Trung Quốc trả đũa "danh sách đen" của Mỹ

Sự kiện: Tin tức Trung Quốc

Trung Quốc cáo buộc Mỹ "bắt nạt" và cảnh báo sẽ có biện pháp đáp trả cần thiết liên quan đến lệnh cấm nhằm vào 2 ứng dụng TikTok, WeChat.

Bộ Thương mại Trung Quốc hôm 19-9 ban hành các quy định liên quan đến cái gọi là danh sách "những thực thể không đáng tin cậy" trong động thái được xem là trả đũa chuyện Mỹ đưa một số công ty Trung Quốc vào "danh sách đen".

Thông báo của Bộ Thương mại Trung Quốc không đề cập bất kỳ thực thể nước ngoài cụ thể nào nhưng cho biết sẽ xem xét trừng phạt "các công ty và cá nhân nước ngoài có hoạt động gây hại đến chủ quyền quốc gia, an ninh và lợi ích phát triển của Trung Quốc" hoặc vi phạm "các quy định về kinh tế và thương mại đã được quốc tế chấp nhận". Các biện pháp trừng phạt có thể là phạt tiền, cấm hoạt động kinh doanh, xuất nhập khẩu và đầu tư ở Trung Quốc cũng như việc đưa nhân sự hoặc thiết bị vào nước này. Ngoài ra, theo Reuters, các công ty nước ngoài có thể được đưa khỏi danh sách nếu chỉnh sửa hành vi và có những bước đi để khắc phục hậu quả hành động của họ.

Văn phòng của TikTok tại TP Culver, bang California - Mỹ Ảnh: REUTERS

Văn phòng của TikTok tại TP Culver, bang California - Mỹ Ảnh: REUTERS

Bước đi trên của Trung Quốc càng làm nóng thêm cuộc chiến thương mại với chính quyền Tổng thống Donald Trump. Washington trước đó đã sử dụng "danh sách đen" để cấm Tập đoàn Thiết bị viễn thông Huawei Technologies hoạt động tại thị trường Mỹ vì lý do an ninh quốc gia. Trung Quốc vào năm ngoái dọa lập ra một danh sách nhằm trừng phạt các công ty nước ngoài bị coi là có hại đối với lợi ích của Bắc Kinh nhưng hiện vẫn chưa công bố một danh sách như thế. Dù vậy, truyền thông Trung Quốc hồi tháng 5 cảnh báo các biện pháp trên sẽ nhắm vào các công ty Mỹ như Apple, Cisco Systems, Qualcomm, đồng thời đình chỉ việc mua máy bay Boeing.

Đáng chú ý, thông báo trên được công bố một ngày sau khi Mỹ ra lệnh cấm tải ứng dụng chia sẻ video TikTok và ngăn chặn việc sử dụng ứng dụng WeChat (đều thuộc sở hữu của Trung Quốc) từ ngày 20-9 do nỗi lo an ninh quốc gia. Bộ Thương mại Trung Quốc hôm 19-9 cáo buộc Mỹ "bắt nạt" và cảnh báo sẽ có biện pháp đáp trả cần thiết. Trong khi đó, ByteDance, công ty sở hữu TikTok, vào đêm 18-9 (giờ Mỹ) đã đệ đơn kiện những động thái gần đây của chính quyền ông Trump nhằm ngăn ứng dụng này hoạt động ở Mỹ và đề nghị một thẩm phán ngăn Washington thực thi lệnh cấm nói trên. Theo trang Bloobmerg, đơn kiện nói ông Trump vượt quá quyền hạn và cấm TikTok vì lý do chính trị.

Trong bối cảnh Mỹ tăng sức ép kinh tế lên Trung Quốc, một vấn đề đang được quan tâm khác là liệu tỉ giá hối đoái của đồng nhân dân tệ (NDT) có một lần nữa bị kéo vào cuộc tranh cãi hay không. Tổng thống Donald Trump từ lâu đã cáo buộc Trung Quốc thao túng tiền tệ để thúc đẩy xuất khẩu và đe dọa chia tách 2 nền kinh tế. Giờ đây, một số chuyên gia nhận định giá trị của NDT có thể lại trở thành tâm điểm chú ý, nhất là Trung Quốc có thặng dư thương mại khổng lồ sau khi kiểm soát tốt dịch Covid-19.

Theo báo South China Morning Post (Hồng Kông), Bộ Thương mại Mỹ hồi tháng 7 tiến hành cuộc điều tra chống trợ cấp và chống bán phá giá nhằm vào sản phẩm dây buộc đồ của Trung Quốc. Đến tuần sau, bộ này dự kiến ra báo cáo sơ bộ về cuộc điều tra, trong đó có xem xét nghi vấn NDT cố tình bị định giá thấp để giúp các nhà xuất khẩu Trung Quốc có lợi thế. Ông Peter Quinter, luật sư tại Hãng luật Grey Robinson (Mỹ), nhận định nếu Bộ Thương mại Mỹ kết luận Bắc Kinh cố tình làm thế, Washington có thể áp thêm thuế đối với một loạt sản phẩm Trung Quốc. Ngoài ra, điều này còn có thể dẫn đến việc siết chặt xuất khẩu một số mặt hàng Mỹ sang Trung Quốc và đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ... 

"Bộ tứ kim cương" sắp họp tại Nhật Bản

Chính phủ các nước Nhật Bản, Mỹ, Úc, Ấn Độ đang lên kế hoạch tổ chức một cuộc họp cấp bộ trưởng ngoại giao ở thủ đô Tokyo vào đầu tháng 10 trong nỗ lực đối phó với sự mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Ngoài ra, hãng tin Jiji Press hôm 19-9 dẫn nguồn tin chính phủ Nhật Bản cho biết tân Thủ tướng Suga Yoshihide dự kiến gặp các bộ trưởng ngoại giao Mỹ, Úc và Ấn Độ nếu cuộc họp này diễn ra.

Bốn quốc gia trên đang là thành viên của Đối thoại an ninh bốn bên (còn gọi là "Bộ tứ kim cương"), được hình thành nhằm bảo đảm hòa bình và ổn định ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương và đối phó với tham vọng mở rộng của Trung Quốc tại vùng này. Cuộc họp đầu tiên giữa bộ trưởng ngoại giao 4 nước này trong khuôn khổ đối thoại đã diễn ra tại TP New York vào tháng 9-2019. Theo đài truyền hình NHK, cuộc họp lần 2 sắp tới sẽ thảo luận về việc hiện thực hóa tầm nhìn về một khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do, mở và hợp tác chống dịch Covid-19. Một nguồn tin chính phủ Nhật Bản nhận định một cuộc họp của "Bộ tứ kim cương", nếu diễn ra, sẽ mang ý nghĩa to lớn trong bối cảnh khủng hoảng Covid-19 vẫn chưa hạ nhiệt. Dù vậy, sự kiện này chắc chắn sẽ khiến Trung Quốc khó chịu và đe dọa ảnh hưởng đến mối quan hệ Tokyo - Bắc Kinh đang cải thiện gần đây.

Phạm Nghĩa

Nguồn: [Link nguồn]

TQ gọi máy bay Mỹ cải trang ở Biển Đông là “mối đe dọa nghiêm trọng”

Trung Quốc cáo buộc máy bay do thám Mỹ đã cải trang thành máy bay dân sự nhiều lần trong năm nay, tạo ra “mối đe dọa nghiêm...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoàng Phương ([Tên nguồn])
Tin tức Trung Quốc Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN