“Thị trấn ma” sau 10 năm thảm họa kinh hoàng ở Nhật Bản

Từng là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề của thảm họa rò rỉ phóng xạ ở Nhật Bản cách đây một thập kỷ, tỉnh Fukushima vẫn chật vật trong việc kêu gọi người dân quay trở về những “thị trấn ma”.

"Thị trấn ma" Namie ở tỉnh Fukushima vắng bóng người sinh sống.

"Thị trấn ma" Namie ở tỉnh Fukushima vắng bóng người sinh sống.

Nỗ lực tái thiết cơ sở hạ tầng, xây dựng trung tâm vận chuyển, siêu thị, sử dụng công nghệ năng lượng sạch mới nhất, vẫn là chưa đủ để khiến các cư dân của Fukushima quay trở lại quê hương, theo Japan Times.

Nhật Bản ngày 11.3 đã kỷ niệm tròn 10 năm ngày xảy ra thảm họa động đất, sóng thần và rò rỉ phóng xạ. Theo các chuyên gia, cần tới 30-40 năm mới có thể tháo dỡ hoàn toàn nhà máy điện hạt nhân Fukushima, nguồn gốc của khủng hoảng rò rỉ phóng xạ trong quá khứ.

Thị trấn Namie, nơi có bia đá tưởng niệm 200 người chết trong thảm họa sóng thần, chỉ cách nhà máy điện hạt nhân Fukushima khoảng 8km. Thảm họa rò rỉ phóng xạ khiến toàn bộ 21.000 người ở thị trấn phải sơ tán.

Đến nay, 4 năm sau khi chính phủ Nhật Bản ngừng phong tỏa thị trấn, chỉ có 1.600 người, tương đương chưa đến 10% dân số thị trấn quay trở lại quê hương. Các cuộc khảo sát gần đây cho thấy có hơn một nửa cư dân ở Namie nói rằng họ không muốn quay trở lại.

“Dù thế nào thì thị trấn cũng sẽ không thể quay lại những ngày trước thảm họa”, Akihiro Zenji, 39 tuổi, kỹ sư giúp kiểm soát thảm họa ở nhà máy điện hạt nhân Fukushima, nói.

Năm 2019, Zenji mua một căn nhà ở Namie để bắt đầu cuộc sống gia đình với người vợ Ryoko, 29 tuổi. “Hầu như chẳng ai muốn quay về nơi này sinh sống cả”, Zenji nói.

Zenji và vợ là hai cư dân hiếm hoi sống ở Namie.

Zenji và vợ là hai cư dân hiếm hoi sống ở Namie.

Những gì xảy ra ở thị trấn Namie phản ánh khó khăn của chính phủ Nhật Bản, dù đã và đang chi số tiền khổng lồ lên tới 32 nghìn tỷ yen (300 tỷ USD) để tái thiết Fukushima.

Trong 10 năm qua, số dân ở Fukushima đã giảm 10%, tương đương 1,8 triệu người. Mức độ phát triển sản xuất và kinh tế của tỉnh cũng chậm hơn so với các địa phương lân cận.

“Một trong những điều quan trọng của sự phục hồi là chúng ta đồng thời khôi phục toàn bộ các khía cạnh đời sống bình thường, hướng đến tương lai”, thống đốc tỉnh Fukushima, Masao Uchibori nói ngày 10.3.

Năm 2019, một siêu thị Aeon đã mọc lên ở Namie. Tuyến đường sắt kết nối vùng bờ biển Fukushima với Tokyo cũng được khôi phục.

Hidehiro Asada, 53 tuổi, người quay trở lại Namie để tiếp tục sự nghiệp khai thác gỗ của gia đình, nói vấn đề thiếu cơ hội việc làm đã cản trở nỗ lực hồi sinh của thị trấn.

“Dù mọi người có quay trở lại, cũng không có việc làm”, Asada nói. “Người già có thể quay về, nhưng người trẻ đã tìm được việc ở nơi khác, họ sẽ không quay về quê hương một cách dễ dàng”.

Zenji cho rằng, nhiều người dân Nhật Bản chưa nhận thức rõ sự hồi phục ở Namie sau một thập kỷ trải qua thảm họa. “Mọi người có thể sống ở đây thoải mái, các hệ thống đèn giao thông, cơ sở hạ tầng đã được khôi phục”, Zenji cho biết.

Thảm họa động đất sóng thần kinh hoàng làm nghiêng trục Trái đất, khiến ngày ngắn lại

Ngày 11.3.2011, trận động đất mạnh 9.0 độ richter ở ngoài khơi Nhật Bản tạo ra cơn sóng thần khủng khiếp, cướp đi mạng...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đăng Nguyễn - Japan Times ([Tên nguồn])
Động đất, sóng thần tàn phá Nhật Bản Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN