Vị Tổng thống bị lấy mạng tại dinh thự

Có thông tin cho rằng, vị Tổng thống này bị tra tấn trước khi chết. Trước đó, ông bị cáo buộc liên quan đến vụ ám sát Tổng tham mưu trưởng quân đội một ngày trước đó.

João Bernardo Vieira từng là Tổng thống Guinea-Bissau.

João Bernardo Vieira từng là Tổng thống Guinea-Bissau.

Nhiều chính trị gia trên thế giới đã trở thành mục tiêu của các vụ ám sát bởi sự thù hận, bất đồng sâu sắc giữa các phe phái, đôi khi từ chính những người thân cận nhất. Loạt bài này dài kỳ này sẽ điểm lại các vụ ám sát chính trị gia từng gây rúng động mà nay ít người biết đến.

Guinea-Bissau, quốc gia nhỏ bé ở Tây Phi với gần 2 triệu dân, trải qua sự kiện chấn động vào ngày 1 và 2.3.2009, theo Guardian.

Tối ngày 1.3, tướng Batista Tagme Na Waie, tổng tham mưu trưởng quân đội, bị ám sát ngay tại trụ sở. Rạng sáng ngày hôm sau, các binh sĩ trung thành với tướng Na Waie tấn công dinh tổng thống.

Tổng thống Guinea-Bissau, João Bernardo Vieira thiệt mạng khi đang tìm cách trốn khỏi dinh thự, phát ngôn viên quân đội ở thời điểm đó cho biết.

Tuy nhiên, một nguồn tin khác nói các nhà ngoại giao Angola đã tìm cách sơ tán Tổng thống Vieira và phu nhân tới lánh nạn ở đại sứ quán Angola. Nhưng ông Viera quyết định ở lại còn đệ nhất phu nhân được đưa đến nơi an toàn.

Một bác sĩ tham gia khám nghiệm tử thi ông Vieira, nói với truyền thông phương Tây rằng, Tổng thống “có dấu hiệu bị đánh đập, tra tấn” và bị kết liễu bởi một loạt đạn.

Frederick Forsyth, một tiểu thuyết gia người Anh, cũng có mặt ở Guinea-Bissau khi vụ tấn công xảy ra, mô tả chi tiết sự việc sau khi dùng bữa tối với một chuyên gia pháp y tham gia cuộc điều tra.

Forsyth nói: “Tổng thống Vieira bị thương trong một vụ nổ ở dinh thự, ông bị trúng đạn nhưng vẫn còn sống. Ông bị đưa đến một căn nhà khác. Ở đó, các binh sĩ tra tấn và đâm chết ông”.

Tổng thống Vieira và tướng Na Waie, hai nhân vật quyền lực nhất nắm quyền chỉ huy quân đội, được cho là đối thủ của nhau. Cả hai bị cáo buộc tham gia vào các đường dây buôn bán cocaine, đứng sau là các băng đảng Colombia.

Binh sĩ Guinea-Bissau cầm di ảnh tổng tham mưu trưởng Batista Tagme Na Waie.

Binh sĩ Guinea-Bissau cầm di ảnh tổng tham mưu trưởng Batista Tagme Na Waie.

Năm 2008, văn phòng Liên Hợp quốc từng cảnh báo Guinea-Bissau đang đứng trên bờ vực của nạn ma túy tràn lan.

Cả Tổng thống Vieira và tướng Na Waie đều từng thoát chết trong các vụ ám sát diễn ra vào cuối năm 2008.

Có những thông tin trái chiều về lý do bạo lực xảy ra. “Tổng thống Vieira bị sát hại bởi các binh sĩ quân đội khi đang cố gắng bỏ trốn khỏi dinh thự. NNhóm binh sĩ tấn công là những người trung thành với Tổng tham mưu trưởng Tagme Na Waie”, Zamora Induta, phát ngôn viên quân đội, khi đó cho biết. “Tổng thống bị cáo buộc là người đứng sau cái chết của ông Na Waie”.

Trong khi đó, tuyên bố của quân đội Guinea-Bissau qua radio đã bác bỏ thông tin các binh sĩ tấn công dinh tổng thống để trả đũa cái chết của tổng tham mưu trưởng.

Quân đội cũng khẳng định không có chuyện đảo chính và nhóm binh sĩ sát hại Tổng thống đã tự ý hành động.

Quân đội Guinea-Bissau khi đó tuyên bố tôn trọng hiến pháp, trong đó nêu rõ Chủ tịch Quốc hội là người kế nhiệm Tổng thống.

Một trong các cận vệ của tướng Na Waie nói tổng tham mưu trưởng mất mạng do một quả bom cài bên dưới cầu thang dẫn đến văn phòng làm việc ở trụ sở quân đội.

“Lúc 7 giờ 45 phút tối ngày 1.3.2009, chúng tôi đến tòa nhà”, người cận vệ giấu tên, nói qua điện thoại, theo Guardian. “Tướng Na Waie chỉ mới bước lên bậc cầu thang đầu tiên thì quả bom phát nổ. Lúc đó là khoảng 8 giờ tối”.

“Ông ấy bị thương nặng và không qua khỏi. Đây là tổn thất rất lớn”, phụ tá của tướng Na Waie, trung tá Bwam Nhamtchio, nói.

Vieira, khi đó 69 tuổi, từng nắm quyền không liên tục ở Guinea-Bissau trong gần 23 năm. Năm 1998, ông bị lật đổ trong một cuộc đảo chính, sống lưu vong ở nước ngoài trong 7 năm.

Binh sĩ Guinea-Bissau đưa linh cứu Tổng thống João Bernardo Vieira tới nơi an nghỉ.

Binh sĩ Guinea-Bissau đưa linh cứu Tổng thống João Bernardo Vieira tới nơi an nghỉ.

Ông quay trở lại Guinea-Bissau vào tháng 4.2005, hai năm sau khi người kế nhiệm Kumba Yala cũng bị lật đổ vì đảo chính. 

Xuất thân là một thợ điện, Viera trở thành thủ lĩnh cách mạng được người Trung Quốc đào tạo, chống lại ách đô hộ của Bồ Đào Nha, góp phần đưa đất nước độc lập vào năm 1973.

Trở lại quê hương, Viera nói ông là người “đem đến hòa bình”, tham gia cuộc bầu cử năm 2005 với tư cách ứng viên độc lập và giành chiến thắng.

Trong khi đó, tướng Na Waie, thủ lĩnh phe quân đội khi đó, liên tục có những bình luận công kích khi ông Viera tái xuất làm Tổng thống. Tháng 11.2008, Vieira từng thoát chết trong vụ tấn công bằng súng. Sau sự kiện này, Tổng thống Guinea-Bissau chọn đội ngũ 400 người làm cận vệ. 

Tháng 1.2009, nhóm cận vệ này bị cáo buộc tìm cách ám sát tướng Na Waie trong một vụ phục kích bất thành nhằm vào đoàn xe chở Tổng tham mưu trưởng.

Trước sức ép từ phía quân đội, ông Vieira phải giải tán đội ngũ cận vệ này.

Đất nước nghèo khó ở châu Phi là điểm trung chuyển chính của cocaine từ Nam Mỹ đến châu Âu. Một số sĩ quan quân đội cũng tham gia vào hoạt động buôn bán ma túy.

Ở thời điểm đó, các nhà quan sát đánh giá Guinea-Bissau chìm trong nạn tham nhũng, phe quân đội và chính phủ thi nhau làm giàu, hợp tác với các băng đảng ma túy từ Nam Mỹ, biến đất nước thành điểm trung chuyển cocaine sang châu Âu.

_______________________

Khi thấy cận vệ bước vào căn phòng, một Tổng thống châu Phi từng không chút nghi ngờ để rồi bị bắn chết. Vị Tổng thống đó là ai? Vì sao cận vệ trung thành lại ra tay lạnh lùng như vậy? Mời độc giả đón đọc bài kỳ 2 xuất bản lúc 0 giờ 30 phút ngày 15.7

Nguồn: [Link nguồn]

Lời khai gây sốc của nhóm sát thủ vụ Tổng thống Haiti bị ám sát

Một số người trong nhóm sát thủ gồm các cựu quân nhân Colombia và hai công dân Mỹ, được cho là đã khai với các nhà điều...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Đăng Nguyễn - Tổng hợp ([Tên nguồn])
Bí ẩn lịch sử thế giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN