So sánh sức mạnh của 'Rắn hổ lục' F-16 sắp được chuyển cho Ukraine và 'Bóng ma bầu trời' Su-35 của Nga

Sau nhiều tháng tuyên bố Ukraine không cần F-16 trong cuộc xung đột với Nga, Mỹ đã bất ngờ thay đổi quan điểm, đồng ý để các quốc gia đồng minh gửi loại tiêm kích tiên này cho Kiev.

"Nếu tất cả chúng ta cùng nỗ lực và các quyết định được đưa ra nhanh chóng, tôi ước chừng đến cuối tháng 9, đầu tháng 10, chúng ta có thể thấy những chiếc F-16 đầu tiên bay trên bầu trời Ukraine", cố vấn Bộ Quốc phòng Ukraine Yuri Sa cho biết. 

Chiến đấu cơ F-16 của Mỹ.  Ảnh: Getty

Chiến đấu cơ F-16 của Mỹ.  Ảnh: Getty

Giới quan sát đánh giá, mặc dù Ukraine khó lòng triển khai những máy bay này cho chiến dịch phản công của mình, song tốc độ đưa ra quyết định của Mỹ thực sự là một bất ngờ.

Trước đó, nguyên nhân khiến Mỹ chần chừ là mối quan ngại rằng việc gửi tiêm kích F-16 cho Ukraine sẽ làm Nga nổi giận và leo thang các hành động quân sự.

Tuy nhiên, theo bài đăng trên Tạp chí Military Watch, “cỗ máy lỗi thời” F16 sẽ không thể cạnh tranh với các đối thủ như Su-35, MiG-31 của Nga. Các nhà quan sát cho rằng, việc tiêu diệt những chiếc F-16 sẽ nâng cao đáng kể uy tín của Không quân Nga và tổ hợp công nghiệp quân sự, vốn gần đây đã vô hiệu hóa hệ thống tên lửa phòng không Patriot hàng đầu của Mỹ.

So sánh sức mạnh của F-16 và Su-35

F-16 (bên trái) và Su -35. Ảnh: AP

F-16 (bên trái) và Su -35. Ảnh: AP

F-16 (Fighting Falcon) là máy bay chiến đấu đa năng hạng nhẹ, có phiên bản một hoặc hai chỗ ngồi, do tập đoàn General Dynamics (nay là Lockheed Martin) của Mỹ chế tạo. Tiêm kích này được biên chế cho lực lượng không quân vào năm 1978 và sau đó xuất khẩu sang nhiều nước khác.

Kể từ năm 1979, F-16 đã được nâng cấp và cải tiến khá nhiều, giúp nó có một số tính năng của máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5, trong đó phải kể đến radar hiện đại.

F-16 được đánh giá cao về tính cơ động, tốc độ và phạm vi hoạt động, đồng thời có khả năng mang nhiều loại vũ khí, chẳng hạn như tên lửa hoặc bom. F-16 tuy chỉ có một động cơ nhưng có thể đạt tốc độ tối đa Mach 2 (khoảng 2.100 km/h). 

Chiến đấu cơ này có kíp lái 1 thành viên, dài 14,8m, cao 4,8m, sải cánh 9,8m, trọng lượng cất cánh 16,875 tấn, tầm bay trên 3.200km, trần bay 15.240m. F-16 được trang bị một khẩu pháo đa nòng M-61A1 20 mm và có thể mang theo 6 tên lửa không đối không.

Hỏa thần” M61. Ảnh: AP

Hỏa thần” M61. Ảnh: AP

Trong khi đó, Su-35 là máy bay tiêm kích hạng nặng, tầm xa, đa năng, hai động cơ, thế hệ 4++ do Tập đoàn máy bay quân sự Sukhoi phát triển dựa trên thiết kế Su-27 Flanker từ thời chiến tranh lạnh

Giữa những năm 2000, bằng các công nghệ tiên tiến, Sukhoi bắt đầu hiện đại hóa Su-35 thành thế hệ 4.5, theo đó, cải tiến về hình dáng bên ngoài để Su-35 có tầm hoạt động, khả năng mang vũ khí, kết cấu, khả năng tàng hình cao hơn; sử dụng động cơ thế hệ mới có lực đẩy và công suất mạnh hơn; các trang thiết bị điện tử hiện đại và mới hoàn toàn so với các dòng máy bay chiến đấu trước đó; và hỏa lực cực mạnh.

Với 8 tấn vũ khí được tích hợp, trong chiến đấu ngoài tầm nhìn, Su-35 có thể sử dụng tên lửa R-77 Vympel (định danh NATO AA-12 Adder) - tên lửa không đối không tầm trung, dẫn đường bằng radar, có tầm bắn đến 175km, tính năng tương đương với tên lửa AIM-120 của Mỹ.

Trong không chiến tầm gần, Su-35 sử dụng tên lửa dẫn đường hồng ngoại R-73 Vympel (định danh NATO AA-11 Archer), có khả năng bắt mục tiêu bằng thiết bị cảm ứng gắn trên mũ bay phi công.

Tên lửa R-77 Vympel. Ảnh: RT

Tên lửa R-77 Vympel. Ảnh: RT

Bên cạnh đó, Su-35 trang bị hệ thống tìm kiếm và theo dõi hồng ngoại (IRST) OLS-35, một lần có thể theo dõi 4 tín hiệu hồng ngoại với các bước sóng ngắn khác nhau, khoảng cách dò tìm tối đa là 90km (phần đuôi mục tiêu) và 50km (phía trước mục tiêu) mà máy bay đối phương sẽ không thể dò thấy (do IRST hoạt động mà không phát ra nguồn tín hiệu nào), nhờ đó, nó có thể âm thầm bất ngờ công kích mục tiêu mà không cần bật radar dò tìm.

Hệ thống hồng ngoại dò báo động tên lửa với 6 cảm biến bố trí ở trước thân máy bay bao quát mọi góc độ, có thể phát hiện tên lửa phòng không vác vai, tên lửa không đối không, tên lửa đất đối không trong phạm vi 10km, 30km, 50km, tương xứng. Hai cảm biến dò laser ở hai bên phần đầu của máy bay có thể phát hiện máy chiếu laser ở khoảng cách 30km.

Su-35 được đánh giá là có khả năng chiếm ưu thế trên không, vừa có khả năng làm chủ mặt đất, lại vừa có khả năng trở thành sát thủ của các chiến hạm đối phương.

Tạm kết luận

Các chuyên gia quân sự nhận định, Su-35 mang lại nhiều lợi thế về hiệu suất hơn so với tiêm kích F-16. Cụ thể, Su-35 có tốc độ nhanh hơn, tối đa đạt đến Mach 2,25, tầm hoạt động lớn hơn (hơn 3.600 km) và hệ thống radar mạnh hơn. Do sử dụng công nghệ vectơ lực đẩy vượt trội, nó có thể thực hiện những cú ngoặt cực chính xác. Su-35 được đánh giá là linh hoạt hơn F-16.

Tuy nhiên, F-16 cũng có những lợi thế riêng biệt. Loại chiến đấu cơ này nhẹ hơn hơn Su-35, phù hợp với các cuộc không chiến. Ngoài ra, F-16 cũng tiết kiệm nhiên liệu hơn và dễ bảo trì hơn Su-35.

Theo các chuyên gia, kết quả của một cuộc đối đầu giữa F-16 và Su-35 không chỉ phụ thuộc vào tính năng của mỗi loại máy bay, mà còn phụ thuộc vào quá trình huấn luyện của phi công, hệ thống vũ khí đi kèm, môi trường và địa hình nơi diễn ra cuộc chiến.

Tóm lại, những cuộc không chiến hiện đại khá phức tạp và thường kết hợp nhiều yếu tố khác ngoài khả năng hoạt động của máy bay.

Nguồn: [Link nguồn]

Bộ trưởng Không quân Mỹ “dội gáo nước lạnh” về vai trò của chiến đấu cơ F-16 ở Ukraine

Bộ trưởng Không quân Mỹ Frank Kendall thừa nhận rằng cung cấp chiến đấu cơ Mỹ sản xuất cho Ukraine "không phải là giải pháp thay đổi cuộc chơi".

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Mộc Miên (T/h) ([Tên nguồn])
Vũ khí quân sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN