Sớm nhất khi nào Nga có thể nối lại nguồn cung khí đốt cho châu Âu?

Nga có thể sẽ phải nối lại nguồn cung khí đốt cho châu Âu nhưng là khi Mosocow muốn tối ưu lợi nhuận từ xuất khẩu khí đốt, Ed Morse, giám đốc nghiên cứu hàng hóa toàn cầu của ngân hàng Citigroup, nhận định.

Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Nga sẽ thu lời lớn từ nếu khôi phục nguồn cung khí đốt cho châu Âu vào đúng những tháng mùa đông lạnh giá, ông Morse trả lời phỏng vấn trên Bloomberg TV.

Tập đoàn năng lượng Nga Gazprom đã ngừng cung cấp khí đốt cho châu Âu qua đường ống Nord Stream 1. Nga hiện chỉ có thể đẩy mạnh nguồn cung khí đốt cho các quốc gia thuộc Liên Xô cũ, không đủ để thay thế khối lượng khí đốt khổng lồ bị ngừng cấp cho châu Âu.

"Nga không thể sớm tìm được đối tác mới chấp nhận mua khí đốt", ông Morse nói. Khác với dầu thô có thể được vận chuyển bằng đường biển, khí đốt của Nga chủ yếu được xuất khẩu dựa vào các mạng lưới đường ống dài hàng ngàn km.

Để tiếp cận thị trường mới, Nga phải xây thêm đường ống khí đốt và điều này không thể xảy ra trong một sớm một chiều.

Gần đây, giới chức Nga nói sẽ không nối lại nguồn cung khí đốt cho đến khi châu Âu dỡ bỏ các lệnh cấm vận. Điều này khiến các nước thành viên châu Âu (EU) lo ngại về nguy cơ thiếu khí đốt trong mùa đông.

Tuy nhiên, lợi ích lớn nhất đối với kinh tế Nga là khôi phục nguồn cung khí đốt cho châu Âu, ông Morse nói. "Đến một thời điểm mùa đông, Nga có thể nhận thấy cơ hội thu lời cao nhất từ khí đốt", ông Morse giải thích.

Morse nói ông không bất ngờ nếu Nga nối lại dòng chảy khí đốt sau khi các nước châu Âu bắt đầu giảm bớt nỗ lực dự trữ cho mùa đông. "Nga sẽ kiếm được rất nhiều tiền từ đó", ông Morse nhận định.

Ông Morse dự đoán châu Âu sẽ phải mất rất nhiều năm tới mới có thể thay thế hoàn toàn nguồn cung khí đốt Nga. Mỹ và Qatar đang nổi lên là các nhà cung cấp khí đốt tiềm năng lâu dài cho châu Âu. Nhưng châu Âu sẽ phải xây thêm nhiều cơ sở chuyển đổi khí hóa lỏng.

Hôm 6/9, Bộ trưởng Năng lượng Nga Nikolay Shulginov cho rằng châu Âu sẽ không thể từ bỏ khí đốt của Nga trước năm 2027.  

“Châu Âu tự tin rằng họ sẽ đạt được mục tiêu đó trước năm 2027. Tình hình hiện nay chứng tỏ việc từ bỏ khí đốt Nga không hề đơn giản", ông Shulginov trả lời hãng thông tấn Nga TASS.

Bộ trưởng Năng lượng Nga nói thêm rằng mùa đông sắp tới sẽ chứng minh niềm tin của châu Âu vào khả năng từ bỏ khí đốt của Nga. 

Trong mùa đông, nguy cơ thiếu khí đốt có thể khiến các ngành công nghiệp, bao gồm cả ngành hóa chất và sản xuất điện bằng khí đốt của châu Âu phải ngừng hoạt động. 

"Đây sẽ là một cuộc sống hoàn toàn mới đối với người dân châu Âu", ông Shulginov nói, nhấn mạnh rất có thể châu Âu sẽ không thành công trong việc từ bỏ khí đốt Nga.

Nguồn: [Link nguồn]

EU muốn áp giá trần khí đốt Nga, một nước thành viên phản đối

Bà Ursula von der Leyen – Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) – tuyên bố, để giảm áp lực kinh tế trong bối cảnh giá khí đốt tăng vọt, EU sẽ áp giá trần đối với khí đốt xuất...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hoàng Anh - Business Insider ([Tên nguồn])
Xung đột Nga - Ukraine Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN