Trung Quốc đưa ra gợi ý bất ngờ với Nhật Bản về nước thải phóng xạ

Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng, nếu nước phóng xạ đã qua xử lý của nhà máy điện hạt nhân Fukushima an toàn để uống hoặc có thể dùng để bơi lội thì Nhật Bản nên làm như vậy hơn là xả ra biển.

Người dân Nhật Bản ngày 16/5/2023 tham gia biểu tình phản đối kế hoạch của chính phủ nhằm xả nước phóng xạ ra biển. 

Người dân Nhật Bản ngày 16/5/2023 tham gia biểu tình phản đối kế hoạch của chính phủ nhằm xả nước phóng xạ ra biển. 

Theo tờ Thời báo Hoàn Cầu, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đưa ra phản ứng trước tuyên bố của Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) Rafael Mariano Grossi, rằng nước phóng xạ ở nhà máy Fukushima đủ an toàn để uống hoặc bơi lội.

Ông Grossi đưa ra tuyên bố gây tranh cãi trong chuyến thăm gần đây tới Hàn Quốc và New Zealand. Theo truyền thông Hàn Quốc, ông Grossi nói nước phóng xạ đã qua xử lý ở nhà máy Fukushima đủ an toàn sau khi được xử lý và pha loãng, thậm chí có thể dùng để uống hoặc bơi lội.

Hôm 11/7, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân đưa ra phản ứng, cho rằng "không khó để nhận thấy các vấn đề trong báo cáo của IAEA và rằng các chuyên gia tham gia đánh giá đưa ra những quan điểm khác nhau".

Nếu có ai đó tin rằng nước phóng xạ đã qua xử lý ở nhà máy Fukushima của Nhật Bản đủ an toàn để uống hoặc bơi lội, tôi gợi ý Nhật Bản nên sử dụng nước phóng xạ cho mục đích đó, cho phép những người tin vào điều đó làm như vậy thay vì xả ra biển và gây lo ngại cho cộng đồng quốc tế, ông Uông nói.

Chính phủ Nhật Bản từng khẳng định rằng, nước phóng xạ từ nhà máy Fukushima được pha loãng và đổ ra biển từ từ trong nhiều thập kỷ. Bằng cách này, đồng vị phóng xạ được giải phóng không vi phạm quy định quốc tế về an toàn môi trường.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc một lần nữa cáo buộc IAEA vội vàng khi công bố báo cáo kết luận, cho rằng kết luận mang tính phiến diện, không giải quyết những lo ngại của cộng đồng quốc tế.

Ông Uông nhấn mạnh rằng, Nhật Bản không thể lấy báo cáo của IAEA làm cái cớ để xả nước phóng xạ ra biển. Tokyo dự tính xả nước phóng xạ ra biển từ tháng 8/2023.

Ông Uông nói thêm rằng, IAEA đã không đánh giá hiệu quả và độ tin cậy lâu dài của việc xử lý nước thải phóng xạ, cũng như mức hiệu quả giảm dần của thiết bị lọc nước mà Nhật Bản sử dụng. Ngoài ra, không thể đảm bảo rằng nước phóng xạ xả ra biển vẫn sẽ đáp ứng các tiêu chuẩn trong 30 năm tới.

Hệ quả lâu dài của việc xả nước phóng xạ đối với môi trường biển và an toàn thực phẩm là điều không thể dễ dàng có thể được kết luận như theo báo cáo của IAEA, ông Uông nói.

Theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Nhật Bản hiện chỉ mời IAEA đánh giá, trong khi không mời các tổ chức khác như Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) để đánh giá về khía cạnh sức khỏe. Ngoài ra, IAEA cũng chỉ được tiếp cận một lượng nhỏ mẫu nước do Nhật Bản cung cấp.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng, IAEA đưa ra đánh giá dựa trên niềm tin rằng hệ thống lọc nước phóng xạ của Nhật Bản vẫn đảm bảo hiệu quả cao và không có vấn đề sai sót trong 30 năm tới. Điều này là không đáng tin cậy, ông Wang nói.

Theo tờ Hoàn Cầu, một bộ phận người dân Nhật Bản cũng bày tỏ sự quan ngại. Các nhà hoạt động môi trường và các ngư dân ở tỉnh Fukushima dự kiến sẽ tham gia biểu tình phản đối chính phủ vào ngày 17/7. 

"Vùng biển quê hương chúng tôi, biển xung quanh Nhật Bản và vùng biển trên thế giới không thể bị làm ô nhiễm bởi nước thải phóng xạ một lần nữa", Yoshitaka Ikarashi, cư dân thành phố Iwaki, viết trong biểu ngữ chuẩn bịu cho cuộc biểu tình sắp tới, theo tờ Hoàn Cầu.

Nguồn: [Link nguồn]

Trung Quốc bắt đầu hành động khi Nhật Bản có thể sắp xả nước phóng xạ

Tổng cục Hải quan Trung Quốc ngày 7/7 thông báo siết chặt lệnh cấm nhập khẩu thực phẩm ở 10 tỉnh của Nhật Bản, cũng như kiểm soát gắt gao 100% lượng thủy hải sản nhập...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo MINH AN - Hoàn Cầu ([Tên nguồn])
Tin tức Trung Quốc Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN