Sau một năm, các biện pháp trừng phạt Nga của phương Tây có đạt hiệu quả?

Sau khi xung đột Nga-Ukraine bùng nổ, phương Tây đã áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt lên Moscow khiến kinh tế Nga chịu nhiều tác động.

Trừng phạt ngành năng lượng

Ngay khi Nga vừa phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, Mỹ đã áp lệnh trừng phạt lên ngành năng lượng Moscow. Tháng 3-2022, Washington cấm nhập khẩu dầu thô, khí đốt tự nhiên hóa lỏng và than đá của Nga cũng như hạn chế đầu tư của Mỹ vào hầu hết các công ty năng lượng Nga. Đến tháng 12-2022, Mỹ và các đồng minh trong Nhóm G7 đã đồng ý áp giá trần lên dầu thô Nga ở mức 60 USD/thùng.

Các biện pháp trừng phạt của EU lại nhập nhằng hơn vì khu vực này phụ thuộc quá nhiều vào ngành năng lượng Nga. Vào thời điểm xảy ra xung đột, Moscow cung cấp gần 40% lượng khí đốt của EU và gần 1/3 lượng dầu thô của khối. Cuối năm 2022, EU tuyên bố cấm nhập khẩu hầu hết dầu thô của Nga và tham gia áp giá trần tương tự G7. Đầu năm 2023, khối áp đặt lệnh cấm bổ sung đối với các sản phẩm dầu tinh chế của Nga như dầu diesel và xăng.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia của tờ The Economist, các biện pháp trừng phạt này dường như không hiệu quả. Cụ thể, sau một thời gian lắng xuống do các công ty châu Âu tìm cách thích nghi với mức giá trần mới, các chuyến hàng đã được nối lại với tốc độ nhanh chóng. Điểm đến của các chuyến hàng không còn là châu Âu, mà là Trung Quốc và Ấn Độ.

Nhiều người cho rằng dù Nga bán được dầu nhưng giá sẽ thấp hơn, theo The Economist, điều này khó khẳng định vì các công ty Ấn Độ không chia sẻ dữ liệu với các cơ quan theo dõi giá như các thương nhân châu Âu vẫn làm. Ngoài ra, Nga giờ đây ít phụ thuộc vào cơ sở hạ tầng tài chính và vận chuyển của phương Tây nên các “giao dịch ngầm” cũng có thể đã tăng lên rất nhiều.

Mặc dù khối lượng xuất khẩu dầu và khí đốt của Nga sang châu Âu giảm trong năm 2022, nhưng doanh thu năng lượng của nước này đã đạt 168 tỉ USD trong năm, mức cao nhất kể từ năm 2011. Nga kết thúc năm với thặng dư tài khoản vãng lai là 227 tỉ USD, mức cao kỷ lục, theo trang The Conversation.

Sau một năm, các biện pháp trừng phạt của phương Tây lên Nga có đạt hiệu quả?. Ảnh: GLOBSEC

Sau một năm, các biện pháp trừng phạt của phương Tây lên Nga có đạt hiệu quả?. Ảnh: GLOBSEC

Lĩnh vực tài chính

Mỹ và EU đã cấm mọi giao dịch và đóng băng tài sản của Ngân hàng Trung ương Nga, loại một số ngân hàng Nga ra khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT. Tính đến nay, phương Tây đã đóng băng khoảng 350 tỉ USD dự trữ ngoại hối cũng như tài sản của giới tài phiệt Nga.

EU cũng đã cấm bán, cung cấp, chuyển tiền giấy mệnh giá euro sang Nga để hạn chế khả năng tiếp cận của chính phủ, Ngân hàng Trung ương, các cá nhân và pháp nhân Nga.

Theo viện nghiên cứu Bruegel (Bỉ), các biện pháp trừng phạt khá toàn diện đối với lĩnh vực tài chính có tác động đến Moscow nhưng không đạt được hiệu quả như phương Tây kỳ vọng.

Ngân hàng Trung ương Nga cho biết các ngân hàng nước này đã thua lỗ gần 25 tỉ USD trong nửa đầu năm 2022, phần lớn là do hoạt động ngoại tệ bị ảnh hưởng.

Tuy nhiên hệ thống tài chính Nga vẫn ổn định, chủ yếu là nhờ các biện pháp của Ngân hàng Trung ương Nga. Ngay khi xung đột nổ ra, Ngân hàng Trung ương Nga đã tăng lãi suất lên 20% để bảo vệ đồng ruble. Cơ quan này trước đó đã chuẩn bị một lượng lớn ngoại tệ để đề phòng các lệnh trừng phạt.

Hầu hết các ngân hàng lớn ở Nga đã phục hồi trở lại sau thời gian ngắn chịu tác tiêu cực từ việc đã ngắt kết nối với SWIFT vào tháng 3-2022.

Ngân hàng Trung ương Nga ở thủ đô Moscow vào ngày 28-2-2022. Ảnh: TASS

Ngân hàng Trung ương Nga ở thủ đô Moscow vào ngày 28-2-2022. Ảnh: TASS

Cấm Nga nhập khẩu hàng hóa đặc thù và sự rời đi của nhiều công ty nước ngoài

Ngoài các biện pháp trừng phạt kinh tế và tài chính, Mỹ và các đồng minh đã áp đặt các biện pháp nhằm kiểm soát xuất khẩu các sản phẩm công nghệ cao (như thiết bị máy bay, chất bán dẫn,...) sang Nga. Mục đích là để hạn chế khả năng quân sự của Moscow.

Nga có cách để đối phó với các lệnh trừng phạt này. Một số nước láng giềng của Nga đã đóng vai trò trung gian, nhập khẩu hàng hóa từ phương Tây và sau đó gửi đến Nga. Armenia là một ví dụ, giá trị nhập khẩu điện thoại thông minh của nước này trong mùa hè năm 2022 tăng hơn 10 lần và lượng điện thoại mà Armenia xuất sang Nga cũng bùng nổ trong giai đoạn đó, theo trang Council on Foreign Relations.

Moscow cũng chuyển hướng sang mua sản phẩm công nghệ từ Trung Quốc. Theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, thương mại song phương Nga-Trung đạt mức kỷ lục 190 tỉ USD vào 2022. Hơn 40% vi mạch của Nga là nhập từ Trung Quốc.

Một trong những vấn đề mà giới chức Nga lo ngại nhất chính là việc rời đi của các công ty nước ngoài do các lệnh trừng phạt và áp lực từ người tiêu dùng châu Âu. Số liệu từ các nhà nghiên cứu từ Đại học Yale School of Management (Mỹ) công bố ngày 31-1 cho thấy hơn 1.000 doanh nghiệp nước ngoài đã cắt giảm hoạt động ở Nga từ khi xung đột nổ ra.

Giới phân tích dự đoán rằng, để ngăn chặn tình trạng này, chính phủ Nga có thể sẽ tăng cường áp lực với các doanh nghiệp định rời đi, thậm chí là quốc hữu hóa tài sản của các công ty rời Nga.

Một số ngành hàng của Nga chịu tác động nặng nề từ 2 biện pháp trừng phạt trên. Việc các nhà sản xuất nước ngoài rút lui và thiếu hụt nguyên liệu đầu vào khiến ngành sản xuất ô tô và ngành hàng không ở Nga giảm 80% sản lượng trong năm 2022.

Tịch thu tài sản Nga: Nói dễ hơn làm

Trong suốt một năm xung đột, các chính trị gia và nhà vận động ở phương Tây nỗ lực thúc đẩy việc sử dụng tài sản đang bị đóng băng của Nga để tái thiết Ukraine. Tuy nhiên, chuyên gia cảnh báo việc tịch thu có thể sẽ vướng vào các rắc rối pháp lý..

Các chuyên gia pháp lý phân biệt rõ ràng giữa tài sản tư nhân và tài sản nhà nước của Nga mà các chính phủ phương Tây đang giữ.

Với tài sản tư nhân, các quốc gia phương Tây chỉ được phép tịch thu vĩnh viễn trong những trường hợp rất hạn chế, thường là chỉ khi chứng minh được đó là tài sản do phạm tội mà có. Việc thu giữ tài sản này có thể vi phạm các nguyên tắc pháp lý cơ bản như quyền sở hữu tài sản hay các quyền miễn trừ.

Trong khi đó tài sản nhà nước được bảo vệ bởi “Quyền miễn trừ tài phán và tài sản quốc gia” trong luật quốc tế. Theo đó, một quốc gia không được tịch thu tài sản của quốc gia khác. Có những trường hợp ngoại lệ, nhưng phạm vi áp dụng cũng không rõ ràng.

Nguồn: [Link nguồn]

EU chưa đạt đồng thuận về gói trừng phạt Nga thứ 10 vào dịp kỷ niệm một năm xung đột Ukraine

Liên minh châu Âu (EU) muốn thông qua gói trừng phạt thứ 10 nhằm vào Nga vào đúng ngày 24/2, dịp kỷ niệm một năm ngày xung đột ở Ukraine nổ ra.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo THẢO VY ([Tên nguồn])
Xung đột Nga - Ukraine Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN