Kết quả 14 tiếng đàm phán quân sự biên giới Trung - Ấn

Sau cuộc đàm phán kéo dài 14 tiếng, các chỉ huy quân đội cấp cao Ấn Độ và Trung Quốc đã đồng ý dừng việc tăng cường binh sĩ dọc khu vực biên giới tranh chấp ở Ladakh. Tuy nhiên, tình hình tại thực địa vẫn diễn biến khá phức tạp. 

Tình hình biên giới Trung - Ấn có bớt căng thẳng sau các cuộc đàm phán quân sự giữa 2 bên? Ảnh minh họa: AP

Tình hình biên giới Trung - Ấn có bớt căng thẳng sau các cuộc đàm phán quân sự giữa 2 bên? Ảnh minh họa: AP

Hãng AP hôm 23/9 dẫn một tuyên bố từ Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho hay, Trung Quốc và Ấn Độ đã đồng thuận tăng cường trao đổi liên lạc để tránh những hiểu lầm và đánh giá sai tại khu vực dọc Đường kiểm soát thực tế (LAC). Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Ấn Độ không đề cập đến bất kỳ bước đột phá nào trong cuộc đàm phán quân sự về việc giải tán lực lượng 2 bên ở khu vực biên giới tranh chấp.

Tình trạng căng thẳng tại khu vực Ladakh bắt đầu từ tháng 5 và leo thang vào tháng 6 với cuộc đụng độ đẫm máu nhất giữa binh sĩ Trung Quốc và Ấn Độ trong nhiều thập kỷ. Cả hai bên đều có thương vong. Ít nhất 20 quân nhân Ấn Độ thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương. Trung Quốc cũng thừa nhận có thương vong nhưng không công khai chi tiết. 

Hai cường quốc đông dân nhất thế giới đã tập trung hàng chục nghìn binh sĩ cùng nhiều vũ khí như pháo, xe tăng, chiến đấu cơ... tại khu vực tranh chấp Ladakh sau cuộc đụng độ đẫm máu hồi tháng 6. 

Một thời gian sau, cả Ấn Độ và Trung Quốc đều rút quân khỏi khu vực ở thung lũng Galwan (Ladakh) và ít nhất 2 địa điểm khác. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng biên giới lại xảy ra ở ít nhất 3 khu vực khác, bao gồm cả hồ Pangong. 

Trong những tuần gần đây, 2 cường quốc hạt nhân cáo buộc lẫn nhau về việc đưa binh sĩ xâm nhập lãnh thổ ở khu vực hồ Pangong và bắn cảnh cáo (lần đầu tiên xảy ra sau 45 năm), làm dấy lên nguy cơ về một cuộc xung đột quân sự toàn diện. 

Bất chấp nhiều vòng đàm phán của các quan chức quân sự, ngoại giao và chính trị, bao gồm cả các cuộc gặp giữa Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng 2 nước ở Moscow, căng thẳng biên giới Trung - Ấn vẫn tiếp diễn. 

Các chỉ huy quân sự cấp cao hôm 21/9 đã đàm phán trong 14 tiếng nhưng không có chi tiết nào về kết quả đàm phán được công bố ngay lập tức. 

Đêm 22/9, Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho biết 2 bên đã có một tuyên bố chung đồng ý ngừng gửi thêm binh sĩ tới tiền tuyến. Trung Quốc và Ấn Độ sẽ tổ chức vòng đàm phán cấp chỉ huy quân sự lần thứ 7 trong thời gian sớm nhất có thể và cùng nhau bảo vệ hòa bình, ổn định ở khu vực biên giới. 

Tuyên bố chung còn cho biết, các chỉ huy quân sự nhất trí thực hiện nghiêm túc các đồng thuận đạt được giữa lãnh đạo 2 nước. 

Các cuộc đàm phán quân sự hôm 21/9 diễn ra chưa đầy 2 tuần sau khi Ngoại trưởng Trung Quốc và Ấn Độ gặp nhau ngày 10/9 tại Moscow (Nga). Các Ngoại trưởng nhất trí, quân đội 2 bên nên rút quân để tránh đụng độ chết chóc ở biên giới, duy trì khoảng cách thích hợp và giảm căng thẳng. Tuy nhiên, Ngoại trưởng 2 nước không đặt ra một mốc thời gian để rút quân. Kết quả cuộc đàm phán hôm 21/9 cũng không nhắc đến điều này. 

Các chuyên gia quân sự nhiều lần cảnh báo, bất kỳ sai lầm nào của các bên đều có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng ở khu vực Ladakh. 

Giới chức Ấn Độ và Trung Quốc đều cung cấp rất ít thông tin về tình hình biên giới, nhưng các phương tiện truyền thông của 2 nước đã đưa tin rầm rộ về tình hình căng thẳng leo thang, thứ làm thay đổi đáng kể quan hệ song phương Trung - Ấn. 

Nguồn: [Link nguồn]

4 loại vũ khí Ấn Độ có thể khiến Trung Quốc phải nể sợ

Là một trong những quốc gia chi ngân sách quốc phòng lớn nhất thế giới và là nước nhập khẩu vũ khí nhiều nhất thế...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Thái - AP ([Tên nguồn])
Căng thẳng Trung Quốc - Ấn Độ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN