Khủng bố ISIS-K lại tấn công chết người ở Afghanistan, công khai thách thức Taliban

Một loạt các vụ tấn công khủng bố xảy ra tại tỉnh Nangarhar, miền đông Afghanistan. Đây là đợt bùng phát bạo lực mới nhất ở khu vực mà một nhánh của khủng bố IS đang công khai thách thức Talban.

Hiện trường một vụ đánh bom ở Jalalabad, miền đông Afghanistan hôm 19.9.

Hiện trường một vụ đánh bom ở Jalalabad, miền đông Afghanistan hôm 19.9.

Theo Wall Street Journal (WSJ), những kẻ khủng bố gây ra hai vụ đánh bom và một vụ xả súng trong ngày 22.9 ở thành phố Jalalabad, thủ phủ tỉnh Nangarhar.

Một tay súng không rõ danh tính đã xả đạn vào một trạm kiểm soát của Taliban ở quận Ghawchak, Jalalabad, khiến 3 người chết, bao gồm hai thành viên Taliban.

Hiện chưa có thống kê cụ thể về hai vụ đánh bom xảy ra cùng ngày nhằm vào các thành viên Taliban. Nhưng ít nhất có thêm hai người khác thiệt mạng và nhiều người bị thương.

Loạt vụ tấn công gây chết người ở Jalalabad xảy ra chỉ vài ngày sau các vụ đánh bom liên tiếp vào các ngày 18 và 19.9 ở Jalalabad, khiến hàng chục tay súng Taliban thương vong.

Tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng Khorasan (ISIS-K) tuyên bố nhận trách nhiệm về các vụ tấn công trên, coi “các thành viên Taliban là những kẻ bội giáo”.

Các tỉnh khác ở Afghanistan có sự hiện diện mạnh mẽ của khủng bố ISIS-K, gồm Kunar với số đông cộng đồng người Salafi và tỉnh Jowzjan.

ISIS-K chủ yếu là tập hợp các tay súng cực đoan người Afghanistan và Paksitan, bao gồm cả các cựu thành viên Taliban và những người coi Taliban quá ôn hòa.

Trong khi Taliban sẵn sàng ân xá cho các thành viên lực lượng an ninh Afghanistan trong chính quyền cũ, tổ chức này không hề nương nay với khủng bố ISIS-K.

Hôm 15.8, vài giờ sau khi kiểm soát Kabul, Taliban đã tiêu diệt một trong các thủ lĩnh của ISIS-K, Abu Omar Khorasani, theo WSJ.

Hai giáo sĩ có quan hệ thân cận với ISIS-K, Abu Obaidullah Mutawakkil và Muhammad Nabi Muhammadi, cũng được tìm thấy trong tình trạng đã chết vào đầu tháng này.

ISIS-K có ảnh hưởng đáng kể ở Nangarhar, với hàng ngàn tay súng và người ủng hộ trên địa bàn, Abdul Sayed, một chuyên gia am hiểu về các tổ chức cực đoan ở Afghanistan và Pakistan, nói.

“Nếu Taliban không chấp nhận những người địa phương theo Sufi giáo trong đạo Hồi và không cho phép tự do tín ngưỡng thì điều này sẽ càng củng cố ảnh hưởng của ISIS-K ở Nangarhar và các tỉnh lân cận”, Sayed nói.

Tồn tại trong cả Hồi giáo dòng Sunni và Shia, Sufi giáo không phải là một giáo phái riêng biệt, mà là phương pháp tiếp cận hoặc một cách hiểu khác về Hồi giáo thông qua tâm linh.

Taliban từng đổ lỗi rằng sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Afghanistan là nguyên nhân các tổ chức vũ trang hoạt động mạnh ở Afghanistan.

3 tuần kể từ khi Mỹ rời khỏi Afghanistan, bạo lực vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt. Tuy vậy, Taliban khẳng định tình hình vẫn trong tầm kiểm soát.

“Không có mối đe dọa từ IS”, Sherullah Badri, một chỉ huy Taliban phụ trách an ninh ở Kabul, nói. “Chúng tôi được thông báo chi tiết các hoạt động của IS. Chúng không trà trộn được vào người dân nên sẽ không thể sống sót”.

Vài ngày trước, Taliban đã thay thế hai tỉnh trưởng ở Nangarhar và Kunar, dấu hiệu cho thấy tình hình bất ổn tại hai tỉnh này, do thách thức từ ISIS-K.

Nguồn: [Link nguồn]

Taliban hứng đợt đánh bom chết chóc đầu tiên sau khi Mỹ rút quân

Mục tiêu của vụ đánh bom là đoàn xe chở các quan chức Taliban ở thành phố Jalalabad, tỉnh Nangarhar, Afaghanistan.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Đăng Nguyễn - WSJ ([Tên nguồn])
Phiến quân Hồi giáo IS Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN