Thủ tướng Nhật thúc đẩy khả năng cho phép tấn công nước ngoài, TQ là nguyên nhân?

Dưới thời Thủ tướng Fumio Kishida, Nhật Bản có thể lần đầu tiên cho phép quân đội tấn công căn cứ quân sự nước ngoài, kể từ sau Thế chiến II.

Thủ tướng Nhật Bản Kishida thị sát một đơn vị pháo binh (ảnh: SCMP)

Thủ tướng Nhật Bản Kishida thị sát một đơn vị pháo binh (ảnh: SCMP)

Hôm 6.12, Thủ tướng Nhật Bản Kishida tuyên bố nước này sẽ tăng cường khả năng phòng thủ trong bối cảnh các mối đe dọa ngày càng gia tăng ở khu vực. Ông Kishida đang vận động Quốc hội Nhật Bản sửa đổi hiến pháp, cho phép quân đội tấn công nước ngoài.

Sau khi kết thúc Thế chiến II, Nhật Bản đã cam kết từ bỏ bộ máy phát xít và chỉ phát triển năng lực quân sự vì mục đích phòng thủ quốc gia, không tấn công nước ngoài. Hiến pháp hiện hành của Nhật Bản cũng quy định rõ điều này.

“Để bảo vệ tính mạng và cuộc sống của người dân, chúng tôi sẽ xem xét tất cả các phương án, bao gồm cả việc cho phép quân đội tấn công căn cứ quân sự nước ngoài. Nhật Bản cũng sẽ nhanh chóng nâng cấp hệ thống phòng thủ trong nước”, ông Kishida phát biểu trong phiên họp bất thường của Quốc hội hôm 6.12.

Theo ông Kishida, Quốc hội Nhật Bản “có trách nhiệm xem xét một cách nghiêm túc” việc sửa đổi hiến pháp và pháp luật.

“Với những sửa đổi cơ bản, Nhật Bản sẽ có nhiều thuận lợi hơn trong việc cải thiện năng lực phòng thủ, bổ sung khí tài vũ trang”, ông Kishida nói thêm.

Giới phân tích cho rằng, mặc dù có biệt danh là “chim bồ câu” khi giữ chức Ngoại trưởng Nhật Bản dưới thời cựu Thủ tướng Abe, nhưng ông Kishida vẫn tích cực ủng hộ việc “sếp cũ” tăng chi tiêu cho quân sự và mua sắm vũ khí mới. Cuối tháng 11, Nhật Bản đã phê duyệt khoản ngân sách bổ sung 6,7 tỷ USD cho quốc phòng, đưa tổng ngân sách quốc phòng năm 2021 của nước này lên hơn 53 tỷ USD, ngang hàng với Pháp, Đức.

Thủ tướng Kishida cho biết, ông có kế hoạch nâng gấp đôi ngân sách quốc phòng của Nhật Bản trong năm 2022.

Nhật Bản sở hữu lực lượng quân sự mạnh mẽ, nhưng chỉ dừng lại ở việc phòng thủ (ảnh: AP)

Nhật Bản sở hữu lực lượng quân sự mạnh mẽ, nhưng chỉ dừng lại ở việc phòng thủ (ảnh: AP)

Go Ito – giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Meiji – cho rằng, ông Kishida đang đi theo dấu chân của người tiền nhiệm Abe khi vận động sửa đổi hiến pháp, cho phép quân đội nước này tấn công căn cứ quân sự nước ngoài.

“Về cơ bản, đây là đường lối do ông Abe vạch ra và được những lãnh đạo kế cận tiếp nối. Nhật Bản buộc phải thay đổi khi những năm gần đây, Trung Quốc tỏ ra đặc biệt hung hăng. Ông Kishida rất quan tâm đến các vấn đề an ninh của Nhật Bản. Ông ấy cũng phải chịu sức ép ngoại giao lớn từ Trung Quốc. Nếu hiến pháp thực sự được sửa đổi, ông Kishida sẽ trở thành Thủ tướng đầu tiên gỡ bỏ “phong ấn” cho quân đội Nhật Bản”, giáo sư Ito nhận xét.

Năm 2022, Nhật Bản dự kiến sẽ triển khai dự án xây căn cứ quân sự trên đảo Ishigaki, tỉnh Okinawa – nơi gần nhất với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang tranh chấp với Trung Quốc. Dự án này sẽ ngốn của Nhật Bản ít nhất 32 triệu USD.

“Hầu hết khí tài Nhật Bản mua sắm trong vài năm qua chỉ mang tính chất phòng thủ. Điển hình là hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot Advanced Capability và tên lửa đất đối không KBSAM. Nếu hiến pháp được sửa đổi, Nhật Bản có thể hướng đến các loại vũ khí tấn công, hỏa lực diện rộng”, ông Ito nói.

“Nhật Bản có thể chi mạnh tay cho vũ khí tấn công và phần lớn trong số chúng sẽ được dùng để răn đe Trung Quốc. Trong tương lai gần, Tokyo cũng có thể cho phép Mỹ triển khai nhiều hệ thống vũ khí tân tiến hơn trên đất Nhật. Nhật Bản biết rằng họ cần giữ Mỹ như một đồng minh quan trọng vào thời điểm căng thẳng khu vực gia tăng, bất chấp có phải trả tiền cho Washington”, ông Ito nói.

Hiện tại, mỗi năm Nhật Bản phải chi 1,79 tỷ USD để được che chở dưới “ô hạt nhân” của Mỹ.

Nguồn: [Link nguồn]

Bất chấp Tổng thống Biden - Putin điện đàm, Nga vẫn sẽ tấn công Ukraine?

Cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Biden và người đồng cấp Nga Putin dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 7.12. Tâm điểm cuộc điện...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Vương Nam – SCMP ([Tên nguồn])
Tin tức Nhật Bản Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN