Sau 2 tuần Taliban cai trị, tình hình Afghanistan giờ ra sao?

Chính thức nắm quyền kiểm soát Afghanistan cách đây 2 tuần, Taliban giờ đang tìm mọi cách để được quốc tế công nhận và xoa dịu nỗi sợ rằng, tổ chức này sẽ áp dụng lại cách cai trị hà khắc như trước đây. 

Các cậu bé Afghanistan đi qua một tay súng Taliban ở thủ đô Kabul, Afghanistan, hôm 14/9. Ảnh: AP

Các cậu bé Afghanistan đi qua một tay súng Taliban ở thủ đô Kabul, Afghanistan, hôm 14/9. Ảnh: AP

Cảm giác "tuyệt vọng" dưới sự cai trị của Taliban

Nhiều người Afghanistan đang cảm thấy tuyệt vọng trước sự cai trị của Taliban, sau 2 tuần tổ chức này chính thức nắm quyền nhưng chưa được cộng đồng quốc tế công nhận. 

Các thương gia ở thành phố thương mại Herat lo sợ cho tương lai của họ sau khi bị Taliban truy thu thuế và hàng hóa tồn đọng để thông quan.

Người Afghanistan bán đồ dùng cá nhân để kiếm sống ở thủ đô Kabul hôm 20/9. Ảnh: Getty

Người Afghanistan bán đồ dùng cá nhân để kiếm sống ở thủ đô Kabul hôm 20/9. Ảnh: Getty

Herat - thành phố lớn thứ 3 của Afghanistan, là một trung tâm kinh tế chiến lược, dọc "Con đường Tơ lụa" cổ đại, có biên giới gần Iran và Turkmenistan. Herat còn là nguồn doanh thu chính của Afghanistan.  

Dù Taliban đổ lỗi cho tình trạng tham nhũng tràn lan của chính phủ trước đây là nguyên nhân làm tăng chi phí cho những nhà nhập khẩu, các doanh nhân ở Herat cho biết, họ sẽ phải chịu thiệt nếu Taliban không giảm thuế. 

"Tôi thực sự cảm thấy tuyệt vọng", doanh nhân Faghir Ahmad nói với báo chí. 

Giá cả tăng trong khi tiền mặt thiếu hụt

Kể từ khi Taliban giành được quyền kiểm soát Afghanistan, giá lương thực và chi phí nhiên liệu tăng cao, trong khi người dân có ít cơ hội kiếm tiền hơn. 

Ngân hàng trung ương Afghanistan chỉ được tiếp cận với một phần nhỏ của nguồn tài chính thông thường và bị cắt khỏi hệ thống ngân hàng quốc tế cũng như dự trữ ngoại tệ của quốc gia này. 

Điều đó dẫn đến tình trạng thiếu hụt tiền mặt. Các ngân hàng buộc phải giới hạn số tiền rút hàng tuần cho mỗi người là 200 USD (4,5 triệu đồng).  

Dòng người ở Afghanistan ngồi xếp hàng để chờ tới lượt rút tiền từ ATM. Ảnh: Getty

Dòng người ở Afghanistan ngồi xếp hàng để chờ tới lượt rút tiền từ ATM. Ảnh: Getty

"Ban đầu, khi Taliban tới, chúng tôi rất mừng vì được bảo vệ an ninh. Nhưng bây giờ, mọi thứ đều tăng giá. Người dân không đủ khả năng mua sắm", doanh nhân Ahmad - người chuyên nhập khẩu thực phẩm vào thành phố Herat - nói. 

Ahmad, một trong 40 lãnh đạo doanh nghiệp của thành phố Herat tham gia cuộc họp thương mại diễn ra trong tuần này, phàn nàn về thuế và hơn 3.000 xe tải hàng hóa bị tồn đọng.

Các quan chức hải quan thuộc chính phủ trước đây từ lâu đã bị cáo buộc nhận hối lộ từ doanh nhân, tham nhũng nhiều tiền thay vì thu vào ngân sách nhà nước. 

Hai phụ nữ Afghanistan ngồi xin ăn trước cửa hàng bán bánh ở Kabul hôm 13/9. Ảnh: New York Times

Hai phụ nữ Afghanistan ngồi xin ăn trước cửa hàng bán bánh ở Kabul hôm 13/9. Ảnh: New York Times

 Zabihullah Mujahid, phát ngôn viên của Taliban, nói trong cuộc họp báo hôm 22/9 rằng Taliban không tăng thuế mà chỉ thu một mức thuế hợp lý. 

"Bộ máy dưới thời chính phủ cũ có rất nhiều vấn đề liên quan tới tham nhũng, nhưng mọi chuyện vẫn ổn", Abdul Latif Yousufzei, người chuyên bán thực phẩm và sản phẩm vệ sinh, nói. "Dưới thời Taliban, chúng tôi chưa thấy có vấn đề nào liên quan tới tham nhũng, nhưng thuế lại tăng lên. Chúng tôi không thể nộp nhiều như vậy. Tôi cảm thấy không còn chút hy vọng nào cho tương lai". 

Chia sẻ với truyền thông, người lao động tại Trung tâm làm thủ tục thông quan của Herat cho hay, kể từ khi Taliban kiểm soát trung tâm, mức lương vốn ít ỏi của họ lại bị giảm đi. Đôi khi, họ còn không biết có được trả lương hay không. 

Mir Allam, một công nhân bốc dỡ đã 70 tuổi, ngồi cùng các đồng nghiệp trong bóng râm cạnh chiếc xe tải. "Chúng tôi làm việc vất vả nhưng được trả rất ít tiền", ông Allam chia sẻ với báo chí, nói rằng chỉ được trả chưa đầy 2 USD để cùng 6 người khác, dỡ 20 tấn hàng khỏi xe tải. 

Một công nhân khác, không muốn công khai danh tính, nói rằng, dưới thời chính phủ cũ, người này được trả tiền ngay sau khi dỡ xong hàng. "Nhưng giờ, khi hoàn thành công việc, chúng tôi còn không biết liệu có được trả công hay không", công nhân giấu tên nói.  

Các tay súng Taliban đi tuần tra ở Kabul. Ảnh: Getty

Các tay súng Taliban đi tuần tra ở Kabul. Ảnh: Getty

Younes Qazizadeh, người đứng đầu Phòng Thương mại Herat, cho biết đang làm việc với các doanh nhân và Taliban để đạt được giải pháp chung.  

"Khi có sự thay đổi về người nắm quyền, sẽ có một số vấn đề xảy ra. Mọi người đến với cuộc họp này để nói lên ý kiến của họ. Họ đang kêu gọi chính phủ của Taliban mang lại những thay đổi cho thương mại Afghanistan. Chúng tôi hy vọng những thay đổi này sẽ thành hiện thực và mang lại điều tích cực", ông Qazizadeh nói. 

Ahmad Mohajer, phó thống đốc thành phố Herat, xác nhận có "một số vấn đề về thuế", nhưng giới chức hữu quan đang đưa ra các giải pháp để giải quyết các vấn đề này. 

"Chúng tôi sẽ ghi lại những yêu cầu của các doanh nhân và gửi danh sách đó tới Bộ Tài chính. Bộ sẽ cử một phái đoàn tới Herat để lắng nghe các doanh nhân. Sau đó, chúng tôi sẽ có hành động cụ thể", Mohajer nói. 

Nguồn: [Link nguồn]

Khủng bố ISIS-K lại tấn công chết người ở Afghanistan, công khai thách thức Taliban

Một loạt các vụ tấn công khủng bố xảy ra tại tỉnh Nangarhar, miền đông Afghanistan. Đây là đợt bùng phát bạo lực mới...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nguyễn Thái - Tổng hợp ([Tên nguồn])
Tin tức Afghanistan Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN