Thách thức chờ đợi ông Erdogan trong nhiệm kỳ Tổng thống thứ 3 liên tiếp

Rạng sáng ngày 29/5 (giờ Việt Nam), Hội đồng Bầu cử Tối cao Thổ Nhĩ Kỳ công bố kết quả cuộc tổng tuyển cử vòng 2 tại quốc gia này.

Theo đó, ông Recep Tayyip Erdogan đánh bại ứng viên đối lập Kemal Kilicdaroglu, tái đắc cử cương vị Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ lần thứ ba liên tiếp. Mô tả chiến thắng của mình cùng đảng Công lý và Phát triển là chiến thắng của toàn bộ người dân Thổ Nhĩ Kỳ, ông Erdogan kêu gọi đoàn kết và thống nhất bằng cả trái tim, để phát triển và củng cố hơn nữa vị thế quốc gia.

Phát biểu bên ngoài Phủ Tổng thống tại Ankara sau khi kết quả bầu cử được công bố, ông Erdogan chia sẻ: “Cuộc bầu cử là sự kiện quan trọng nhất với Thổ Nhĩ Kỳ trong kỷ nguyên hiện đại. Tôi muốn cảm ơn từng người trong số các bạn vì đã trao sự tin tưởng để tôi có cơ hội điều hành đất nước trong vòng 5 năm tới. Chúng ta nên đến với nhau bằng sự đoàn kết và thống nhất. Tôi kêu gọi điều này bằng cả trái tim mình”.

Ông Erdogan vẫy tay chào những người ủng hộ tại Ankara sau khi kết quả bầu cử được công bố. Nguồn: EPA

Ông Erdogan vẫy tay chào những người ủng hộ tại Ankara sau khi kết quả bầu cử được công bố. Nguồn: EPA

Theo thông báo của Hội đồng Bầu cử Tối cao Thổ Nhĩ Kỳ sáng 29/5, ở vòng bầu cử thứ 2 mang tính quyết định, ông Erdogan đã nhận về hơn 27,5 triệu phiếu bầu (~ 52,14%), trong khi đó ứng viên đối lập Kemal Kilicdaroglu giành được hơn 25,2 triệu phiếu (~ 47,86%). Trong một tuyên bố nhượng bộ ngắn gọn từ trụ sở đảng ở Ankara, ông Kemal Kilicdaroglu không thẳng thắn thừa nhận thất bại, những cam kết sẽ tiếp tục đấu tranh cho nền dân chủ thực sự tại Thổ Nhĩ Kỳ. Ngoài ra, ông bày tỏ lo lắng về những khó khăn lớn đang chờ đợi đất nước.

Giới chuyên gia nhận định, chiến thắng lịch sử đến với ông Erdogan rất nghẹt thở, bởi có những cử tri không còn ủng hộ đương kim Tổng thống và việc Thổ Nhĩ Kỳ phải tiến hành bầu cử vòng 2 là minh chứng. Các nhà phân tích viện dẫn, những năm qua, Thổ Nhĩ Kỳ đã gặp rất nhiều khó khăn về kinh tế khi chỉ số lạm phát tăng cao nhất trong vòng 24 năm, đạt 85% vào năm 2022, hay an ninh và khủng bố cũng trở thành mối lo ngại đối với người dân.

Về đối ngoại, liên quan đến cuộc xung đột Nga – Ukraine, ông Erdogan chỉ trích Nga nhưng không đồng ý áp trừng phạt lên Moscow. Điều này khiến các nước phương Tây phật lòng. Nhưng cuối cùng, ông Erdogan vẫn là người được chọn bởi trong quá trình vận động tranh cử, ông đã đưa ra một vài dấu hiệu cho thấy ý định thay đổi hướng đi trong các vấn đề đối nội và chính sách đối ngoại.

Theo ông Erdogan, chủ đề cấp bách nhất mà chính phủ của ông phải đối mặt hiện nay chính là vấn đề lạm phát. Tình trạng suy thoái kinh tế vốn đã gây thiệt hại lớn cho Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiếp tục, trong đó giá của đồng lira xuống mức chưa từng có, đạt mức 20 lira đổi 1 USD hồi tuần trước. Hiện tại, ông Erdogan cam kết rằng Ankara sẽ thực hiện dự án xây dựng trung tâm khí đốt quốc tế tại Thrace, miền Tây Bắc Thổ Nhĩ Kỳ, gần biên giới với Bulgaria. Dự án này triển khai dựa theo đề xuất trước đó của Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Ông Erdogan khẳng định: “Thổ Nhĩ Kỳ sẽ được vực dậy bằng cách chú trọng đầu tư vào lĩnh vực giao thông và năng lượng, vốn là cơ sở hạ tầng cơ bản để phát triển lên tầm thế giới”. Bên cạnh đó, việc "chữa lành" và hồi sinh các thành phố bị phá hủy do động đất kép tiếp tục là ưu tiên hàng đầu. Ông Erdogan cũng khẳng định không bao giờ mềm mỏng trước chủ nghĩa khủng bố và vấn đề an ninh, an toàn luôn thường trực trong các chương trình nghị sự.

Về đối ngoại, việc giữ nguyên quan điểm chính trị trong vấn đề xung đột Nga – Ukraine cũng như trì hoãn phê duyệt Thuỵ Điển gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), sẽ khó có thể đưa mối quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ – phương Tây xích lại gần nhau. Tuy nhiên, việc ông Erdogan tuyên bố tái định cư, giúp hồi hương khoảng 1 triệu người tị nạn Syria về khu vực an toàn, sẽ phần nào giúp các nước phương Tây giảm tải áp lực trong vấn đề di cư.

Các chuyên gia phân tích cho rằng, ông Erdogan sẽ tiếp tục củng cố và thắt chặt mối quan hệ với các nước Arab, khu vực vùng Vịnh cũng như Nga, Ấn Độ và Trung Quốc. Được biết, các nước vùng Vịnh đã hỗ trợ nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ và gửi tiền hỗ trợ nhằm góp phần giảm bớt áp lực lên Ngân hàng Trung ương và thị trường đối với nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ thời gian qua. Như vậy, có thể nói rằng cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt cũng phần nào định hình chính sách đối ngoại của ông Erdogan.

Được biết, các nhà lãnh đạo từ khắp nơi trên thế giới đã liên tiếp gửi lời chúc mừng tới ông Erdogan, như Tổng thống Nga Putin, Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Anh Rishi Sunak, Tổng thống Ukraine Zelensky, Thủ tướng Đức Olaf Scholz, Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hay Thủ tướng Viktor Orban. Trong lời chúc gửi đến Tổng thống Erdogan, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết nóng lòng muốn cùng Thổ Nhĩ Kỳ chuẩn bị cho Hội nghị Thượng đỉnh NATO được tổ chức vào tháng 7 tới tại Lithuania. Cao uỷ về chính sách đối ngoại và an ninh EU Josep Borrell khẳng định sẵn sàng cùng Thổ Nhĩ Kỳ hướng đến một mối quan hệ mang tính xây dựng hơn, nhưng trên các cơ sở bảo đảm nhân quyền, nhà nước pháp quyền, luật pháp quốc tế và sự ổn định khu vực.

Thổ Nhĩ Kỳ từ nhiều năm qua là ứng viên chính thức gia nhập EU. Nhưng các cuộc đàm phán gia nhập vốn được khởi động từ năm 2005 đã bị đóng băng nhiều năm qua do Ủy ban Châu Âu cũng như nhiều nước thành viên EU chỉ trích các chính sách của Thổ Nhĩ Kỳ dưới thời ông Erdogan, vì các cáo buộc về nhân quyền hay nhà nước pháp quyền.

Nguồn: [Link nguồn]

Tổng thống Erdogan tái đắc cử, phương Tây vừa lo vừa hy vọng

Các thủ đô phương Tây hoàn toàn im lặng trong suốt thời gian bầu cử tổng thống của Thổ Nhĩ Kỳ, với mong muốn kín đáo rằng giai đoạn lãnh đạo suốt 20 năm của ông Recep Tayyip...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Kim Khánh ([Tên nguồn])
Thời sự thế giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN