Vì sao Mỹ vẫn khốn khổ vì Covid-19 dù dồi dào vaccine?

Sự kiện: Tin tức COVID-19

Là một trong những quốc gia có dự trữ vaccine tốt nhất thế giới, nhưng Mỹ chưa thể đạt tỉ lệ tiêm chủng tối thiểu để tạo miễn dịch cộng đồng.

Là một trong những quốc gia có dự trữ vaccine tốt nhất thế giới, nhưng Mỹ chưa thể đạt tỉ lệ tiêm chủng tối thiểu để tạo miễn dịch cộng đồng.

Trong khi đó, làn sóng dịch bệnh Covid-19 với biến chủng nguy hiểm hơn đang quay trở lại, số ca nhiễm tại Mỹ có xu hướng tăng cao.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến nghịch lý đó chính là những làn sóng ảo trên mạng xã hội được tạo ra bởi một bác sĩ 67 tuổi, mang theo những thông tin sai lệch về vaccine.

Bác sĩ Joseph Mercola

Bác sĩ Joseph Mercola

Phát tán thông tin sai lệch có hệ thống

Ngày 9/2, trên Facebook xuất hiện một bài viết dài 3.400 từ, tuyên bố vaccine phòng virus SARS-CoV-2 chỉ là “trò lừa đảo y tế” và cho rằng, việc tiêm phòng không có tác dụng phòng bệnh, tạo miễn dịch hay ngăn chặn bệnh lây lan.

Thay vào đó, tác giả bài viết cho rằng: “Vaccine sẽ làm thay đổi mã gen của người, biến bạn thành nhà máy sản xuất protein không ngừng”.

Chỉ trong vài giờ, nội dung sai lệch này đã được dịch từ tiếng Anh sang tiếng Tây Ban Nha, Ba Lan, xuất hiện trên một loạt trang Blog, được một loạt nhà hoạt động chống vaccine chia sẻ lại, trích dẫn để chứng minh cho quan điểm của họ qua mạng xã hội. Riêng trên Facebook, 400.000 người đã tiếp cận nội dung này.

Tác giả của thông tin đó chính là Joseph Mercola (67 tuổi), bác sĩ trị liệu tại Cape Coral, bang Florida, Mỹ. Theo Tờ New York Times, bác sĩ Mercola là đối tượng sử dụng mạng xã hội, phát tán thông tin chống vaccine lớn nhất tại Mỹ.

Theo Trung tâm chống hành vi ghét bỏ trên nền tảng kỹ thuật số (một tổ chức phi lợi nhuận), Mercola là người đứng đầu trong danh sách 12 người chịu trách nhiệm chia sẻ 65% thông tin chống vaccine trên mạng xã hội.

Riêng hoạt động chống tiêm phòng lần này, bác sĩ Mercola đã đăng tải hơn 600 bài viết qua Facebook, tung thông tin nghi ngờ về vaccine Covid-19 kể từ khi đại dịch bắt đầu, tiếp cận lượng lớn người dân, theo một phân tích của The New York Times.

Những thông tin không chính xác của Mercola đã được lan truyền trên khắp các mạng xã hội khác từ Twitter, Instagram, YouTube.

Ông Kolina Koltai, nhà nghiên cứu tại Đại học Washington, chuyên nghiên cứu về những thuyết âm mưu trực tuyến cho biết: “Mercola là người đứng đầu phong trào chống vaccine. Ông ta đã lợi dụng những thời kỳ bất ổn như đại dịch để phát triển phong trào này”.

Tung tin giả để trục lợi cho cá nhân

Số ca nhiễm Covid-19 tại Mỹ đang trên đà tăng cao

Số ca nhiễm Covid-19 tại Mỹ đang trên đà tăng cao

Mục đích của những bài viết chống vaccine đó không gì ngoài bán các sản phẩm dược tự nhiên do ông này tự sản xuất.

Bác sĩ Mercola, gốc Chicago chuyển sang làm về dược phẩm tự nhiên, mở trang web chính Mercola.com để chia sẻ việc điều trị, phương thuốc và lời khuyên sức khỏe từ những năm 90 của thế kỷ trước.

Mercola bắt đầu có tiếng từ năm 2003 khi ra mắt cuốn sách “The No-Grain Diet” (khuyên mọi người giảm tinh bột để giữ gìn vóc dáng) và trở thành cuốn sách bán chạy nhất do New York Times bình chọn. Từ đó đến nay, gần như năm nào, Mercola cũng ra một cuốn sách.

Khi mức độ nổi tiếng tăng lên, ông này bắt đầu đưa ra những tuyên bố về sức khỏe chưa được kiểm chứng như nệm lò xo làm gia tăng bức xạ độc hại. Sau đó, ông liền bán các sản phẩm từ viên uống vitamin bổ sung đến sữa chua hữu cơ để điều trị.

Mercola đã thành lập một doanh nghiệp tư vấn có trụ sở tại cả bang Florida (Mỹ) và Philippines, nắm bắt các thông tin “nóng” để nhanh chóng sản xuất những bài viết chia sẻ trên Blog, qua video với hàng chục thứ tiếng khác nhau và một hệ thống trang web, mạng xã hội.

Lượng người theo dõi Mercola trên các nền tảng vô cùng lớn. Riêng Facebook có 1,7 triệu lượt người thích và còn 17 trang Facebook khác do ông này vận hành hoặc có liên quan tới hoạt động của ông. Trên Twitter, Mercola có gần 300.000 lượt người theo dõi, YouTube là 400.000 lượt.

Mercola từng tung thông tin về những mặt có lợi của giường tắm nắng như giảm nguy cơ ung thư, từ đó bán được hàng triệu chiếc giường, thu về hàng triệu USD. Sau đó, ông bị Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ “tuýt còi” vì quảng cáo sai sự thật và buộc phải trả lại 2,95 triệu USD cho khách hàng.

Cơ quan Quản lý Dược phẩm và Mỹ phẩm Mỹ (FDA) đã 3 lần gửi thư cảnh cáo cho ông Mercola vì bán sản phẩm chưa được chứng nhận và phạt tới hàng triệu USD.

Trong đợt dịch Covid-19 lần này, Mercola đã tuyên truyền thông tin sai lệch về tác dụng của vaccine, khẩu trang và khéo léo lồng vào đó những sản phẩm có thể điều trị, phòng tránh virus dù FDA đã cảnh cáo những sản phẩm này có nhãn hiệu giả, chưa được chứng thực.

Đáng nói là Facebook, Twitter vẫn cho phép một số bài viết của Mercola xuất hiện trên các mạng xã hội của họ dù có gắn thêm dấu cảnh báo. Trước tốc độ tiêm chủng chậm, Tổng thống Mỹ Joe Biden từng dùng từ “giết người” để chỉ trích mạng xã hội Facebook không kiểm soát những thông tin sai lệch khiến người dân ngần ngại tiêm phòng.

Cuối tháng 5 vừa qua, bác sĩ Mercola đã bị 12 Chưởng lý bang và một nhóm các Nghị sĩ Mỹ gây áp lực, yêu cầu xóa các bài viết, bài đăng liên quan tới virus SARS-CoV-2 chưa có kiểm chứng khoa học. Cuối cùng, ông Mercola đã thông báo sẽ xóa hết tất cả những bài viết có nội dung quảng bá một số loại vitamin và thực phẩm bổ sung có thể chữa Covid-19.

Tuyên bố là thế nhưng đến nay, vị bác sĩ này vẫn chưa xóa những bài viết trên. Mercola cáo buộc nhà sáng lập Microsoft Bill Gates và nhiều tập đoàn dược quy mô lớn đứng sau những áp lực bắt ông này phải xóa bài viết và gọi đây là hành vi vi phạm tự do ngôn luận.

Số người tiêm phòng giảm, các ca nhiễm bắt đầu tăng cao

Từ ngày 13/4 năm nay, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tung ra kế hoạch tiêm phòng toàn dân, với mục tiêu tiêm phòng cho 70% người trưởng thành Mỹ đến ngày 4/7.

Đến nay, sau mốc thời gian trên tận 20 ngày, tỉ lệ người trưởng thành đã tiêm một mũi chỉ đạt 68,7%. Từ ngày 4/7, lượng người đi tiêm giảm mạnh tới 84% so với đỉnh điểm, chỉ còn 537.000 liều/ngày.

Đúng lúc này, biến chủng Delta siêu lây nhiễm ập tới, càn quét. Ngược với tỉ lệ tiêm phòng, số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại Mỹ có xu hướng tăng. Tính đến ngày 23/7, số ca nhiễm lên hơn 83.000 ca/ngày, bắt đầu gây áp lực với hệ thống y tế. Đáng chú ý, theo Trung tâm Ngăn chặn và Kiểm soát dịch bệnh Mỹ, hơn 97% người dân nhập viện vì chưa tiêm phòng. Các bang có tỉ lệ tiêm phòng thấp bùng lên nhiều ổ dịch lớn.

Nguồn: [Link nguồn]

Biến thể Delta lây lan mạnh ở Mỹ, ông Biden gác mọi ưu tiên khác để chống dịch

Chính quyền ông Biden đang rất lo ngại khả năng xảy ra đợt bùng dịch mới ở Mỹ và đang dồn mọi nguồn lực hiện có...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Trang Trần ([Tên nguồn])
Tin tức COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN