TQ muốn cùng ASEAN "xoa dịu" căng thẳng đảo chính Myanmar 

Trung Quốc cho biết sẵn sàng hợp tác chặt chẽ với ASEAN để hạ nhiệt căng thẳng chính trị ở Myanmar, trong bối cảnh Bắc Kinh chịu nhiều áp lực vì giữ im lặng trước cuộc đảo chính quân sự ở quốc gia láng giềng.

Một người biểu tình Myanmar phản đối chính quyền quân sự hôm 20/2. Ảnh: Reuters

Một người biểu tình Myanmar phản đối chính quyền quân sự hôm 20/2. Ảnh: Reuters

Theo SCMP, trong một cuộc điện đàm với người đồng cấp Indonesia Retno Marsudi hôm 19/2, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói rằng, một Myanmar hòa bình và ổn định là điều quan trọng với cả Trung Quốc và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). 

"Tình trạng hỗn loạn tiếp diễn ở Myanmar sẽ không tốt cho lợi ích của đất nước và người dân Myanmar, cũng như lợi ích chung của khu vực. Các đảng chính trị và quân sự Myanmar có trách nhiệm lớn đối với sự ổn định và phát triển đất nước", ông Vương nói. 

"Chúng tôi hy vọng rằng, các bên ở Myanmar sẽ hành động vì lợi ích cơ bản và lâu dài của đất nước và quốc gia, giải quyết các vấn đề nảy sinh một cách hòa bình, theo khuôn khổ hiến pháp và pháp luật Myanmar, đồng thời tiếp tục quá trình chuyển đổi dân chủ trong nước một cách trật tự", Ngoại trưởng Trung Quốc nói thêm.

Ông Retno cho biết, Indonesia ủng hộ nguyên tắc không can thiệp của ASEAN nhưng sẵn sàng tham gia "các cuộc tiếp xúc mang tính xây dựng" với Myanmar để chấm dứt tình trạng hỗn loạn và tiếp tục quá trình chuyển đổi dân chủ. 

Tổng thống Indonesia, Joko Widodo, và Thủ tướng Malaysia, Muhyiddin Yassin, đã đồng ý thiết lập một cuộc họp đặc biệt của các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN để giải quyết khủng hoảng chính trị. 

Trong một cuộc điện đàm trước đó với Bộ trưởng Ngoại giao Brunei, Erywan bin Pehin Yusof, ông Vương nói rằng, Bắc Kinh ủng hộ mong muốn của ASEAN là đóng góp vai trò mang tính xây dựng liên quan tới vấn đề của Myanmar. 

Trung Quốc tỏ ra thận trọng trong phản ứng công khai trước cuộc đảo chính ngày 1/2 ở Myanmar khi quân đội bắt giữ các lãnh đạo chủ chốt của đảng cầm quyền NLD. 

Cuộc đảo chính đã châm ngòi cho nhiều đợt biểu tình rộng rãi và một phong trào bất tuân dân sự trên toàn quốc với chính quyền quân sự Myanmar. 

Trong lúc cộng đồng quốc tế lên án cuộc đảo chính, Bắc Kinh lại giữ im lặng, viện dẫn lý do là chính sách không can thiệp công việc nội bộ của nước khác. 

Nguồn: [Link nguồn]

TQ tung video vụ đụng độ dữ dội với quân đội Ấn Độ ở biên giới tranh chấp

Trung Quốc mới đây đã công bố một video được cho là ghi lại cuộc đụng độ chết người với binh sĩ Ấn Độ ở khu...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nguyễn Thái - SCMP ([Tên nguồn])
Đảo chính quân sự ở Myanmar Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN