Có Phần Lan và Thụy Điển, sức mạnh không quân NATO tăng lên mức nào?

Việc Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO sẽ giúp khối quân sự này tăng cường sức mạnh không quân nhờ phi đội máy bay hiện đại và các căn cứ không quân có vị trí chiến lược của 2 thành viên Bắc Âu mới.

Lo sợ trở thành mục tiêu tiếp theo của Nga như Ukraine, năm 2023, Phần Lan đã gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và sau đó Thụy Điển cũng gia nhập khối liên minh quân sự này vào tháng 3 năm nay. Điều này đồng nghĩa NATO sẽ được tăng cường sức mạnh không quân nhờ phi đội máy bay hiện đại và các căn cứ không quân có vị trí chiến lược của 2 thành viên Bắc Âu này.

“Phần Lan và Thụy Điển giúp tăng cường sức mạnh không quân của NATO”- các nhà nghiên cứu Paul Cormarie và John Hoehn của tổ chức nghiên cứu phi lợi nhuận RAND. Corporation (Mỹ) nhận định.

Bổ sung cho NATO số lượng chiến đấu cơ hiện đại gần ngang số lượng máy bay của Không quân Anh

Về số lượng máy bay, Phần Lan và Thụy Điển sẽ bổ sung đáng kể sức mạnh không quân NATO trong trường hợp nổ ra xung đột với Nga. Thụy Điển hiện có khoảng 100 tiêm kích Gripen, trong khi Phần Lan có 62 chiến đấu cơ F/A-18 Hornets do Mỹ sản xuất. Như vậy, số lượng chiến đấu cơ 2 nước này cộng lại gần ngang bằng số lượng máy bay chiến đấu của Không quân Hoàng gia Anh.

Tiêm kích F/A-18 Hornet của Không quân Phần Lan. Ảnh: MILITARNYI

Tiêm kích F/A-18 Hornet của Không quân Phần Lan. Ảnh: MILITARNYI

Ngoài ra, các đồng minh mới mang lại nhiều lợi thế khác cho quốc phòng châu Âu. Khi các quốc gia thuộc Hiệp ước Warsaw trước đây như Ba Lan gia nhập NATO vào cuối những năm 1990, họ được trang bị các tiêm kích cũ hơn thời Liên Xô như MiG-29. Các mẫu máy bay này có tính hữu dụng và tương tác hạn chế với các lực lượng không quân phương Tây. Tuy nhiên, tiêm kích JAS-39 Gripen của Thụy Điển là máy bay chiến đấu thế hệ thứ 4 hiện đại, gần ngang tầm với các mẫu máy bay hiện đại như F-16 – phù hợp với các tiêu chuẩn kỹ thuật và học thuyết của NATO.

Gripen được thiết kế để cất và hạ cánh từ đường cao tốc nếu sân bay bị phá hủy. Đồng thời, chiến cơ này còn có khả năng tác chiến điện tử hiện đại và có tính sẵn sàng cao có thể thực hiện các nhiệm vụ viễn chinh, giúp hạn chế khả năng Nga nhắm máy bay trên mặt đất.

Về tiêm kích F/A-18 Hornets của Phần Lan, đây từng là máy bay tiêu chuẩn của Hải quân Mỹ, tương thích với lực lượng không quân NATO. Chưa kể, Phần Lan đã đặt mua 64 tiêm kích tàng hình thế hệ thứ 5 F-35 do Mỹ sản xuất – thương vụ mua F-35 lớn thứ hai tại châu Âu sau Anh. Con số này đủ để đưa một số phi đội máy bay chiến đấu tàng hình đến biên giới phía bắc của Nga, có khả năng xuyên thủng cũng như trấn áp hệ thống phòng không của Nga và tấn công các mục tiêu quan trọng.

Địa lý của Phần Lan và Thụy Điển có lợi cho NATO

Bên cạnh đó, vấn đề địa lý của Thụy Điển và Phần Lan cũng là điều có lợi cho NATO.

Hai chuyên gia Cormarie và Hoehn viết: “Cả Phần Lan và Thụy Điển có khoảng cách gần với NATO, điều này cho phép các lực lượng không quân NATO tiến gần hơn đến vùng Baltic. Điều này làm giảm những hạn chế về hậu cần và cho phép khối liên minh duy trì hoạt động trên không tốt hơn, đồng thời tăng khả năng hoạt động của máy bay”.

Chưa hết, Thụy Điển còn sở hữu một cơ sở công nghiệp-quốc phòng có thể chế tạo máy bay phức tạp. Trong bối cảnh các công ty quốc phòng của Mỹ và châu Âu phải vật lộn để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng thì năng lực sản xuất bổ sung của Thụy Điển là sự thúc đẩy đáng kể cho khả năng bù đắp những tổn thất của NATO.

“Rất ít quốc gia NATO khác có dây chuyền sản xuất chủ động có khả năng sản xuất máy bay chiến đấu hiện đại. Dĩ nhiên, cơ sở hạ tầng công nghiệp này có khả năng dễ bị Nga tấn công trong trường hợp nổ ra xung đột. Nhưng từ góc nhìn của Nga, điều đó đặt ra một tình thế tiến thoái lưỡng nan, vì các chỉ huy phải lựa chọn trong một phạm vi mục tiêu rộng lớn” – bài báo có đoạn.

Làm phức tạp nỗ lực của Nga trong việc chinh phục vùng Baltic

Việc Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO làm phức tạp nỗ lực của Nga trong việc chinh phục vùng Baltic.

“Việc Phần Lan gia nhập NATO đặt ra tình thế tiến thoái lưỡng nan với các nhà hoạch định quân sự Nga, buộc họ phải tính toán làm sao cân bằng các hế hoạch tấn công ở Estonia trong khi xem xét các hoạt động phòng thủ để bảo vệ biên giới của họ” – hai chuyên gia Cormarie và Hoehn viết.

Tiêm kích JAS-39 Gripen của Thụy Điển. Ảnh: Sgt Müller Marin/Bulgarianmilitary.com

Tiêm kích JAS-39 Gripen của Thụy Điển. Ảnh: Sgt Müller Marin/Bulgarianmilitary.com

Tương tự, đảo Gotland của Thụy Điển – nằm gần như ở giữa vùng Baltic, cách đất liền Thụy Điển 96 km và cách các nước Baltic 129 km – cung cấp cho NATO một tiền đồn tiên tiến.

Điều thú vị là ông Cormarie và ông Hoehn nhận thấy lợi ích từ sức mạnh không quân của Thụy Điển và Phần Lan đối với NATO. Sức mạnh không quân của hai nước này làm giảm bớt căng thẳng về nguồn lực của Mỹ hiện đang bị dàn trải giữa chiến trường châu Âu và Thái Bình Dương.

Cơ hội để NATO nghiên cứu sâu hơn vùng Bắc Cực

Các thành viên Bắc Âu mới còn giúp NATO triển khai nhiều sức mạnh hơn vào vùng Bắc Cực – khu vực ngày càng được nhiều nước thèm khát khi băng tan để lộ ra sự phong phú về khoáng sản và các tuyến đường vận chuyển mới.

Cờ Thụy Điển bay ngoài Bộ Chỉ huy chuyển đổi liên minh (ACT) của NATO ở TP Norfolk (bang Virginia, Mỹ) sau buổi lễ đánh dấu Thụy Điển chính thức gia nhập NATO ngày 11-3-2024. Ảnh: Kendall Warner, The Virginian-Pilot/Associated Press

Cờ Thụy Điển bay ngoài Bộ Chỉ huy chuyển đổi liên minh (ACT) của NATO ở TP Norfolk (bang Virginia, Mỹ) sau buổi lễ đánh dấu Thụy Điển chính thức gia nhập NATO ngày 11-3-2024. Ảnh: Kendall Warner, The Virginian-Pilot/Associated Press

“Đây có thể là một cơ hội để NATO nghiên cứu sâu hơn vùng Bắc Cực. Cả Phần Lan và Thụy Điển đều có lực lượng có khả năng chống chọi các điều kiện rất khắc nghiệt. Lực lượng không quân của họ rất quan trọng cho nỗ lực thúc đẩy Bắc Âu và sẽ rất hữu ích trong việc ngăn chặn và bảo vệ không gian bắc cực ngày càng cạnh tranh với Nga” – chuyên gia Cormarie nói với Business Insider.

Cuối cùng, sức mạnh không quân của Thụy Điển và Phần Lan mang lại cho NATO sự linh hoạt hơn rất nhiều để xử lý nhiều tình huống có thể xảy ra, từ khả năng Nga tấn công các quốc gia Baltic, sự can thiệp của phương Tây vào cuộc chiến Ukraine, cho tới việc Mỹ - thành viên lớn nhất của NATO- đối đầu Trung Quốc về vấn đề Đài Loan.

“Điều quan trọng nhất trong một liên minh ứng phó tình huống bất ngờ là Phần Lan và Thụy Điển tập hợp rất nhiều khả năng chiến đấu” – ông Cormarie kết luận.

Nguồn: [Link nguồn]

Trong phát ngôn mới nhất, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đánh giá sức mạnh lực lượng Moscow lúc này và khả năng Nga tấn công NATO dẫn tới bùng phát chiến tranh Nga-NATO.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo TRI TÚC ([Tên nguồn])
Vũ khí quân sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN