Trung Quốc đưa ra yêu sách chưa từng có với Indonesia

Bộ trưởng an ninh Indonesia Mahfud MD khẳng định Jakarta sẽ tiếp tục tăng cường sức mạnh phòng thủ tại biển Bắc Natuna theo sau những hành động khiêu khích của tàu Trung Quốc.

Trong thư gửi tới Bộ Ngoại giao Indonesia gần đây, Trung Quốc đã yêu cầu Jakarta ngừng hoạt động thăm dò dầu khí ở biển Natuna (tiếp giáp biển Đông) vì Bắc Kinh coi khu vực thăm dò này thuộc chủ quyền của mình.

Đòi hỏi chưa từng có tiền lệ nói trên đã làm gia tăng căng thẳng giữa hai nước liên quan đến tài nguyên tại khu vực có tầm quan trọng về chiến lược và kinh tế.

Ông Muhammad Farhan, thành viên Ủy ban an ninh quốc gia thuộc Quốc hội Indonesia, tiết lộ đòi hỏi trên được đưa ra trong một lá thư các nhà ngoại giao Trung Quốc gửi cho Bộ Ngoại giao Indonesia.

"Câu trả lời của chúng tôi rất kiên quyết, rằng chúng tôi sẽ không dừng hoạt động khoan thăm dò dầu khí vì đó là chủ quyền của chúng tôi" - ông Farhan nói với Reuters.

Binh sĩ Indonesia trong một cuộc tập trận ở biển Natuna hồi tháng 10-2021. Ảnh: Reuters

Binh sĩ Indonesia trong một cuộc tập trận ở biển Natuna hồi tháng 10-2021. Ảnh: Reuters

Ông Farhan nhận định thêm rằng bức thư của Bắc Kinh mang hơi hướng "đe dọa" vì đây là lần đầu tiên các nhà ngoại giao Trung Quốc nỗ lực thúc đẩy cái gọi là "đường chín đoạn" để xâm phạm chủ quyền của Indonesia theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS 1982).

Indonesia khẳng định vùng cực nam của biển Đông thuộc vùng đặc quyền kinh tế của nước này theo UNCLOS 1982. Hồi năm 2017, Indonesia đã đặt tên khu vực này là biển Bắc Natuna.

Trung Quốc phản đối việc đổi tên nói trên và khẳng định tuyến đường thủy này nằm trong vùng chủ quyền mở rộng theo cái gọi là "đường chín đoạn". Dù vậy, yêu sách chủ quyền đơn phương bất hợp pháp này của Bắc Kinh đã bị Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) bác bỏ hồi năm 2016.

Bộ trưởng An ninh Indonesia Mahfud MD (áo trắng) trên một tàu quân y ở biển Bắc Natuna hôm 23-11. Ảnh: The Jakarta Post.

Bộ trưởng An ninh Indonesia Mahfud MD (áo trắng) trên một tàu quân y ở biển Bắc Natuna hôm 23-11. Ảnh: The Jakarta Post.

Theo Reuters, lá thư trên được gửi đi vào thời điểm xảy ra cuộc đối đầu ngoài khơi giữa tàu hai nước.

Hôm 30-6, một giàn khoan đã đến hoạt động tại vùng biển Natuna và không lâu sau đó, Trung Quốc đã điều một tàu hải cảnh tới đây. Indonesia lập tức cũng đưa một tàu tuần duyên đến khu vực này. Trong bốn tháng tiếp theo, các tàu của cả hai bên đã tuần tra tại khu vực gần giàn khoan.

Theo Tổ chức Sáng kiến ​​Minh bạch Hàng hải Châu Á (AMTI), các tàu Trung Quốc và Indonesia đôi khi chỉ cách nhau chưa đến một hải lý.

Đến ngày 25-9, theo AMTI, tàu sân bay USS Ronald Reagan của Mỹ đã đến địa điểm cách giàn khoan trên chỉ 7 hải lý. Khi đó, 4 tàu chiến Trung Quốc cũng được triển khai đến khu vực này, theo Tổ chức Sáng kiến ​​Công lý Đại dương Indonesia (IOJI) và ngư dân địa phương.

Trong chuyến đi đến biển Bắc Natuna vào tuần rồi, Bộ trưởng an ninh Indonesia Mahfud MD khẳng định chính phủ nước này sẽ tiếp tục tăng cường sức mạnh phòng thủ tại vùng biển này theo sau những hành động khiêu khích của tàu Trung Quốc

Cũng theo ông Farhan, Trung Quốc còn gửi một lá thư khác có nội dung phản đối các cuộc tập trận quân sự Lá chắn Garuda, chủ yếu được tổ chức trên đất liền, hồi tháng 8 qua.

Ông Farhan cho biết các cuộc tập trận có sự tham gia của 4.500 binh sĩ từ Mỹ và Indonesia và diễn ra thường xuyên kể từ năm 2009.

Dù vậy, đây là lần đầu tiên phía Trung Quốc lên tiếng phản đối cuộc tập trận này, theo ông Farhan. Trong lá thư, chính phủ Trung Quốc đã "bày tỏ quan ngại về sự ổn định an ninh trong khu vực".

Nguồn: [Link nguồn]

Thông điệp cứng rắn quyết chặn tham vọng đòi chủ quyền phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông

Trong hàng loạt các vấn đề khác biệt, bất đồng sâu sắc, thậm chí tới mức đối đầu xung khắc giữa hai cường quốc...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phương Võ ([Tên nguồn])
Tin tức Biển Đông Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN