Trung Quốc tự tin có thể chống lại Mỹ ở chuỗi đảo thứ nhất và thứ hai
TQ có thể chống lại các mối đe dọa của Mỹ trong các chuỗi đảo thứ nhất và thứ hai một cách dữ dội – một chuyên gia quân sự ở Bắc Kinh tuyên bố.
Máy bay ném bom H-6K của không quân PLA.
Chuyên gia Ngụy Đông Húc, nhà phân tích quân sự tại Bắc Kinh đã tuyên bố như vậy trên truyền thông nhà nước Trung Quốc khi bình luận về khả năng ứng phó của quân đội Trung Quốc (PLA) với những gì mà họ cho là “các mối đe dọa từ Mỹ”.
Một đoạn video lan truyền về máy bay ném bom H-6K do Không quân PLA công bố hôm thứ Bảy tuần trước đã gây xôn xao trên nhiều phương tiện truyền thông phương Tây.
Theo báo chí bên ngoài Trung Quốc, đoạn video cho thấy đây có thể là hoạt động tập trận mô phỏng một cuộc tấn công nhằm vào một căn cứ của Không quân Mỹ trên đảo Guam..
Về sự kiện này, dù ông Ngụy Đông Húc cho rằng “đây là cách giải thích hơi quá mức” nhưng, nhà phân tích sau đó cũng thừa nhận và cho rằng video thực sự chứng minh một cách rõ ràng khả năng thực hiện các cuộc phản công của Trung Quốc.
Đây là bằng chứng cho thấy PLA quyết tâm đối phó với bất kỳ hành động khiêu khích quân sự nào. Theo ông Ngụy, “kịch bản bối cảnh tập trận trong video được thiết kế dành cho những người đang làm gì đó không tốt (ám chỉ Mỹ)”.
“Khi một quốc gia nào đó chĩa súng vào Trung Quốc, điều máy bay tiếp cận lãnh thổ mà Bắc Kinh coi là chủ quyền, coi Trung Quốc làm mục tiêu của các cuộc tấn công mô phỏng và liên tục tiến hành khiêu khích, Trung Quốc chắc chắn sẽ đáp trả bằng cách phô bày những gì PLA có khả năng”. – ông Ngụy Đông Húc nhấn mạnh.
Ngụy Đông Húc cho rằng, đoạn video chỉ đơn thuần là một cuộc triển lãm về khả năng đối trọng của Trung Quốc và không có nghĩa là nó đang nhắm vào một số quân nhất định. PLA cũng sẽ không bắt đầu một cuộc tấn công chống lại một địa điểm nào đó nhất định, hoặc đặc biệt ngăn chặn một quốc gia nhất định.
Tuy nhiên, nhà phân tích này khẳng định rằng “theo quan điểm của tôi, nếu quân đội Mỹ điều máy bay ném bom từ các căn cứ ở Thái Bình Dương để ngăn chặn Trung Quốc và gây ra các mối đe dọa trực tiếp, máy bay ném bom H-6K của PLA thực sự có khả năng phát động các cuộc phản công hiệu quả nhằm vào các căn cứ này, triển khai lực lượng mang phóng hỏa lực tiền tuyến và các căn cứ tiền phương của đối phương. Đây là những gì video của Lực lượng Không quân PLA muốn truyền tải”.
“Tại sao nhiều phương tiện truyền thông phương Tây phỏng đoán rằng cảnh thám hiểm trong video là tại Căn cứ Không quân Andersen trên đảo Guam?” ông Ngụy Đông Húc nêu câu hỏi và tự giải thích rằng:
“Lý do rất đơn giản: PLA cần một mục tiêu tưởng tượng khi họ phân tích khả năng tấn công tầm xa của Không quân PLA. Điều này đặc biệt đúng với phạm vi hoạt động của máy bay ném bom H-6K.
Với các cuộc tập trận, thao dượt quân sự giữa Trung Quốc và Mỹ hiện nay, một số phương tiện truyền thông, đặc biệt là phương Tây, vô tình tin rằng Guam là trung tâm của các hoạt động quân sự của Mỹ ở chuỗi đảo thứ hai, là tài liệu tham khảo lý tưởng để họ đánh giá”.
Tuy nhiên, dựa trên thông tin do PLA công bố, ông Ngụy cho rằng “dư luận Trung Quốc có thể thấy nó không rõ ràng hoặc rõ ràng khi chỉ nhắm vào một quốc gia hoặc mục tiêu nhất định. Các hoạt động quân sự của Trung Quốc mang bản chất phòng thủ. Nó chỉ theo đuổi các chiến lược phòng thủ phản công”.
Nếu không bị khiêu khích hoặc bị đe dọa, Trung Quốc sẽ không phản công trực tiếp như những gì được chiếu trong video. Nhưng nếu bất kỳ ai gây nguy hiểm lớn đến an ninh quốc phòng và an ninh chiến lược của Trung Quốc, hoặc thậm chí có những hành động trực tiếp chống lại đất nước, thì các động thái đối phó của họ chắc chắn sẽ cực kỳ nhanh chóng trong thời gian thực.
Ông Ngụy Đông Húc tiếp tục cáo buộc rằng Mỹ đã nhiều lần khiêu khích Trung Quốc. “Tuy nhiên, tôi không nghĩ Mỹ lại dám nổ súng liều lĩnh. Giờ đây, hai cường quốc vẫn đang ở giai đoạn tranh giành và phô diễn. Bầu không khí không đủ căng thẳng để gây ra xung đột trực tiếp, hoặc thậm chí là chiến tranh” – chuyên gia quân sự ở Bắc Kinh dự đoán.
Cũng theo nhà phân tích, máy bay ném bom H-6K của Trung Quốc có thể mở rộng phạm vi hoạt động hơn nữa. Các máy bay này có thể mang tên lửa hành trình với tầm bắn hơn 1.000 km. Điều này có nghĩa là chúng có thể tấn công các mục tiêu chính xác ở chuỗi đảo thứ nhất hoặc thứ hai. Ở một mức độ nào đó, cho thấy khả năng đối trọng chiến lược của Trung Quốc là một lời cảnh báo cho các nước khác đừng khiêu khích trước “ngưỡng cửa của Trung Quốc”.
Khi nói đến chuỗi đảo thứ hai, Mỹ chiếm thế thượng phong về sức mạnh quân sự. Nước này có thể tăng cường khả năng tấn công và phòng thủ trong khu vực có các nhóm tấn công tàu sân bay canh giữ, chưa kể nước này sở hữu các máy bay ném bom có số lượng và chất lượng hàng đầu thế giới.
Nhưng, cuối cùng, theo ông Ngụy Đông Húc, “bất chấp sự hiện diện quân sự mạnh mẽ của Hoa Kỳ trong lĩnh vực này, phải nhấn mạnh rằng Trung Quốc có đủ các biện pháp đối trọng và phản công để giảm thiểu rủi ro.
Mặc dù sức mạnh tổng thể của lực lượng hải quân và không quân Trung Quốc vẫn có khoảng cách với Mỹ, nhưng nếu Washington đe dọa trực tiếp đến an ninh quốc phòng và an ninh chiến lược của Trung Quốc từ các căn cứ quân sự ở chuỗi đảo thứ hai, Trung Quốc hoàn toàn có khả năng khiến họ phải trả giá tương ứng.
Theo nghĩa này, Trung Quốc có thể cần tăng cường hơn nữa khả năng thể hiện sức mạnh chiến lược và khả năng tác chiến tổng hợp của hải quân và không quân”.
Nguồn: [Link nguồn]
Thủy quân lục chiến Mỹ đang thành lập các trung đoàn chiến đấu ven bờ mới để thách thức các đảo nhân tạo mà Trung...