Thế giới 24h: Thái Lan công bố thương vong trong giao tranh ở biên giới với Campuchia

Giao tranh vũ trang đã nổ ra giữa Thái Lan và Campuchia vào sáng sớm 24/7 tại một số khu vực tranh chấp dọc biên giới hai nước, theo thông báo từ quân đội cả hai phía. Bộ Y tế Thái Lan chiều 24/7 cho biết, ít nhất 12 người nước này thiệt mạng liên quan vụ đụng độ.

Một chiến đấu cơ F-16. Ảnh: The Nation Thailand

Một chiến đấu cơ F-16. Ảnh: The Nation Thailand

Chiến đấu cơ F-16 của Thái Lan tấn công vị trí quân sự Campuchia

Quân khu 2 của Thái Lan thông báo trên Facebook rằng các cuộc giao tranh hiện đã lan rộng ra 6 khu vực: Prasat Ta Muen Thom, Prasat Ta Kwai, Chong Bok, Khao Phra Wihan (Preah Vihear), Chong An Ma và Chong Chom.

Thông báo cho biết một máy bay chiến đấu F-16 đã được triển khai và đã thực hiện không kích vào một vị trí quân sự của Campuchia. Tờ The Nation của Thái Lan đưa tin, F-16 của Thái Lan đã tấn công một căn cứ quân sự của Campuchia gần khu vực biên giới.

“Chúng tôi đã sử dụng không lực để tấn công các mục tiêu quân sự theo đúng kế hoạch", đại tá Richa Suksuwanon, phó phát ngôn viên quân đội Thái Lan, nói với phóng viên Channel News Asia.

Theo CNA, Bộ Quốc phòng Campuchia ngày 24/7 xác nhận chiến đấu cơ Thái Lan đã được triển khai và đã thả hai quả bom xuống một tuyến đường ở vùng biên giới tranh chấp do Campuchia kiểm soát.

Bộ Quốc phòng Campuchia lên án hành động này của Thái Lan.

Video: Đụng độ ở biên giới Thái Lan - Campuchia. Nguồn: Khmer Times

Ngày 24/7, Đại sứ quán Thái Lan tại Phnom Penh đã khuyến cáo công dân rời khỏi Campuchia trừ khi có lý do thực sự cấp thiết để ở lại.

Trong thông báo, đại sứ quán cũng nhấn mạnh rằng các công dân Thái Lan không nên đến Campuchia trong thời điểm hiện tại nếu chưa thật sự cần thiết, và nên chờ đến khi tình hình ổn định hơn.

Theo CNA, Bộ Y tế Thái Lan cho biết, ít nhất 12 người thiệt mạng bởi đạn pháo, trong đó có một quân nhân; và 31 người bị thương, trong đó có 7 quân nhân, liên quan đến vụ đụng độ ở biên giới tranh chấp với Campuchia.

Trung Quốc lên tiếng về đụng độ biên giới Thái Lan – Campuchia

Video: Người dân tìm nơi trú ẩn khi tiếng súng vang lên trong cuộc đụng độ ở biên giới Thái Lan - Campuchia sáng 24/7. Nguồn: BBC

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Quách Gia Côn cho biết Bắc Kinh “vô cùng lo ngại trước những diễn biến hiện tại” và bày tỏ hy vọng “hai bên có thể giải quyết ổn thỏa các vấn đề thông qua đối thoại và tham vấn”.

“Việc duy trì tình láng giềng hữu hảo và xử lý bất đồng một cách hợp lý là phù hợp với lợi ích căn bản và lâu dài của cả hai phía”, ông Quách nói thêm.

Ông Quách khẳng định Trung Quốc sẽ giữ “lập trường công bằng và khách quan” giữa lúc căng thẳng leo thang tại khu vực biên giới Thái Lan – Campuchia.

“Trung Quốc đã và sẽ tiếp tục thúc đẩy hòa bình, khuyến khích đối thoại theo cách của riêng mình, đồng thời đóng vai trò xây dựng nhằm giúp hạ nhiệt và xoa dịu tình hình,” ông Quách nhấn mạnh trong buổi họp báo thường kỳ chiều 24/7.

Đại sứ quán Trung Quốc tại Campuchia trước đó đã ban hành khuyến cáo an ninh kêu gọi công dân nước này tránh xa các khu vực gần biên giới Campuchia - Thái Lan sau khi xảy ra các cuộc đụng độ giữa quân đội hai nước sáng 24/7.

Trước đó trong tháng này, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cũng đã kêu gọi 2 nước giải quyết tranh chấp biên giới thông qua đối thoại. Ông khẳng định Trung Quốc sẵn sàng “đóng vai trò xây dựng để thúc đẩy sự chung sống hài hòa giữa Thái Lan và Campuchia”.

Thái Lan lên tiếng về tin “chiến đấu cơ F-16 bị Campuchia bắn rơi”

Theo tờ The Nation Thailand, lực lượng Không quân Hoàng gia Thái Lan (RTAF) chiều 24/7 bác bỏ thông tin từ truyền thông Campuchia cho rằng một chiến đấu cơ F-16 của Thái đã bị bắn hạ trong bối cảnh căng thẳng leo thang tại khu vực biên giới 2 nước.

Trước đó cùng ngày, tờ Khmer Times dẫn một nguồn tin giấu tên cho rằng quân đội Campuchia đã bắn rơi một chiếc F-16 của Thái Lan lúc 10h58 sáng 24/7, khi chiếc máy bay này tham gia tấn công sau các vụ đụng độ gần đền Ta Muen Thom – khu vực biên giới giữa tỉnh Oddar Meanchey (Campuchia) và Ubon Ratchathani (Thái Lan). Theo tờ báo, Thái Lan đã triển khai 6 chiến đấu cơ F-16 từ Bộ Tư lệnh Quân khu 2 để không kích một vị trí quân sự Campuchia.

Tuy nhiên, Không quân Thái Lan khẳng định trên Facebook rằng “thông tin chiếc F-16 bị bắn rơi là sai sự thật”. Theo cơ quan này, toàn bộ máy bay đã hoàn thành nhiệm vụ và quay trở về căn cứ an toàn sau khi tiến hành “nhiệm vụ không kích vào một vị trí quân sự của Campuchia”.

Hiện chưa có phản hồi chính thức từ phía quân đội Campuchia.

Bà Paetongtarn, ông Thaksin lên tiếng, Thủ tướng Campuchia viết thư gửi Liên Hợp Quốc

Quân đội Campuchia đã khai hỏa một bệ phóng rocket BM-21 từ căn cứ của họ tại Khao Laem vào sáng 24/7. Ảnh: Bangkok Post

Quân đội Campuchia đã khai hỏa một bệ phóng rocket BM-21 từ căn cứ của họ tại Khao Laem vào sáng 24/7. Ảnh: Bangkok Post

Theo tờ The Nation Thailand, bà Paetongtarn Shinawatra, hiện giữ chức Bộ trưởng Văn hóa Thái Lan sau khi bị tạm đình chỉ chức vụ Thủ tướng, nhấn mạnh rằng tình hình đã vượt qua giai đoạn đàm phán ngoại giao. Tuy nhiên, bà Paetongtarn tuyên bố chính phủ và quân đội Thái Lan luôn tìm kiếm các biện pháp hòa bình.

Bà Paetongtarn cũng trấn an người dân rằng chính phủ và quân đội đang nỗ lực hết sức để kiểm soát tình hình, đảm bảo an toàn cho mọi công dân Thái Lan.

Ngày 24/7, cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra cho rằng Thái Lan đã tôn trọng luật pháp quốc tế và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của một nước láng giềng tốt, bao gồm cả việc kiên nhẫn và kiềm chế.

Ông Thaksin nói thêm rằng từ thời điểm này, binh sĩ Thái Lan có thể phản ứng theo các kế hoạch chiến lược và Bộ Ngoại giao cũng có thể “triển khai các biện pháp cần thiết một cách chính đáng".

Theo CNA, trong bức thư gửi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ngày 24/7, Thủ tướng Campuchia Hun Manet đã đề nghị tổ chức một cuộc họp khẩn cấp.

“Xét đến các hành động tấn công nghiêm trọng gần đây của Thái Lan, tôi khẩn thiết đề nghị triệu tập một cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng Bảo an để chấm dứt hành động này của Thái Lan", ông Manet viết.

Thủ tướng Campuchia cho rằng quân đội Thái Lan đã tiến hành “các cuộc tấn công không lý do, có chủ ý và được lên kế hoạch từ trước” nhằm vào quân đội Campuchia dọc khu vực biên giới giữa hai nước.

“Campuchia cực lực lên án và bày tỏ sự phẫn nộ sâu sắc trước hành vi này", ông Manet nhấn mạnh.

Thủ tướng Campuchia cho biết quân đội Campuchia “không còn lựa chọn nào khác ngoài việc đáp trả để tự vệ".

“Campuchia kêu gọi Thái Lan lập tức chấm dứt mọi hành động thù địch và kiềm chế, không thực hiện thêm bất kỳ hành động nào có thể khiến tình hình leo thang", ông Manet viết.

Căng thẳng biên giới Thái Lan - Campuchia leo thang

Binh sĩ Campuchia trong một cuộc tập trận. Ảnh: HMFB

Binh sĩ Campuchia trong một cuộc tập trận. Ảnh: HMFB

Theo Reuters, trong một tuyên bố, quân đội Thái Lan cho biết binh sĩ Campuchia đã nổ súng tại khu vực gần đền Ta Muen Thom, nơi đang có tranh chấp giữa 2 nước. Thái Lan cho rằng Campuchia đã triển khai một máy bay không người lái (UAV) trinh sát trước khi đưa binh lính mang theo vũ khí hạng nặng vào khu vực này.

Theo trang The Nation Thailand, sáng 24/7, đại tá Ritcha Suksuwanon, Phó phát ngôn viên quân đội Thái Lan, cho biết, vào lúc 7 giờ 35 phút, đơn vị đặc nhiệm Thái Lan đóng tại khu vực đã báo cáo nghe thấy tiếng động cơ của một UAV, được cho là từ phía Campuchia, lượn quanh khu vực phía trước đền Ta Muen Thom. Dù họ không trông thấy UAV, nhưng âm thanh đặc trưng cho thấy rõ sự hiện diện của nó.

Ngay sau đó, phía Thái Lan cho biết binh sĩ Campuchia tiến sát hàng rào kẽm gai gần căn cứ tiền phương của Thái Lan, mang theo vũ khí vào vị trí sẵn sàng. Sáu binh sĩ Campuchia có vũ trang đầy đủ, trong đó có một người mang theo súng phóng lựu chống tăng (RPG), đã áp sát khu vực giới hạn. Đáp lại, lực lượng Thái Lan cố gắng giảm căng thẳng bằng cách hô lớn cảnh báo, đồng thời tăng cường giám sát an ninh biên giới.

Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Campuchia nói rằng vụ việc bắt nguồn từ một cuộc xâm nhập “không lý do” của binh sĩ Thái Lan, và lực lượng Campuchia chỉ hành động để tự vệ.

Theo Khmer Times, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Campuchia Mali Socheata cho biết: "Các cuộc đụng độ vũ trang diễn ra dọc biên giới Campuchia - Thái Lan ở tỉnh Oddar Meanchey".

“Quân đội Thái Lan đã phát động cuộc tấn công vũ trang trước vào lực lượng Campuchia. Lực lượng Campuchia đã hành động hoàn toàn trong phạm vi tự vệ, đáp trả cuộc xâm nhập vô cớ của quân đội Thái Lan vi phạm toàn vẹn lãnh thổ của chúng tôi", ông Socheata nói.

Theo SCMP, một quan chức địa phương Thái Lan cho biết, ít nhất hai người đã thiệt mạng và hai người khác bị thương trong vụ đụng độ ở biên giới.

Khoảng 40.000 người dân từ 86 ngôi làng tại Thái Lan đã được sơ tán đến các khu vực an toàn hơn, theo một quan chức ở tỉnh Surin.

Theo SCMP, một trung đoàn quân đội Thái Lan thông báo trên mạng xã hội rằng nước này đã triển khai một máy bay chiến đấu F-16 trong tình trạng sẵn sàng, liên quan đến căng thẳng biên giới với Campuchia.

Theo Khmer Times, vụ đụng độ được cho là bắt đầu vào khoảng 7 giờ 30 sáng 24/7 gần khu vực biên giới tranh chấp ở tỉnh Oddar Meanchey. Người dân địa phương nói với báo chí Campuchia rằng họ nghe thấy tiếng súng và tiếng nổ dữ dội, cho thấy cả hai bên có thể đang triển khai vũ khí hạng nặng.

Tình hình vẫn căng thẳng khi cả hai bên đều tăng cường lực lượng dọc biên giới.

Cuộc đụng độ diễn ra sau khi Thái Lan triệu hồi đại sứ tại Campuchia vào ngày 23/7 và tuyên bố sẽ trục xuất đại sứ Campuchia tại Bangkok, sau khi một số binh sĩ Thái Lan bị thương do nổ mìn khi đang tuần tra dọc biên giới 2 nước. 

Đáp lại, Campuchia tuyên bố hạ cấp quan hệ ngoại giao xuống mức thấp nhất với Thái Lan, và ra lệnh cho tất cả các nhân viên ngoại giao Campuchia khác tại Đại sứ quán Campuchia ở Bangkok trở về nước. Cơ quan ngoại giao Thái Lan tại Phnom Penh cũng cần phải làm điều tương tự.

Phía Thái Lan cho rằng các quả mìn này vừa mới được đặt gần đây, điều mà Campuchia bác bỏ và gọi là cáo buộc vô căn cứ. Campuchia vẫn còn hàng triệu quả mìn sót lại từ thời nội chiến cách đây hàng chục năm, theo các tổ chức rà phá bom mìn.

UAV từ nước ngoài rơi xuống lãnh thổ Thái Lan, không gây thương vong

Hôm 23/7, quân đội Thái Lan cho biết, chiếc UAV quân sự rơi xuống rừng Ban Khun Mae Wa, gần làng Khun Mae Woei, huyện Tha Song Yang, tỉnh Tak (biên giới phía bắc Thái Lan) và được dân làng báo cho Trung đoàn biệt kích số 35.

Vị trí UAV rơi cách biên giới Thái Lan – Myanmar khoảng 15km.

“Không có thương vong hay thiệt hại về tài sản”, quân đội Thái Lan thông báo.

UAV rơi xuống một khu rừng ở Thái Lan (ảnh: Nation Thailand)

UAV rơi xuống một khu rừng ở Thái Lan (ảnh: Nation Thailand)

Theo quân đội Thái Lan, loại UAV này thường được quân đội Myanmar sử dụng để tập kích vị trí của nhóm phiến quân có tên “Lực lượng giải phóng dân tộc Karen” (KNLA).

Bangkok Post đưa tin, giới chức Thái Lan đã xử lý đầu đạn nổ của UAV và gửi công hàm phản đối thông qua Ủy ban Biên giới Thái Lan – Myanmar (TBC).

Myanmar chưa bình luận về vụ việc.

Ấn Độ: Đại sứ quán giả mọc lên gần thủ đô New Delhi

Cảnh sát Ấn Độ hôm 23/7 đã bắt giữ Harshvardhan Jain, 47 tuổi, với cáo buộc điều hành một “đại sứ quán” bất hợp pháp ở khu Kavi Nagar, gần thủ đô New Delhi.

4 chiếc ô tô hạng sang, mang biển số ngoại giao giả cũng bị thu giữ trong vụ án.

Nghi phạm Harshvardhan Jain và “đại sứ quán” giả mạo ở Ấn Độ (ảnh: India Today)

Nghi phạm Harshvardhan Jain và “đại sứ quán” giả mạo ở Ấn Độ (ảnh: India Today)

Cảnh sát cho biết, Harshvardhan Jain đã mạo danh đại sứ và lừa đảo nhiều người bằng cách hứa hẹn công việc tốt, lương cao ở nước ngoài. Nghi phạm thường tự nhận là cố vấn cấp cao hoặc đại sứ của các “quốc gia tự xưng” như Seborga và Westarctica.

Theo India Today, Seborga và Westarctica không được Liên hợp quốc hay bất kỳ quốc gia nào công nhận chủ quyền.

Ông Sushil Ghule – quan chức cảnh sát Ấn Độ – cho biết, các nhà điều tra đã thu được nhiều bức ảnh giả mạo ghép Harshvardhan Jain với nhiều nhà lãnh đạo thế giới, con dấu giả của Bộ Ngoại giao Ấn Độ và gần 30 quốc gia.

5 triệu rupee Ấn Độ (hơn 52.000 USD) cùng nhiều loại ngoại tệ khác cũng bị thu giữ tại tòa nhà Harshvardhan Jain thuê để mở “đại sứ quán”.

Ngoài cáo buộc lừa đảo, sử dụng tài liệu, con dấu giả, Jain cũng bị tình nghi rửa tiền trái phép thông qua hàng loạt “công ty ma” ở nước ngoài.

Iran: Sẵn sàng cho cuộc chiến mới với Israel

Tổng thống Iran – ông Masoud Pezeshkian – cho biết, Iran không mấy tin tưởng vào lệnh ngừng bắn với Israel và đã chuẩn bị cho bất kỳ cuộc chiến mới nào do Tel Aviv phát động.

“Chúng tôi đã chuẩn bị đầy đủ cho bất kỳ hành động quân sự mới nào của Israel. Lực lượng của chúng tôi cũng sẵn sàng tấn công sâu vào lãnh thổ Israel một lần nữa”, ông Pezeshkian nói trong cuộc phỏng vấn của Al Jazeera.

Ông Pezeshkian cho biết, Tehran không mấy tin tưởng vào lệnh ngừng bắn hồi cuối tháng 6 với Tel Aviv.

“Chúng tôi không mấy lạc quan về điều đó”, ông Pezeshkian nói.

“Đó là lý do tại sao chúng tôi chuẩn bị sẵn sàng cho mọi tình huống có thể xảy ra và mọi phản ứng tiềm tàng”, ông Pezeshkian nói thêm.

Theo ông Pezeshkian, trong chiến dịch hôm 13/6, Israel đã ám sát nhiều quan chức quân sự cấp cao và tìm cách “xóa bỏ” chế độ của Iran, “nhưng họ đã hoàn toàn thất bại”.

Trước khi lệnh ngừng bắn có hiệu lực vào ngày 24/6, cuộc xung đột kéo dài 12 ngày đã khiến hơn 900 người thiệt mạng ở Iran và ít nhất 28 người thiệt mạng ở Israel.

Trong cuộc phỏng vấn hôm 23/7, ông Pezeshkian khẳng định Iran sẽ tiếp tục chương trình làm giàu uranium, nhưng không tiến đến bước sản xuất vũ khí hạt nhân.

“Tuyên bố của Tổng thống Mỹ Trump rằng chương trình hạt nhân của chúng tôi đã kết thúc chỉ là ảo tưởng”, ông Pezeshkian nói.

Điện Kremlin xác nhận thông tin phái đoàn đàm phán của Nga đã tới Thổ Nhĩ Kỳ, bắt đầu vòng đàm phán thứ 3 với Ukraine.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Vương Nam – Bangkok Post, India Today, Al Jazeera ([Tên nguồn])
Thế giới 24h Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN