Thụy Điển "mở cửa" cho khả năng Mỹ triển khai vũ khí hạt nhân trong lãnh thổ?

00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Hiệp ước quốc phòng mà Thụy Điển mới ký với Mỹ không có điều khoản cấm Washington đặt vũ khí hạt nhân trong lãnh thổ.

Theo thỏa thuận chia sẻ hạt nhân, Mỹ được đặt bom hạt nhân chiến thuật B61-12 ở một số quốc gia thành viên NATO.

Theo thỏa thuận chia sẻ hạt nhân, Mỹ được đặt bom hạt nhân chiến thuật B61-12 ở một số quốc gia thành viên NATO.

Quốc hội Thụy Điển hôm 18/6 đã thông qua hiệp ước quốc phòng với Mỹ bất chấp những tranh cãi. Hiệp ước được coi là sự thúc đẩy tương tác quân sự với Mỹ, sau khi Thụy Điển gia nhập NATO vào tháng 3/2024.

Theo thỏa thuận, quân đội Mỹ có quyền sử dụng tất cả 17 căn cứ quân sự của Thụy Điển, được phép xây dựng các cơ sở vật chất riêng trên lãnh thổ Thụy Điển. Tàu thuyền và máy bay quân sự Mỹ có thể tự do di chuyển trong lãnh thổ Thụy Điển mà không bị kiểm tra hoặc khám xét. Binh sĩ Mỹ đóng quân ở Thụy Điển chịu sự ràng buộc của luật pháp Mỹ chứ không phải luật pháp địa phương.

Hiệp định Hợp tác Quốc phòng (DCA) được Bộ trưởng Quốc phòng Thụy Điển Pal Jonson ký với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin vào tháng 12 năm ngoái. Nhưng DCA cần sự thông qua của Quốc hội Thụy Điển mới chính thức có hiệu lực.

Hôm 18/6, 266 nghị sĩ Thụy Điển bỏ phiếu thông qua DCA, trong khi 37 nghị sĩ lựa chọn phản đối và 46 người vắng mặt không bỏ phiếu. Là một cuộc bỏ phiếu có ý nghĩa quan trọng, dự luật cần phải có đa số ba phần tư số phiếu ủng hộ với hơn một nửa các nghị sĩ có mặt bỏ phiếu mới được thông qua.

Thỏa thuận này bị các nghị sĩ thuộc đảng Cánh tả và Xanh phản đối. Họ yêu cầu hiệp ước cần có điều khoản quy định rõ việc không được đặt vũ khí hạt nhân trong lãnh thổ Thụy Điển.

"Chúng tôi muốn có quy định rõ ràng về việc cấm triển khai vũ khí hạt nhân trong lãnh thổ Thụy Điển", nghị sĩ đảng Xanh, Emma Berginger nói trước Quốc hội.

Hiệp hội Hòa bình và Trọng tài Thụy Điển, tổ chức phản chiến hoạt động phi lợi nhuận, chỉ trích động thái của Quốc hội có thể  làm gia tăng căng thẳng và rủi ro an ninh cho Thụy Điển. Tổ chức lập luận rằng hiệp ước đươc ký kết đã đi ngược lại kỳ vọng của cử tri Thụy Điển về một quốc gia không có vũ khí hạt nhân.

"Không giống như thỏa thuận tương tự được ký kết ở Đan Mạch và Na Uy, hiệp ước mà Thụy Điển ký kết không cấm Mỹ triển khai vũ khí hạt nhân", Kerstin Bergea, lãnh đạo hiệp hội, lập luận.

Tháng trước, chính phủ Thụy Điển tuyên bố sẵn sàng cho phép Mỹ bố trí vũ khí hạt nhân trong lãnh thổ nước này nhưng chỉ trong thời chiến. Với hiệp ước mới được ký kết, Thụy Điển sẽ không thể giám sát hay kiểm tra các vũ khí mà Mỹ bố trí trong lãnh thổ.

Đầu tháng này, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói các đợt mở rộng của NATO đã khiến châu Âu trở nên kém an toàn hơn. 

Ông Peskov nhấn mạnh, Nga không có tranh chấp lãnh thổ hay bất cứ căng thẳng nào với các thành viên mới của khối là Thụy Điển hoặc Phần Lan. Trong đợt mở rộng mới nhất, Phần Lan gia nhập NATO năm 2023 và Thụy Điển gia nhập vào tháng 3/2024.

Ông Peskov nói cơ sở hạ tầng quân sự của NATO chắc chắn sẽ được đặt trên lãnh thổ của các nước này.  "Thụy Điển và Phần Lan cần hiểu điều này sẽ dẫn đến hậu quả cho an ninh đối với chính họ", ông Peskov cho biết, theo RT.

Nguồn: [Link nguồn]

Những chiếc máy bay cảnh báo sớm ASC 890 mà Thụy Điển cam kết cấp cho Ukraine sẽ mang lại cho Kiev những lợi thế chưa từng có, đồng thời giúp tăng hiệu quả của tiêm kích F-16 trong cuộc xung đột với Nga.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nhật Minh - RT ([Tên nguồn])
Tin tức Nga Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN