ven bờ. “Trung Quốc không xử lý tình huống một cách an toàn và chuyên nghiệp khi vụ va chạm xảy ra. Điều này đã được đưa vào chiến lược quốc phòng”, ông Li nói.

Vụ việc đã dẫn đến 11 ngày căng thẳng trong quan hệ Mỹ-Trung. Trung Quốc bắt giữ toàn bộ 24 thành viên trên máy bay trinh sát Mỹ, khi máy bay này hạ cánh khẩn cấp xuống đảo Hải Nam.

Trong những năm qua, Trung Quốc và Mỹ không ngừng đưa các tàu chiến, máy bay áp sát nhau ở khu vực nhạy cảm trên Biển Đông và biển Hoa Đông.

“Trung Quốc ngày nay có máy bay hiện đại hơn, đã thiết lập các phương án đối phó rõ ràng và chi tiết hơn với các hành động gây hấn từ Mỹ”, ông Li giải thích.

“Vụ va chạm năm 2001 đã dạy cho Trung Quốc bài học. Đó là một quốc gia hùng mạnh không chỉ dựa vào kinh tế, mà còn cần mội quân đội mạnh tương xứng”, ông Li nói. “Đó là sức mạnh tổng hợp quốc gia”.

Năm 2017, hai chiến đấu cơ Su-30 Trung Quốc mua của Nga đã áp sát máy bay Mỹ chỉ cách 45 mét. Một máy bay Trung Quốc còn bay lộn ngược khi áp sát máy bay Mỹ ở biển Hoa Đông.

Theo chuyên gia Zhou Chenming, những vụ việc như sự cố ở đảo Hải Nam rất khó có thể lặp lại. “Quân đội Trung Quốc đã biết cách đối phó với Mỹ một cách chuyên nghiệp và an toàn hơn”.

Thông điệp ”lạnh” của TQ khi đưa chiến đấu cơ vượt ranh giới ở eo biển Đài Loan

Các chuyên gia cho rằng việc hai chiến đấu cơ Trung Quốc vượt qua vượt qua ranh giới phân định giữa Đài Loan và Trung Quốc...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Đăng Nguyễn - SCMP ([Tên nguồn])
Vũ khí quân sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN