Vì sao Trung Quốc không bao giờ chấp nhận Triều Tiên có vũ khí hạt nhân?

Một khi Trung Quốc chấp nhận Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân không những an ninh của chính nước này bị đe dọa mà Bắc Kinh cũng không có cách gì để ngăn Nhật - Hàn tăng tốc phát triển năng lực hạt nhân và tạo ra cuộc đua vũ trang trong khu vực.

Hôm 15/9, đại sứ Trung Quốc tại Mỹ, ông Thôi Thiên Khải nhấn mạnh Bắc Kinh sẽ không chấp nhận việc Bình Nhưỡng sở hữu vũ khí hạt nhân. 

Tuyên bố của ông Thôi được đưa ra sau khi một số chuyên gia nhận định, các nước trên thế giới nên chấp nhận việc Bình Nhưỡng sở hữu vũ khí hạt nhân. Từ đó, các nước cần đề ra chính sách đối ngoại tập trung vào việc làm thế nào để ngăn chặn Triều Tiên sử dụng loại vũ khí nguy hiểm này.

Vì sao Trung Quốc không bao giờ chấp nhận Triều Tiên có vũ khí hạt nhân? - 1

Trung Quốc lo sợ một ngày nào đó Triều Tiên sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân để tấn công nước này.

Song theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), Trung Quốc có 3 lý do để không bao giờ chấp nhận chính quyền của nhà lãnh đạo Kim Jong-un sở hữu vũ khí hạt nhân.

Thứ nhất, Trung Quốc lo sợ về một cuộc đua vũ trang trong khu vực. Giới quan sát cho rằng, chính quyền Bắc Kinh cực kỳ quan ngại nếu như quốc gia láng giềng Triều Tiên có hẳn một kho hạt nhân, sẵn sàng đe dọa tới an ninh của chính Trung Quốc. Bên cạnh đó, một khi Bình Nhưỡng sở hữu vũ khí hạt nhân, Trung Quốc sẽ không còn cách nào để ngăn cản Hàn Quốc và Nhật Bản phát triển năng lực hạt nhân.

Trong khi đó, chính sách hiện thời mà Hàn Quốc thi hành là theo đuổi một bán đảo Triều Tiên phi hạt nhân sau khi Seoul tình nguyện từ bỏ chương trình phát triển vũ khí hạt nhân vào thập niên 70. Song theo một số chuyên gia, Hàn Quốc vẫn duy trì năng lực kỹ thuật và thiết bị để tái khởi động chương trình sản xuất vũ khí hạt nhân khi cần.

Ngay cả khi căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên không ngừng gia tăng, giới chức Hàn Quốc vẫn khẳng định không thay đổi chính sách nhưng theo nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Charhar, ông Deng Yuwen, Seoul và Washington đã tiến hành thảo luận về việc tích hợp đầu đạn hạt nhân lên trên các tên lửa mà Mỹ đặt ở Hàn Quốc.

"Trung Quốc sẽ không còn lựa chọn nào khác là chấp nhận việc Hàn Quốc quay trở lại phát triển các loại vũ khí hạt nhân", ông Deng nói. 

Nguyên nhân thứ hai, Bắc Kinh lo rằng Hiệp ước cấm phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) sẽ bị xóa sổ trong khi Trung Quốc là một thành viên của hiệp ước này. Ngoài Trung Quốc, Nhật Bản và Mỹ cùng 185 quốc gia thành viên của Liên Hợp Quốc cũng đã ký kết tham gia NPT.

Do đó, việc Trung Quốc chấp nhận Triều Tiên với tư cách là một quốc gia hạt nhân sẽ gây ra sự bất ngờ bởi các quốc gia hạt nhân đang nổi như Ấn Độ và Pakistan đều không được NPT công nhận.

"Nếu các quốc gia hạt nhân đang nổi như Ấn Độ, Pakistan và Israel vẫn không được NPT công nhận là các nước sở hữu vũ khí hạt nhân, vậy tại sao Triều Tiên lại được xem là trường hợp ngoại lệ", ông Yue Gang, một đại tá nghỉ hưu và chuyên gia quân sự Trung Quốc nhận định. 

Thứ ba, theo ông Deng, chính quyền Triều Tiên được nhận định là luôn có những hành động "khó đoán" . Do đó, Trung Quốc lo sợ rằng một khi Triều Tiên cho thử nghiệm hàng loạt vũ khí hạt nhân, rò rỉ các chất phóng xạ nguy hiểm sang biên giới là điều khó tránh khỏi.

Thậm chí, trong tình huống xấu nhất, chính những loại vũ khí hạt nhân của Triều Tiên có thể chĩa hướng tấn công sang Trung Quốc.

"Nếu quan hệ Trung – Triều ngày càng xấu thêm, không ai có thể đảm bảo là chính quyền của nhà lãnh đạo Kim Jong-un không sử dụng vũ khí hạt nhân chống lại Trung Quốc", ông Deng chia sẻ.

Chia sẻ với SCMP, chuyên gia an ninh quốc tế tại Hội đồng Đại Tây Dương của Mỹ cho rằng: "Đây chính là lúc Mỹ cần nhắc nhở Trung Quốc rằng, tên lửa của Triều Tiên đang chĩa hướng tấn công về mọi phía". 

Vì sao Trung Quốc không bao giờ chấp nhận Triều Tiên có vũ khí hạt nhân? - 2

Hạm đội tàu chiến của hải quân Trung Quốc cập cảng Vladivostok để chuẩn bị tham gia diễn tập chung với Nga. 

Về phần mình, hôm 18/9, Bộ Ngoại giao Trung Quốc vẫn lên tiếng hối thúc các bên liên quan tới cuộc khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên tránh có những lời đe dọa quân sự làm xấu thêm tình hình và cần chuyển hướng sang thi hành các lệnh trừng phạt mới đây Liên Hợp Quốc (LHQ) đã áp đặt với Bình Nhưỡng.

Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc được công bố trước phiên họp thường niên của Đại Hội đồng LHQ. Theo giới chuyên gia, trong cuộc họp lần này, Mỹ sẽ tiếp tục gia tăng sức ép với Trung Quốc để Bắc Kinh có thêm nỗ lực kiềm chế Triều Tiên.

"Nghị quyết 2375 của Hội đồng Bảo an LHQ đã được thông qua. Các bên liên quan cần thi hành đầy đủ và nghiêm túc thực thi nghị quyết, tránh làm phức tạp thêm tình hình. Một số nước đã có những tuyên bố và hành động mang tính đe dọa. Việc làm này không những không giúp giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân mà còn khiến tình hình bán đảo Triều Tiên trở nên ngày càng căng thẳng", SCMP dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Lu Kang. 

Cũng trong ngày 18/9, quân đội Mỹ và Hàn Quốc đã cho triển khai cuộc tập trận ném bom. Trong đó, Mỹ đã điều động 2 oanh tạc cơ B-1B cùng 4 tiêm kích F-35 từ đảo Guam và Nhật Bản tới tham gia diễn tập cùng các chiến đấu cơ F-15K của Hàn Quốc.

Còn theo Tân Hoa Xã, Trung Quốc và Nga cũng đã bắt đầu tiến hành các cuộc tập trận chung hải quân ở khu vực phía đông thành phố cảng Vladivostok, khu vực phía nam biển Okhotsk và khu vực phía bắc Nhật Bản.

Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên tiếp tục tăng nhiệt sau vụ thử hạt nhân lần thứ 6 của Bình Nhưỡng vào ngày 3/9. Hôm 15/9, Triều Tiên còn cho phóng thêm một tên lửa đạn đạo tầm trung bay qua lãnh thổ Nhật Bản. 

Ngay trước phiên họp của Đại Hội đồng LHQ hôm 18/9, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson vẫn cho rằng, Trung Quốc nắm trong tay chìa khóa để giải quyết căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên bởi Bắc Kinh là nguồn cung cấp dầu mỏ chính cho Bình Nhưỡng.

Trước đó, Bắc Kinh khẳng định mấu chốt trong cuộc khủng hoảng hạt nhân hiện nay chính là những tranh cãi giữa Mỹ - Triều Tiên. Do đó, Washington có trách nhiệm tự giải quyết vấn đề.

Tờ People’s Daily cũng chỉ trích Mỹ đang cản trở nỗ lực giải quyết khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên. Theo tờ báo này, Washington không nên liên kết mối quan hệ kinh tế Mỹ - Trung với những nỗ lực buộc Bình Nhưỡng từ bỏ phát triển vũ khí hạt nhân. Ngoài ra, Mỹ cần ngừng yêu cầu Trung Quốc chịu trách nhiệm kiểm soát Triều Tiên.

Cũng theo tờ báo này, đàm phán là chìa khóa để giải quyết khủng hoảng. "Trung Quốc sẽ không bao giờ ủng hộ Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân nhưng Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc cần tránh những hành động khiến an ninh khu vực thêm bất ổn", People’s Daily viết.

Quan hệ “như răng với môi” của TQ với Triều Tiên đã hết?

Lãnh tụ Trung Quốc Mao Trạch Đông từng dùng hình ảnh “môi hở răng lạnh” để nói về tầm quan trọng chiến lược của...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Minh Thu - Lược dịch (Infonet)
Tin tức Triều Tiên Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN