Thủy thủ kể chuyện cay đắng trên con tàu mang hơn 2.700 tấn chất gây nổ kinh hoàng ở Liban

Vụ nổ khủng khiếp tàn phá thủ đô Beirut của Liban được cho là có liên quan tới một kho chứa hàng nghìn tấn amoni nitrat được tịch thu từ một tàu nước ngoài từ năm 2013. Chia sẻ với báo chí, một thành viên của thủy thủ đoàn tiết lộ con tàu là một thảm họa.

Video: Góc quay mới vụ nổ ở thủ đô Beirut. Nguồn: RT

Theo RT, giới chức Liban cho biết hơn 2.750 tấn amoni nitrat - hợp chất chế tạo thuốc nổ - đã gây ra vụ nổ lớn ở thủ đô Beirut hôm 4/8. Vụ nổ với sức công phá lớn đã cướp sinh mạng ít nhất 157 người, làm bị thương hơn 5.000 người và khiến hơn 300.000 người phải sơ tán. Nhiều công trình, tài sản ở gần cảng bị phá hủy.

Liban đã yêu cầu các nhân viên tại bến cảng chấp hành lệnh quản thúc tại nhà cho tới khi hoàn tất quá trình điều tra việc lơ là trong quản lý hóa chất nguy hiểm. Bằng cách nào số lượng lớn hóa chất nguy hiểm lại được lưu trữ tại bến cảng ở Beirut trong thời gian lâu đến vậy?

Theo Hội đồng quốc phòng tối cao Liban, hơn 2.700 tấn amoni nitrat trong kho của bến cảng được tịch thu từ tàu MV Rhosus. Con tàu cập cảng Beirut vào tháng 9/2013 vì các lỗi kỹ thuật và bị cấm rời khỏi đây.

Theo RT, các góc khuất trong quá khứ của MV Rhosus cho thấy con tàu là một thảm họa nổi và rắc rối đã bám theo nó trong suốt thời gian dài.

Theo cổng theo dõi MarineTraffic, tàu MV Rhosus được đóng năm 1986 và đã qua nhiều đời chủ sở hữu. Nhưng mọi chuyện được chú ý kể từ năm 2012 khi MV Rhosus được mua lại bởi Teto Shipping, một công ty đăng ký tại quần đảo Marshall (châu Đại Dương) và chủ sở hữu là doanh nhân gốc Nga Igor Grechushkin. Công ty Teto Shipping được thành lập cùng năm 2012 và MV Rhosus được cho là tàu duy nhất của công ty này.

Hình ảnh tàu MV Rhosus trên cổng theo dõi MarineTraffic. Ảnh: RT

Hình ảnh tàu MV Rhosus trên cổng theo dõi MarineTraffic. Ảnh: RT

"Một trải nghiệm cay đắng"

Tàu MV Rhosus hoạt động khi gắn cờ Moldova (quốc gia ở châu Âu) và thủy thủ đoàn trên tàu chủ yếu là người Nga và Ukraine. Những tin nhắn mà thành viên thủy thủ đoàn trao đổi trên một diễn đàn tiếng Nga có từ năm 2012 cho thấy phần nào điều kiện làm việc ác mộng ngay từ khi họ nhận việc trên tàu MV Rhosus.

Trang thiết bị xuống cấp, mức lương cực thấp và chậm trả lương là các vấn đề được đề cập nhiều trong các bài đăng.

"Những ai làm việc trên tàu MV Rhosus nên được phong là 'anh hùng'", một thủy thủ viết. "Con tàu không có tủ lạnh để lưu trữ thực phẩm và thậm chí phòng của ông chủ cũng không có nhà vệ sinh", thủy thủ này cho biết thêm.

Hãng RT đã liên lạc với một cựu nhân viên của công ty Teto Shipping, từng làm việc trên tàu MV Rhosus. Người này cho biết phần lớn cáo buộc của thủy thủ đoàn là sự thật.

Semyon Nikolenko, người được thuê làm thủy thủ kiêm kỹ sư điện trên tàu MV Rhosus năm 2012, cho biết cả con tàu và công ty chủ quản của nó đều "không tốt".

Đó là bản hợp đồng đầu tiên cũng là trải nghiệm đầu tiên trong đời thủy thủ của tôi nhưng nó đầy cay đắng", Nikolenko, người đang sống ở Crimea, chia sẻ với RT. Chủ tàu là người "chỉ biết nói" mà không làm, Nikolenko kể lại. Thủy thủ này mô tả ông chủ cũ là một gã láu cá, kẻ không biết giữ lời hứa.

Semyon Nikolenko, người được thuê làm thủy thủ kiêm kỹ sư điện trên tàu MV Rhosus năm 2012. Ảnh: RT

Semyon Nikolenko, người được thuê làm thủy thủ kiêm kỹ sư điện trên tàu MV Rhosus năm 2012. Ảnh: RT

Theo Nikolenko, tàu MV Rhosus gặp vô số lỗi kỹ thuật, bao gồm trục trặc radar và sự cố với động cơ chính. Thủy thủ này còn cho rằng ông chủ Grechushkin không quan tâm nhiều tới các vấn đề kỹ thuật của tàu. Ông này chỉ bỏ tiền ra tu sửa khi chính quyền phát hiện con tàu có vấn đề.

Các cuộc kiểm tra, nhắc nhở và bắt giữ được thực hiện thường xuyên tại các cảng ở châu Âu.

Nikolenko còn cho biết công ty Teto Shipping thường tìm cách giải quyết mọi chuyện bằng con đường hối lộ nhân viên bến cảng hơn là sửa chữa thiếu sót.

Trước khi cập bến Beirut năm 2013, tàu MV Rhosus bị giữ lại 2 tuần ở thành phố Seville, Tây Ban Nha, nơi chính quyền địa phương yêu cầu công ty chủ quản phải lắp đặt một máy phát điện dự phòng cho tàu.

Nikolenko, người làm việc hơn 7 tháng trên tàu, đã bỏ việc ngay trước chuyến đi "giông bão" tới cảng Beirut.

Chuyến hải trình cuối cùng

Năm 2013, tàu MV Rhosus chở theo 2.750 tấn amoni nitrat từ cảng biển Batumi (thuộc Georgia, quốc gia ở vùng Caucasus) trên hành trình tới Mozambique. Tuy nhiên, chuyến đi không thể hoàn tất vì các lỗi kỹ thuật. Sau một cuộc kiểm tra của lực lượng kiểm soát cảng biển, thuộc Tổ chức hàng hải quốc tế (IMO), nó bị cấm rời khỏi cảng Beirut.

Thời điểm đó, số lượng thủy thủ đoàn giảm tới mức tối thiểu vì tính chất "nguy hiểm" của hóa chất trên tàu. Nikolenko nói. Một biên bản pháp lý năm 2015 do công ty luật Liban Baroudi & Associates cho thấy con tàu sau đó gần như bị bỏ rơi bởi chủ tàu, người tuyên bố công ty phá sản, và chủ của số hàng.

Thuyền trưởng Boris Prokoshev và 4 thành viên thủy thủ đoàn bị bắt giữ và Beirut và chấp hành án tù 11 tháng trước khi được trở về nhà. Ông Prokoshev đã đệ đơn khiếu nại chủ tàu vào năm 2014 về việc nhiều thủy thủ bị bỏ lại mà không được trả lương và cung cấp thực phẩm.

Theo cựu thuyền trưởng tàu MV Rhosus, con tàu bị giữ lại tại cảng Beirut vì không trả phí cầu cảng. Tuy nhiên, ông Prokoshev cho rằng đây là động thái sai lầm của Beirut.

"Bắt giữ con tàu này không mang lại lợi ích gì. Giới chức Beirut đáng ra phải loại bỏ nó càng sớm càng tốt", cựu thuyền trưởng của tàu MV Rhosus chia sẻ.

Theo công ty Baroudi & Associates, các lô hàng amoni nitrat nguy hiểm trên tàu được chuyển tới một kho lưu trữ của bến cảng và được lưu giữ ở đây trong nhiều năm.

Thuyền trưởng Prokoshev cho biết tàu MV Rhosus dường như đã bị đắm từ rất lâu thay vì bị phá hủy bởi vụ nổ như nhiều người suy đoán.

"Thân tàu có một lỗ nhỏ. Chúng tôi phải bơm nước liên tục để tàu khỏi chìm. Khi không còn thủy thủ, không ai làm điều đó nữa", ông Prokoshev nói.

Sai lầm đến từ thiếu hiểu biết?

Các quan chức an ninh nhận thức được mối nguy hiểm từ số lượng hóa chất amoni nitrat khổng lồ và đã yêu cầu nhân viên cảng biển xử lý chúng nhiều tháng trước khi thảm kịch xảy ra, theo truyền thông địa phương.

Hình ảnh lan truyền trên mạng xã hội được cho là ở kho chứa hóa chất amoni nitrat tại bến cảng thuộc thành phố Beirut, Liban. Ảnh: RT

Hình ảnh lan truyền trên mạng xã hội được cho là ở kho chứa hóa chất amoni nitrat tại bến cảng thuộc thành phố Beirut, Liban. Ảnh: RT

Nhưng những hình ảnh về kho chứa amoni nitrat được chia sẻ trên mạng xã hội cho thấy nhân viên cảng biển không hiểu biết đầy đủ về cách lưu trữ hóa chất dễ cháy nổ. Trong các bức ảnh, amoni nitrat được nhét vào những bao lớn để chồng chất lên nhau tại nhà kho đơn sơ.

Trong lúc giới chức Liban hứa sẽ công bố kết quả điều tra vụ việc trong 5 ngày và lo khắc phục hậu quả vụ nổ, họ lại phải đối mặt với vấn đề khác khi đám đông xuống đường biểu tình phản đối chính phủ. Vụ nổ khiến 200.000 - 300.000 người dân mất nhà cửa, gây thiệt hại hàng tỷ USD. Liban được dự đoán sẽ phải đối mặt với khủng hoảng trầm trọng hơn trước.

Nguồn: [Link nguồn]

Nổ lớn ở Liban: Thêm hàng chục ca tử vong, loạt ảnh trước và sau cho thấy hậu quả thảm khốc

Theo các quan chức Liban, ít nhất 135 người thiệt mạng, hơn 5.000 người khác bị thương do vụ nổ kinh hoàng ở thành phố...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nguyễn Thái - RT ([Tên nguồn])
Vụ nổ như bom nguyên tử ở Lebanon Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN